Giao lưu trực tuyến với bạn đọc SGGP, các thanh niên dũng cảm cứu người ở sông Gianh:

Điều ước đầu tiên là quê hương có thật nhiều chiếc cầu

Điều ước đầu tiên là quê hương có thật nhiều chiếc cầu

Vụ chìm đò vô cùng thương tâm tại sông Gianh, xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vào sáng 30 Tết Kỷ Sửu vừa qua đã cướp đi sinh mạng của 42 đồng bào miền Trung. 35 người khác cùng trên chuyến đò này may mắn được cứu sống nhờ lòng dũng cảm quên mình của các anh Mai Văn Luyện, Mai Thanh Phong, Hoàng Út, Trần Quang Thắng và Trần Quốc Hoàn.

Chiều nay, 21-2, tại trụ sở Tòa soạn báo SGGP, đã diễn ra buổi giao lưu trực tuyến, với sự tham gia của các anh Mai Văn Luyện, Mai Thanh Phong, Trần Quang Thắng và bà Hoàng Thị Hà (là mẹ của 2 anh Trần Quốc Hoàn và Trần Quang Thắng).

Tham gia buổi giao lưu còn có ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc khu quản lý đường sông Sở Giao thông Vận tải TPHCM, để trả lời các câu hỏi của bạn đọc xung quanh vấn đề an toàn giao thông đường thủy tại TP HCM, biện pháp quản lý và phòng ngừa tai nạn tại các bến đò ở TPHCM.

Buổi giao lưu bắt đầu lúc 14h, nhưng NSƯT Kim Cương đã có mặt tại Tòa soạn báo SGGP từ 13h30', với mong muốn được tặng hoa và trò chuyện với các thanh niên dũng cảm đến từ tỉnh Quảng Bình.

Mở đầu buổi giao lưu, NS Kim Cương xúc động phát biểu: Tôi hết sức cảm phục về hành động quên mình cứu người của các anh. Lâu nay, khi đi ra đường, chúng ta thấy có nhiều bạn trẻ phóng xe vùn vụt, lạng lách lung tung, không coi tính mạng đồng bào ra gì. Hành động của các anh thực sự là tấm gương để các bạn trẻ noi theo. Các nghệ sĩ thường được khán giả ái mộ, và hôm nay, chúng tôi- những người người nghệ sĩ - thật sự ái mộ các anh.

Nghệ sĩ ưu tú Kim Cương (trái) phát biểu mở đầu buổi giao lưu

Nghệ sĩ ưu tú Kim Cương (trái) phát biểu mở đầu buổi giao lưu

Vo Long - Nam 18 tuổi - Long92@gmail.com - TB
- Thưa anh Luyện, anh Phong, anh Út...em đã đọc báo và rất cảm động về tinh thần xả thân cứu nguời của các anh, cho em hỏi: động tác cứu nguời các anh đã đuợc rèn luyện từ trước hay ngay tại thời điểm nguy nan ấy, các anh nghĩ ra....đó là cách lặn sâu xuống dùng tay đẩy chân các nạn nhân trồi lên cho nguời trên thuyền kéo nạn nhân lên thuyền. Lúc đó trời rét như cắt, lại ngâm trong nuớc, các anh có bị tê cóng không?

- Anh Trần Quang Thắng: Lúc đó anh, em chỉ làm theo cảm tính và thấy đó là động tác thích hợp nhất để cứu người nhanh nhất. Chúng tôi không bị tê cóng.

nguyen duc thanh - Nam 58 tuổi - thanhphotograp - Q8.
- Chào các anh, hiếm có tai nạn nào lại xảy ra ngay trong ngày 30 Tết. Vậy trong những chuyến đi làm ăn trên sông, các anh đã lần nào cứu nguời như vừa rồi không? Các anh có bao giờ chuẩn bị cho những tình huống như thế không? - nghĩa là luôn phối hợp với nhau để cứu nguời...

- Anh Trần Quang Thắng: Đây là trường hợp đầu tiên mà chúng tôi gặp phải. Đò của chúng tôi chở hàng hóa nhưng trên đò cũng chưa chuẩn bị phương tiện cứu hộ nào vì chưa khi nào chúng tôi chở quá tải.

Đây là vụ chở quá tải lớn nhất mà chúng tôi thấy lần đầu. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phối hợp nhưng khi gặp tình huống đó tự nhiên nghĩ ra cách phối hợp để cứu người.

Bạn đọc Trung - Nam - - TPHCM hỏi:
- Là dân sông nước có bao giờ các anh đã chuyên chở quá tải trên đò của mình không?.

- Anh Mai Văn Luyện: Thật ra trên phương diện sông nước, chuyến đò này là quá tải. Còn đò của tôi chỉ chở thực phẩm và chờ người trên sông Gianh nhưng chưa bao giờ chở quá tải.

