Điêu đứng trước thông tin rau VietGAP “dỏm”

Sáng 20-12, lãnh đạo Hợp tác xã nông nghiệp SX TM-DV Phước An (gọi tắt HTX Phước An) cho biết thông tin rau VietGAP “dỏm” khiến HTX rơi vào cảnh điêu đứng; đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp chế tài nghiêm đối với các đơn vị kinh doanh trá hình, cố tình mập mờ thông tin rau VietGAP làm ảnh hưởng đến các đơn vị làm ăn chân chính.
Điêu đứng trước thông tin rau VietGAP “dỏm”

(SGGPO).- Sáng 20-12, lãnh đạo Hợp tác xã nông nghiệp SX TM-DV Phước An (gọi tắt HTX Phước An) cho biết thông tin rau VietGAP “dỏm” khiến HTX rơi vào cảnh điêu đứng; đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp chế tài nghiêm đối với các đơn vị kinh doanh trá hình, cố tình mập mờ thông tin rau VietGAP làm ảnh hưởng đến các đơn vị làm ăn chân chính.

Chiều 19-12, đoàn khảo sát do bà Trương Thị Ánh – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM dần đầu có buổi làm việc tại HTX Phước An (ấp 4, Tân Quý Tây, Bình Chánh, TPHCM) về vấn đề chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Bà Trương Thị Ánh (thứ 2 từ phải sang) – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM cùng đoàn đại biểu tham quan mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP tại Hợp tác xã nông nghiệp SX TM-DV Phước An.

Trao đổi với đoàn khảo sát, ông Võ Thành Dương – Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp SX TM-DV Phước An (gọi tắt HTX Phước An) cho biết đầu tháng 12-2014, báo chí có đăng thông tin về việc rau thường trộn lẫn rau VietGAP để bán giá cao, kiếm lời. Bài báo chỉ đích danh nhiều hợp tác xã trồng rau tên tuổi trên địa bàn TPHCM, trong số đó có HTX Phước An. Sau đó hàng loạt các doanh nghiệp từng ký kết thu mua rau quả với HTX Phước An (như siêu thị Metro, siêu thị AEON, Công ty Dầu khí Vũng Tàu, siêu thị Đồng Tháp) đã ngưng hoặc tạm ngưng mua hàng. Nhiều hộ dân sản xuất rau an toàn theo đúng quy chuẩn rất lo lắng, cắt giảm diện tích đất sản xuất; thậm chí có hộ đổ bỏ rau cho cá ăn.

Nông dân sơ chế, làm sạch rau trước khi phân phối cho thị trường.

Ông Võ Thành Dương cho rằng, thực trạng hàng gian, hàng nhái khiến mọi người bất bình; nhưng nếu nhìn nhận, đặt vấn đề một cách đánh đồng thì hậu quả thật khó lường. Ông Dương chỉ ra rằng, bài báo dẫn chứng việc nông dân trồng rau bên ngoài, cạnh một nhà lồng với  mục đích trộn rau thường vào rau chuẩn VietGAP. Thực tế không phải như vậy. Nhà lồng (dạng lưới rào, phun nước tự động… ) báo nêu có diện tích 1.000 m², giá khoảng 600 triệu đồng do dự án QSEAP tặng một hộ dân vào đầu năm 2014 để trồng rau VietGAP, nhưng hướng đến chuẩn GlobalGAP để có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Có thể hiểu rằng, nhà lồng này đang trồng thử nghiệm loại rau phẩm cấp cao hơn rau VietGAP, chứ không phải dùng nhà lồng trồng rau VietGAP sau đó trộn với rau thường bán ra thị trường với giá cao.

Theo ông Dương, hầu hết các hộ dân cung cấp rau cho HTX Phước An đều trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, nên trồng trong nhà lồng hay ngoài nhà lồng đều an toàn như nhau.


NGÂN HẠNH

Tin cùng chuyên mục