Theo đó, việc điều chỉnh này nhằm định hướng cho hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa có tính kết nối cao với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và các kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng kinh tế và của cả nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo xây dựng điều chỉnh quy hoạch từ nay đến năm 2020, giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn sau năm 2030; trong đó, xác định rõ nội dung công việc cần thực hiện trong từng giai đoạn (các dự án ưu tiên thực hiện), chú ý kết hợp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa với phát triển dịch vụ du lịch; riêng giai đoạn sau năm 2030, đề xuất các nội dung có tính định hướng thực hiện việc nâng cấp các tuyến luồng, hệ thống cảng, bến thủy nội địa... đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông vận tải trên đường thủy trên cả nước.
Bộ GTVT tính toán kỹ lưỡng về năng lực vận tải đường thủy nội địa của khu vực phía Nam, xác định cụ thể lưu lượng hàng hóa vận chuyển trên đường thủy nội địa đối với hàng hóa ra - vào các cảng biển trong khu vực.
Đối với đề xuất tháo gỡ các nút thắt, cản trở hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải tổ chức nghiên cứu, xây dựng phương án xử lý; trong đó, tính toán hiệu quả phương án tháo gỡ các nút thắt, gây cản trở đến hoạt động giao thông vận tải trên đường thủy nội địa của các khu vực miền Bắc, miền Nam; đề xuất phương án đầu tư, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nguồn vốn thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều chuyên gia về vận tải cho rằng, đây là quyết định đúng đắn của Chính phủ, đặc biệt đối với Nam bộ - nơi có hệ thống kênh, rạch chằng chịt, rất thích hợp cho phát triển giao thông đường thủy, song nhiều năm qua chưa được khai thác đúng mức. Quy hoạch này kỳ vọng sẽ là định hướng để “đánh thức” tiềm năng phát triển đường thủy nội địa.