Trần Ngọc - Nam - - TPHCM
- Các anh có ý kiến gì đối với các cơ quan chức năng quản lý đường thủy ở tỉnh Quảng Bình và cơ quan quản lý đường thủy cấp nhà nước?.

- Anh Mai Văn Luyện: Sau vụ tai nạn tôi nghĩ những cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, phải thường xuyên có công tác kiểm tra để tránh xảy ra tai nạn thương tâm.

Ngành Giao thông vận tải cần xây dựng những cây cầu để người dân đi qua lại sông.

Nguyễn Thiều - Nam - - TPHCM
- Khi em trai được chọn đặc cách vào Quân chủng Hải quân, anh nghĩ gì thưa anh Trần Quang  Thắng?.

- Chúng tôi cảm thấy mình làm được một việc rất có ý nghĩa. Tôi vui mừng và phấn khởi khi em trai được tuyển vào lực lượng quân đội. Và hy vọng em trai mình sẽ có nhiều cống hiến để phục vụ tốt cho đất nước.

Huơng Mi - Nữ 15 tuổi - - TPHCM
- Chào các anh, Em rất nguỡng mộ lòng dũng cảm của các anh. Các anh biết bơi lúc mấy tuổi vậy? và khi nhảy xuống cứu mọi nguời, lúc đó các anh có sợ không?

- Anh Trần Quang Thắng: Chúng tôi biết bơi từ hồi còn nhỏ. Lúc nhảy xuống cứu mọi người tôi không nghĩ gì đến sợ hãi, chỉ thấy cứu người là quan trọng.

Hải Thụy - Nữ 34 tuổi - - Tp HCM
- Xin hỏi anh Luyện: Anh có thể kể những lúc đuối sức nhất trong lúc cứu nguời, anh đã làm thế nào vừa để cứu mình và cứu đuợc nạn nhân?

- Anh Mai Văn Luyện: Lúc quá mệt thì kêu người trên đò thả dây xuống để níu vào.

Nghệ Sĩ Kim Cuơng - Nữ - -
- Sau khi đã cứu sống đuợc nhiều nguời, cảm giác của các anh lúc đó như thế nào?

- Mai Thanh Phong (con anh Mai Văn Luyện): Khi thấy người bị nạn, con không biết lạnh là gì. Thấy người chìm đò là con cứu thôi. Sau khi đã cứu xong, con nhìn lại cũng hơi sợ.

Bà Hoàng Thị Hà: Tôi rất tự hào và sung sướng khi thấy con tôi đã làm được một việc như thế. Xong việc tôi cũng cảm thấy sợ.

- Khanh Van - Nữ - Khanhvan1579@yahoo.com.vn - Quan 5, TPHCM
- Xin hỏi bác Hoàng Thị Hà: Nếu như bác biết truớc sự việc xảy ra bác có cho con mình nhảy xuống sông để cứu nguời hay không?

- Bà Hoàng Thị Hà: Nếu biết trước thì tôi cũng sẽ khuyến khích con tôi nhảy xuống cứu người ta vì đó là hành động dũng cảm cứu người.

.

Điều ước đầu tiên là quê hương có thật nhiều chiếc cầu ảnh 2

Nỗi buồn bên bờ sông Gianh ngày 30 Tết Kỷ Sửu.

Trần Lập - Nam - - Q.6
- Không ai muốn tai nạn thương tâm xảy ra cho người dân Quảng Bình. Để không còn xảy ra các vụ tương tự như thế nữa, các anh có ước nguyện gì cho quê hương mình ?

- Anh Mai Văn Luyện: Như đã nói ở trên, mong muốn của chúng tôi là quê hương sẽ có thêm những chiếc cầu.

Lê Dự - Nam - - Q.9
- Giờ đây các anh nghĩ gì khi hồi tưởng lại hành động “phi thường” của mình lúc đó? .

- Anh Trần Quang Thắng: Tôi không nghĩ rằng anh, em chúng tôi lại cứu được nhiều người như vậy. Thật sự nếu như lặp lại cảnh đó chúng tôi sẽ làm tốt hơn để cứu được nhiều người hơn thế nữa.

Anh Mai Văn Luyện: Sự việc xảy ra tôi đã làm có ý nghĩa cho cộng đồng và xã hội. Nhưng qua sự việc này tôi nghĩ lại việc làm nghĩa cử của tôi là chưa được hoàn thành vì nạn nhân chết quá nhiều. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn để tránh ra những tai nạn thương tâm.

