Điều hành tiền tệ linh hoạt: Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

Những biến động gần đây trên thị trường tiền tệ quốc tế đã gây không ít khó khăn cho việc điều hành chính sách tài chính - tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong đó, áp lực tỷ giá được đánh giá là mối nguy tiềm ẩn, thách thức nhà điều hành cũng như đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm nay.

Ông PHẠM THANH HÀ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

Điều tiết tín phiếu ngắn hạn không tác động đến lãi suất Mục tiêu mà Chính phủ và NHNN đặt ra là giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng vay. Trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn tiếp tục tăng lãi suất thì từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đã giảm 4%-5,5% so với cuối năm 2022.

Hiện NHNN đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ để có giải pháp điều hành ổn định tỷ giá. Thời gian qua, NHNN điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định.

Duy trì nới lỏng tiền tệ

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù NHNN thực hiện nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, trong đó có giảm lãi suất, nhưng với bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, sức hấp thụ của nền kinh tế thấp nên tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 6,92% so với cuối năm 2022, mới đạt 50% mục tiêu đề ra cho năm nay. Trong khi đó, lượng tiền nằm ùn ứ trong hệ thống ngân hàng rất lớn.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC
Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC

Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính, ông Trần Ngọc Báu - Tổng Giám đốc Công ty CP Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup, cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy chỉ nới lỏng về chính sách, còn vốn tín dụng thì không ra được nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, tỷ giá lại diễn biến căng thẳng. Do không thể đẩy vốn tín dụng ra nền kinh tế nên tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng khiến lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, gây sức ép lên tỷ giá USD/VND, trong khi đồng USD đang có xu hướng tăng. Thời gian qua, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng liên tục lập đỉnh, có thời điểm vượt 24.600 đồng/USD. Thanh khoản ngân hàng dư thừa cũng dẫn tới chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ngày càng nới rộng. Sau khi tỷ giá liên tục lập đỉnh, NHNN đã can thiệp nhằm ổn định tỷ giá thông qua kênh phát hành tín phiếu.

Sau 13 phiên phát hành tín phiếu, từ ngày 21-9 đến 9-10, NHNN đã hút ròng gần 145.700 tỷ đồng ra khỏi hệ thống. Động thái này nhằm điều tiết thanh khoản trong ngắn hạn, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá. Mặc dù tỷ giá hiện đã hạ nhiệt nhưng tỷ giá USD/VND ngân hàng trong nước neo với mức cao, ở mức 24.230 đồng/USD mua vào và 24.570 đồng/USD bán ra trong ngày 10-10.

Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh - BIDRICO, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM chuẩn bị hàng hóa bán ra thị trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh - BIDRICO, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM chuẩn bị hàng hóa bán ra thị trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDirect, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát trong nước.

“Tỷ giá USD/VND tăng đã kéo theo áp lực trả nợ nước ngoài, nhất là khu vực tư nhân; đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng tăng lên. Do đó, áp lực tỷ giá càng lớn, “dư địa” nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước càng thu hẹp”, ông Đinh Quang Hinh cho hay.

Phát huy tối đa các chính sách tài khóa

Tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp dấy lên nhiều lo ngại việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 ở mức 6%-6,5% theo Chính phủ đề ra. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh “sức khỏe” doanh nghiệp chưa cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phục hồi, bên cạnh việc thúc đẩy dòng chảy tín dụng, cần đẩy mạnh thực thi các chính sách tài khóa, tạo cộng lực về vốn cho nền kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao nhất.

Theo TS Đinh Trọng Thịnh, từ nay đến cuối năm, “dư địa” chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hầu như không còn. Do đó, để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các chính sách tài khóa như: giảm 30% tiền thuê đất vừa được Chính phủ ban hành, giảm các khoản phí, lệ phí, giảm thuế giá trị gia tăng…

PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), nêu giải pháp, cần tập trung mọi nguồn lực vào giải ngân đầu tư công. Hiện đầu tư công mới giải ngân khoảng 50%, nếu đẩy nhanh giai đoạn cuối năm sẽ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, nếu giải ngân được 95% vốn đầu tư công năm nay (khoảng 711.000 tỷ đồng) thì tốc độ tăng GDP của nền kinh tế sẽ thêm được khoảng 1,2%-1,3%.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 có thể đạt 5%-5,2% (kịch bản cơ sở) hoặc 5,3%-5,5% (kịch bản tích cực) nhờ tiêu dùng tăng trưởng vững chắc, đầu tư công tiếp tục được mở rộng, đầu tư tư nhân, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, thị trường bất động sản... được cải thiện.

