Tại đây, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, hàng giả không những hủy hoại sức khỏe người tiêu dùng mà còn xói mòn niềm tin vào hàng thật…
Mở đầu tọa đàm, Luật sư Trương Anh Tú, đại diện pháp lý cho Công ty CP Nhựa Bình Minh chỉ ra rằng, có tình trạng doanh nghiệp mới đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với tên thương hiệu gần giống thương hiệu nổi tiếng. Thêm nữa, việc lan tỏa thông tin giả hiện nay rất dễ dàng, nên người tiêu dùng càng dễ bị lừa. Do vậy, ông Tú kiến nghị trước khi cấp phép, cơ quan chức năng cần rà soát, thẩm định kỹ; sàng lọc đối với các doanh nghiệp có tên dễ gây nhầm lẫn…

6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trên cả nước đã kiểm tra, xử lý hơn 50.000 vụ vi phạm liên quan buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, số vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm tăng gần 80%, hàng giả tăng hơn 8%.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM đánh giá việc xử lý hàng hóa sau khi bắt giữ còn phức tạp hơn cả việc phát hiện vi phạm. Ngoài ra, khung pháp lý hiện hành đã lỗi thời, chưa bắt kịp các hành vi lách luật tinh vi, nhất là các hình thức kinh doanh trên không gian mạng internet.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Sở Công thương TPHCM đã triển khai chương trình “Tick xanh trách nhiệm” (Hợp tác, kiểm soát chất lượng hàng hóa). Điểm nổi bật là khi phát hiện sản phẩm có tick xanh vi phạm, toàn bộ hệ thống phân phối (siêu thị, trung tâm thương mại…) sẽ ngưng nhập hàng từ doanh nghiệp cung ứng. Thế nhưng, ông Nguyễn Nguyên Phương cũng thừa nhận, sau hơn 1 năm triển khai, số lượng doanh nghiệp tham gia còn khá khiêm tốn.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị nhằm lan tỏa chương trình tick xanh trách nhiệm, nhân rộng doanh nghiệp tham gia, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”, ông Phương cho hay.