Đồng bằng sông Cửu Long

Điêu đứng vườn cây đặc sản

Những ngày gần đây, nhiều nông dân canh tác vú sữa Lò Rèn - đặc sản ở Châu Thành (Tiền Giang), đứng ngồi không yên vì cây chết hàng loạt. Nếu các nhà khoa học không có giải pháp kịp thời, nguy cơ bị “xóa sổ” của vú sữa Lò Rèn có thể trở thành hiện thực.
Điêu đứng vườn cây đặc sản

Những ngày gần đây, nhiều nông dân canh tác vú sữa Lò Rèn - đặc sản ở Châu Thành (Tiền Giang), đứng ngồi không yên vì cây chết hàng loạt. Nếu các nhà khoa học không có giải pháp kịp thời, nguy cơ bị “xóa sổ” của vú sữa Lò Rèn có thể trở thành hiện thực.

  • Thất mùa - cây chết

Trưa 7-3, chúng tôi về chợ trái cây Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ngay thời điểm vú sữa Lò Rèn thu hoạch rộ. Không còn cảnh mua bán vú sữa nhộn nhịp ngày nào, thay vào đó là nỗi lo của bao nhà vườn Vĩnh Kim. Hỏi ra mới biết, vú sữa năm nay không những thất mùa mà một số vườn đang bị chết cây hàng loạt.

Đi từ xã Vĩnh Kim sang Kim Sơn, Bàn Long, Song Thuận… đâu đâu cũng thấy vú sữa khô héo chết dần, chỉ còn biết đốn làm củi đốt. Tại xã Kim Sơn, một trong những xã trồng nhiều nhất tỉnh với 312 ha, bà Lê Thị Sáu, ở ấp Mỹ, chỉ cho chúng tôi thấy hàng chục cây vú sữa khoảng 30 năm tuổi trơ cành, héo lá, chết rũ giữa nắng trưa.

Điêu đứng vườn cây đặc sản ảnh 1

Nông dân Đồng Tháp tìm cách cứu vườn quýt khỏi bệnh vàng lá.

Nhìn những cây còn lại ngọn đã héo khô, có cây thì lá còn xanh nhưng trái lại héo, rụng đầy gốc, bà Sáu ứa nước mắt: “Cả nhà trông vào vườn vú sữa để sống, năm nay thất mùa còn thêm chết cây. Nợ nần làm sao trả được...”.

Được biết, cách đây ba năm, con của bà lâm bệnh ung thư máu. Nhà không tiền, nên bà Sáu phải bán “vú sữa lá” cho thương lái xử lý, lấy trái trọn mùa. Sau khi họ trả vườn, bà phát hiện nhiều cây không còn tươi tốt như trước.

Bà chạy đôn chạy đáo tìm mua phân bón vào, nhưng không cứu vãn được. Cây dần dần suy kiệt và gần đây bắt đầu chết 70%-80% diện tích.

Cạnh đó, vườn vú sữa 6 công của anh Nguyễn Thanh Long, hiện không còn cây nào sống sót. Mấy ngày nay, anh Long cưa cành để bán củi và dự tính bỏ luôn vú sữa, nhưng chưa biết trồng lại cây gì.

Đi sâu vào xã Kim Sơn, tình hình cây chết cũng hết sức tệ hại. Nhiều gốc vú sữa cổ thụ, phút chốc đã trở thành củi đốt. Theo thống kê sơ bộ ban đầu, đã có 25/1.722 ha vú sữa Lò Rèn chết khô, và nhiều khu vườn khác cũng có dấu hiệu chết cây.

Trong khi đó, tại “vương quốc quýt hồng” huyện Lai Vung (Đồng Tháp), tình hình dịch bệnh làm chết cây khiến nhiều nông dân điêu đứng. Anh Tám Hải, xã Tân Thành cho biết: “Gia tài tôi chỉ có 2 công quýt. Vậy mà, bệnh vàng lá gân xanh từ đâu ập đến, ban đầu vài cây rồi lan ra chết sạch cả vườn”.