“Nhằm đạt được mức tăng trưởng 5%-5,2% thì GDP quý 4-2023 cần tăng 6,9%-7,7% hoặc cao hơn, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực hơn nữa của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cùng sự đồng lòng của doanh nghiệp và người dân; đồng thời cần quyết liệt hơn trong thực thi các chính sách phục hồi kinh tế”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Theo báo cáo mới nhất của NHNN, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 7-2023 đạt gần 6,4 triệu tỷ đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết, tính đến 30-9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, về cho vay, tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ của nền kinh tế đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng, ước tăng 6,1%-6,2% so với cuối năm 2022.

* TS NGUYỄN TRÍ HIẾU

Chuyên gia tài chính - ngân hàng:

Vấn đề điều hành tỷ giá của NHNN lệ thuộc rất nhiều vào động thái của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED). Nếu FED tăng lãi suất thì giá trị của VND sẽ bị đẩy xuống, tỷ giá tăng lên. Để đảo ngược xu hướng này thì NHNN sẽ phải tăng lãi suất để thu hẹp các chênh lệch giữa lãi suất của Mỹ và Việt Nam.

Hiện tại, nếu tính lãi suất qua đêm thì chênh lệch giữa Mỹ và Việt Nam đang vào khoảng gần 5%, là tương đối lớn. Nếu FED tiếp tục tăng lãi suất thì chênh lệch trên sẽ lớn, và khi ảnh hưởng đến tỷ giá quá mạnh thì buộc NHNN sẽ phải điều chỉnh tăng lãi suất để thu hẹp chênh lệch về lãi suất qua đêm giữa VND với USD.

Nếu NHNN tăng lãi suất vào thời điểm này sẽ làm cho chi phí vốn của các doanh nghiệp tăng lên, đặc biệt là nhóm vẫn vay vốn tín dụng và vẫn hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì việc tăng hay giảm lãi suất lúc này sẽ không tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế hiện tại. Bởi tăng trưởng kinh tế đang chậm như hiện nay không phải vì vấn đề lãi suất của ngân hàng tạo thành rào cản, mà chính đầu ra thị trường mới là điểm nghẽn chính.

Do đó, vấn đề hiện nay chủ yếu là nền tảng của nền kinh tế chống chọi ra sao trước bối cảnh cầu trên thế giới sụt giảm.

* Ông NGUYỄN MINH TUẤN

Tổng Giám đốc AFA Capital:

Theo tính toán của tôi thì VND mất giá do chênh lệch tỷ giá với USD khoảng 3,5%. Giữa thị trường Việt Nam và thị trường Mỹ có sự chênh lệch nên tỷ giá phải bù vào; nếu không, dòng vốn sẽ rút ra ngoài. Hoạt động “bơm - hút” tín phiếu của NHNN thời gian vừa qua là điều bình thường.

Có thể ẩn dụ nền kinh tế là một cánh đồng, còn thị trường liên ngân hàng chỉ là khu vực hệ thống có thể điều phối nước cho cánh đồng. Điều này cũng hàm ý rằng, chính sách tiền tệ cần phải tác động đến toàn bộ cánh đồng. Tức là đủ nước cho cánh đồng - đủ vốn cho nền kinh tế vận hành. Còn hoạt động “bơm - hút” chỉ là hoạt động của “bể nước” - các ngân hàng thôi.

Trọng tâm của FED là chống lạm phát, còn với Việt Nam là cần tăng trưởng GDP. Nếu chúng ta vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu này thì chính sách điều hành tiền tệ vẫn được giữ nguyên.

LƯU THỦY

Tin cùng chuyên mục