Vo Long - Nam 18 tuổi - Long92@gmail.com - TB
- Thưa các "người hùng", các anh nghĩ gì sau khi nhìn 35 nguời đuợc các anh cứu...Các anh có nghĩ mình đã trở thành những nguời đem lại sự sống lần thứ 2 cho 35 con nguời. Các anh có hạnh phúc không, có ai trong số những người đó còn liên lạc với các anh không?

- Anh Mai Văn Luyện: Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Có một số người đến nhà tôi hỏi thăm và cám ơn. Còn một số người có lẽ do chưa phục hồi sức khỏe sau tai nạn này nên đến nay chúng tôi chưa gặp lại.

Phan Bá - Nam 32 tuổi - Phanba@Yahoo.com.vn - Quận 6
- Các anh ơi, các anh chỉ có 5 nguời mà cứu sống đuợc tới 35 nguời.Thật tuyệt vời. Em xin hỏi, trong số các anh, ai là nguời bơi lặn giỏi nhất?; ai bơi xa nhất?. Chúng em vẫn biết nguời vùng biển Quảng Bình nổi tiếng bơi giỏi. Với sông Gianh, Sông Lệ Thủy từng nổi tiếng trong chiến tranh, trong số các anh, ai đã từng bơi trên những con sông đó? ai đã từng một lần cứu nguời bị nạn? Cuộc sống của các anh sau sự kiện trên có thay đổi gì không?

- Anh Trần Quang Thắng: Cả năm anh em đều biết bơi do được sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước. Chúng tôi đã từng bơi trên dòng sông Gianh, còn sông Lệ Thủy thì chưa. Trong số anh, em chúng tôi có anh Mai Văn Luyện năm 2003 đã từng cứu một người ở xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa cùng trên con sông Gianh này.

Về mặt tinh thần chúng tôi rất phấn khởi vì được mọi người quan tâm, khen ngợi. Còn cuộc sống thì vẫn bình thường.

Tâm - Nam 30 tuổi - minhtamts@yahoo.com - TP.HCM

- Chào em Mai Thanh Phong, em có thể cho độc giả biết vì sao em và em Hoàn sẵn sàng hi sinh cứu nguời mà không một chút đắn đo? Anh đuợc biết em mới 17 tuổi mà có những hành động dũng cảm như vậy và mong muốn của em cũng đuợc vào quân đội. Vậy, em có lý tuởng rất đáng quí, một tinh thần mà rất ít bạn trẻ hiện nay nghĩ tới. Nhân đây, em có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ, nhất là những bạn trẻ có tư tuởng ỷ laị, sống buông thả, thiếu tinh thần cầu tiến?

- Khi nhìn thấy người bị nạn em chỉ nghĩ đến việc cứu sống người chứ không nghĩ gì đến chuyện nên hay không nên. Em chỉ muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng hãy biết sống vì mọi người.

Bằng - Nam - - Long An
- Trong lúc sơ cấp cứu trên đò với số luợng nguời bị nạn rất đông, cảm giác lúc đó của hai anh Luyện và Thắng thế nào? Điều gì nhớ nhất với hai anh cho đến nay?.

- Anh Mai Văn Luyện: Khi đưa được các nạn nhân lên đò của mình, tôi nhớ nhất hình ảnh một cháu bé khoảng 8 đến 10 tuổi bị lạnh buốt, hai tay tê cóng, vẻ mặt hoảng loạn đến nỗi không khóc được nữa.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Gia Bao - Nam - GiaBao@gmail.com - Quan Tân Binh
- Có nạn nhân nào sau khi được các anh đưa lên bờ mà vẫn không thể sống được?

- Anh Mai Văn Luyện: Không. Tất cả những nạn nhân chúng tôi cứu lên đò hoàn toàn sống.

khanh Van - Nữ - Khanhvan1579@yahoo.com.vn - quận 5
- Nếu được chọn nghề khác, các anh sẽ chọn nghề gì? Nếu chọn 3 "điều uớc", các anh sẽ chọn 3 điều gì?

- Anh Mai Văn Luyện: Nghề sông nước là nghề của chúng tôi, có lẽ chúng tôi sẽ đeo đuổi nó theo đến hết cuộc đời. Nếu có 3 điều ước, thì điều ước đầu tiên là quê hương có thêm thật nhiều chiếc cầu bắc qua sông để không còn những tai nạn thương tâm như thế nữa.

Sang - Nam - - TP.HCM
- Với hành động dũng cảm của mình, chắc các anh đã được sự động viên và khen thưởng của các cấp chính quyền và nhân dân cả nước? Và các anh có thể cho biết cuộc sống của mình hiện nay như thế nào?.

- Anh Mai Văn Luyện: Chúng tôi đã nhận được sự động viên của đồng bào cả nước và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cơ quan nhà nước. Chúng tôi cảm thấy thật vinh dự. Còn về đời sống vật chất thì vẫn chưa hết khó khăn. Vẫn tiếp tục cuộc sống của người nông dân.

