Điều chỉnh quy hoạch, tạo động lực phát triển mới cho TPHCM

Ngày 30-9, UBND TPHCM đã tổ chức lễ công bố Quyết định 1528/QĐ-TTg ngày 14-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Quyết định 1538/QĐ-TTg ngày 16-9-2021 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040. 

Đến dự có đồng chí Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành, hiệp hội, nhà đầu tư…

Điều chỉnh quy hoạch, tạo động lực phát triển mới cho TPHCM ảnh 1 Đến dự có đồng chí Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành, hiệp hội, nhà đầu tư…

Vai trò hạt nhân, liên kết vùng

Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Thanh Nhã thay mặt ban tổ chức công bố Quyết định 1528. Theo đó, mục tiêu lập điều chỉnh quy hoạch của TPHCM phải phù hợp định hướng phát triển của toàn vùng TPHCM, hướng tới phát triển thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế. 

Một số quan điểm lập điều chỉnh quy hoạch được xác định như: đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển kinh tế biển gắn với mục tiêu hình thành chuỗi đô thị biển của vùng, kết hợp bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; hướng tới sự đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Xác định tầm nhìn mới theo ý tưởng: “TPHCM là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn; trở thành trung tâm kinh tế tri thức, kinh tế biển và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

TPHCM là đô thị loại đặc biệt trực thuộc trung ương, là một trong những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực miền Đông Nam bộ, cả nước và khu vực Biển Đông. Quy mô dân số toàn TPHCM dự kiến đến năm 2040 khoảng 13-14 triệu người. Đất xây dựng đô thị đến năm 2040 dự kiến khoảng 100.000-110.000ha.

Trong khi đó, nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040 có mục tiêu xây dựng TP Thủ Đức trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của TPHCM và quốc gia. Dự kiến đến năm 2030, dân số toàn TP Thủ Đức đạt khoảng 1,5 triệu người; năm 2040 đạt khoảng 2,2 triệu người, hướng đến 3 triệu người sau năm 2040. Đến năm 2030, dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 19.994ha.

Thể hiện tầm nhìn phát triển

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Hòa Bình nhấn mạnh, công tác quy hoạch luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của TPHCM. Đồ án quy hoạch chung của thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu năm 1993 và gần đây nhất là năm 2010 đã tạo tiền đề cho thành phố xây dựng hạ tầng, phát triển các khu đô thị mới, cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu, xây dựng các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học… 

Việc lập điều chỉnh quy hoạch mới phải vừa khả thi, giải quyết các tồn tại và phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của thành phố. Đồ án cần thể hiện được tầm nhìn phát triển mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra. Quy hoạch xây dựng cần đồng bộ với quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành khác. Tăng cường giải pháp liên kết vùng, tuân thủ định hướng phát triển vùng đã được Chính phủ phê duyệt với vai trò đầu tàu của TPHCM. Đặc biệt, việc lập quy hoạch TP Thủ Đức phải tạo điều kiện, cơ sở cho công tác kêu gọi đầu tư phát triển nhanh. 

Đồng chí Lê Hòa Bình yêu cầu từ nay đến cuối năm phải hoàn thành đồ án quy hoạch chung của TP Thủ Đức. Giao Sở QH-KT nghiên cứu để hoàn thiện đồ án quy hoạch TPHCM trong thời gian tới. Sở QH-KT cần khảo sát các mô hình đô thị lớn trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, cần đánh giá hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, pháp lý một cách đầy đủ khi lập quy hoạch nhằm tránh làm xáo trộn đời sống của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp. Thành phố cam kết với các nhà đầu tư sẽ không làm ách tắc hoạt động đầu tư của doanh nghiệp khi thực hiện đồ án quy hoạch. 

Trước mắt, đồng chí Lê Hòa Bình yêu cầu Sở QH-KT và UBND TP Thủ Đức phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo tích hợp đầy đủ, kịp thời các nội dung liên quan như đất đai, giao thông… vào đồ án quy hoạch. Phấn đấu trình đồ án cho các cơ quan trung ương và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chậm nhất vào giữa năm 2023.

Tin cùng chuyên mục