Điều chỉnh chính sách xuất khẩu phù hợp yêu cầu mới

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện Việt Nam đã có gần 1.500 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các chuỗi cung ứng này vừa sản xuất, cung ứng cho thị trường trong nước cũng như gia tăng xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới. 

Một số thị trường xuất khẩu chính của chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn Việt Nam là châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tại các thị trường này, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do nên nhiều mặt hàng xuất khẩu nói chung và thực phẩm an toàn nói riêng được hưởng ngay chính sách ưu đãi về thuế quan. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải thực hành tốt tiêu chuẩn sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. 

Trên thực tế, thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp trong nước chủ động đổi mới công nghệ sản xuất và đã vượt thành công rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Về phía Bộ NN-PTNT cho biết thêm, bộ này đang kết hợp với nhiều địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào khâu công nghệ cao như giống, công nghiệp phục vụ chế biến, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, giúp doanh nghiệp hài hòa hóa tiêu chuẩn xuất khẩu, thiết lập hệ thống cơ sở khách hàng để phản biện kịp thời, từ đó điều chỉnh chính sách xuất khẩu phù hợp với yêu cầu mới của thị trường. 

Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước chưa chủ động thiết lập các yếu tố cần thiết và hỗ trợ để đồng hành doanh nghiệp trong nước phát triển. Đơn cử, hoạt động của các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, trung tâm cơ sở dữ liệu kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối còn chưa hiệu quả. Do đó, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại phải nhập khẩu trực tiếp một phần hoặc toàn bộ từ nước ngoài với giá thành cao. 

Các buổi đối thoại giữa các cơ quan ban ngành, đơn vị nhà nước với doanh nghiệp chưa thật sự mang lại hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu do chưa tập trung vào đặc thù của từng ngành nghề, thời gian các buổi đối thoại khá hạn chế, dẫn đến các sở ngành không thể lắng nghe hết ý kiến bức xúc của các doanh nghiệp. Về chính sách hỗ trợ vốn đầu tư, mặc dù nhà nước đã có các gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhưng các gói kích cầu này doanh nghiệp không dễ tiếp cận. Nguyên nhân là do doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất nhỏ nên mặt bằng nhà xưởng, phương án sản xuất kinh doanh, minh bạch tài chính kế toán không đạt yêu cầu quy định của các gói kích cầu.

Do vậy, cơ quan chức năng cần sớm khắc phục những hạn chế trên. Ngoài ra, cần xây dựng lộ trình để giảm thiểu rào cản kỹ thuật là phải đầu tư chế biến sâu, xây dựng chuỗi phân phối ra nước ngoài và chuỗi thương hiệu. Các bộ ngành, địa phương phải tập trung lựa chọn và hỗ trợ sản phẩm nào để đưa vào chuỗi thương hiệu. Song song đó, thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm để tránh ảnh hưởng đến thương hiệu toàn chuỗi cung ứng hàng Việt. Có như vậy mới có thể giúp duy trì tốc độ phát triển, gia tăng kim ngạch xuất khẩu bền vững.

Tin cùng chuyên mục