Nhiều vườn quýt khác ở Lai Vung chết hàng loạt. Có người đốn bỏ, trồng lại, cây vẫn chết. Hiện nhiều hộ nợ ngập đầu. Ông Nguyễn Văn Ven, một “đại gia” quýt hồng ở xã Tân Phước nói: “Cách nay vài năm, tôi tiên phong trồng 2 công quýt bằng cây giống sạch bệnh. 3 năm đầu phát triển rất tốt, nhưng khi tưới nước để trái thì xuất hiện bệnh vàng lá”.

Hiện nay, bệnh vàng lá tiếp tục gây chết cây trên diện rộng, nhiều nhà vườn gọi đây là căn bệnh “Sida” lây lan khắp nơi và không có thuốc trị. Một số vườn cam ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang… cũng bị bệnh vàng lá như vậy.

  • Nông dân chờ giải pháp?
Điêu đứng vườn cây đặc sản ảnh 2

Bà Sáu ở Châu Thành, Tiền Giang bên cây vú sữa bị chết khô. 

Kỹ sư Nguyễn Thị Huỳnh, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành (Tiền Giang) giải thích về nguyên nhân gây chết cây vú sữa: “Phần lớn vú sữa chết đều xảy ra ở vùng đất không chủ động được nguồn nước. Bên cạnh đó, cần lưu ý mấy năm qua nhà vườn xử lý “ép” cây cho hoa sớm đầu mùa để bán trái được giá cao.

Thông thường vào mùa nắng, nông dân xiết nước, khiến đất khô nên cây châm rễ sâu. Sau đó lại be bờ, bơm nước tràn ngập mặt liếp để rút dần. Mặt khác, xử lý ra hoa bằng cách sử dụng quá liều các loại phân, thuốc kích thích… Chính điều này khiến cho rễ non của cây vú sữa bị thối, nấm bệnh dễ xâm nhập.

Sự vắt kiệt sức của vườn cây trong nhiều năm đã khiến cây suy kiệt và chết”. Thời gian qua, có một số hộ cưa gốc xong, dưỡng lại tược non lên cây, nhưng khi cho trái, lá và đọt còi cọc, khô, trái rụng và chết luôn cây.

Chiều 7-3, trao đổi về bệnh vàng lá trên vườn cam và quýt hồng, Phó Giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: “đến nay chưa có thuốc chữa trị hay chủng ngừa bệnh vàng lá.

Ngay cả việc thay thế cây sạch bệnh vẫn không hiệu quả, do môi trường xung quanh đã bị nhiễm bệnh. Dù vậy, về căn cơ có thể loại trừ dần căn bệnh nguy hiểm này bằng phương pháp canh tác tổng hợp”.

Ông Vệ đưa ra khuyến cáo: Trước nhất, cần nhanh chóng “cô lập” và thu hẹp lại dần diện tích bị bệnh này. Mạnh dạn đốn bỏ vườn bị bệnh nặng, diệt rầy truyền bệnh, phun thuốc lúc cam quýt ra đọt non diệt ấu trùng. Bón phân thuốc cân đối và đúng định kỳ vì hiện nay nhiều vườn bón dư đạm nhưng thiếu kali, calci, hữu cơ…

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần quản lý tốt nguồn cây giống trôi nổi, loại bỏ những giống kém chất lượng mang mầm bệnh. Thay thế bằng cây giống sạch bệnh nhưng phải thực hiện “đồng loạt” mới có hiệu quả. Ngược lại, trồng đan xen giữa giống sạch bệnh và giống trôi nổi thì mầm bệnh tiếp tục lây lan và không thể nào diệt được.

Trong lúc “chờ” các nhà khoa học giúp sức, những nông dân cả đời “sống chết” với vườn cây đặc sản tiếp tục lao đao. Ai cũng biết, trồng cây đặc sản như quýt hồng cho thu nhập 200- 300 triệu đồng/ha, vú sữa Lò Rèn 70 triệu đồng/ha… Vậy mà, những căn bệnh quái ác trên đã xô đẩy nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Họ đang mong mỏi chờ các ngành chức năng giúp diệt trừ dịch bệnh và khôi phục vườn cây đặc sản. 

HUỲNH LỢI - HỮU CHÍ

Tin cùng chuyên mục