Phó Tổng biên tập báo SGGP Nguyễn Tấn Phong (bìa phải) và NSƯT Kim Cương (bìa trái) tặng hoa và chúc sức khỏe bà Hoàng Thị Hà và các anh Mai Văn Luyện, Trần Quang Thắng và Mai Thanh Phong.
Phó Tổng biên tập báo SGGP Nguyễn Tấn Phong (bìa phải) và NSƯT Kim Cương (bìa trái) tặng hoa và chúc sức khỏe bà Hoàng Thị Hà và các anh Mai Văn Luyện, Trần Quang Thắng và Mai Thanh Phong.

Buổi giao lưu chuyển qua phần trả lời của ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc khu quản lý đường sông Sở Giao thông Vận tải TPHCM, xung quanh vấn đề an toàn giao thông đường thủy tại TP HCM, biện pháp quản lý và phòng ngừa tai nạn tại các bến đò ở TPHCM.

Đức Minh - Nam - TPHCM -
- Thưa ông Minh, hiện nay trên địa bàn TPHCM có bao nhiêu bến đò ngang đang hoạt động ?

- ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc khu quản lý đường sông Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Hiện nay có 41 bến khách ngang sông có giấy phép, đang hoạt động, phân bổ tại địa bàn các quận, huyện:

Quận 2 : 01 bến
Quận 4 : 02 bến
Quận 7 : 01 bến
Quận 8 : 06 bến
Quận 9 :  02 bến
Quận 12: 01 bến
Quận Gò Vấp: 01 bến
Quận Bình Thạnh: 01 bến
Huyện Bình Chánh: 05 bến  
Huyện Nhà Bè:  07 bến
Huyện Cần Giờ: 05 bến
Huyện Hóc Môn: 01 bến
Huyện Củ Chi: 08 bến

- Trong đó, được:
Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép  : 32 bến
Sở GTVT tỉnh Long An cấp giấy phép                  :  01 bến
Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép               :  01 bến
Sở GTVT tỉnh Bình Dương cấp giấy phép             :  07 bến
Tổng số phương tiện thủy đang hoạt động tại các bến: 140 phương tiện, sức chở từ 4 đến 98 hành khách, tất cả đều được đăng ký – đăng kiểm đầy đủ theo quy định.

Quốc Trinh - Nam - Q.2 -
- Thực tế có rất nhiều bến đò không giấy phép nhưng vẫn hoạt động lén lút, vậy Khu Đường sông xử lý ra sao ?

Ông Lê Hoàng Minh: Hiện nay trên địa bàn có 41 bến khách ngang sông đều được cấp giấy phép hoạt động.

Trong thời gian vừa qua, nếu có bến khách ngang sông nào hoạt động không phép, Khu Đường sông sẽ lập biên bản yêu cầu ngưng hoạt động và chuyển hồ sơ cho Thanh tra Giao thông và chính quyền địa phương xử lý.

Đơn cử như trường hợp lập bến đò trái phép của bà Nguyễn Thị Trương ở khu phố 3, phường Long Trường, quận 9, Khu Đường sông đã lập thông báo chuyển Thanh Tra giao thông và chính quyền xử lý trong tháng 10- 2008 vừa qua. Đến nay đã không còn tình trạng hoạt động không phép của bến này.

Trần Ngọc Chiến - Nam - Gò Vấp -
- Nhiều nơi bến đò chỉ treo một vài áo phao cho có, hành khách đi trên đò đều không mặc áo phao, trường hợp này xảy ra khắp nơi, xử lý như thế nào?

- ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc khu quản lý đường sông Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Quy định của Giao thông Đường thủy nội địa hiện nay không quy định bắt buộc mặc áo phao đối với hành khách khi đi đò ngang sông. Nên đúng như ý kiến của bạn đọc vừa nêu, việc hành khách đi đò chưa mặc áo phao xảy ra khắp nơi trên các bến đò.

 - Trước tình hình trên cả nước đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm tại các bến đò, để hạn chế thiệt hại do tai nạn tại các bến đò:

+ Từ năm 2006, chúng tôi đã phối hợp với các ban ngành và chính quyền điạ phương tổ chức 10 cuộc vận động người đi đò mặc áo phao tại các bến khách ngang sông;

+Ngoài ra, xin nguồn kinh phí để hỗ trợ, tặng 500 áo phao cho các bến đò;

+Đặc biệt, nhằm nâng cấp nhiều mặt, phục vụ an toàn tiện nghi tốt hơn tại các bến đò, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị tổ chức “Hội thi bến đò An toàn - Tiện nghi năm 2008”.

Anh Nhuận - Nam - - TPHCM
- Đó là chưa kể nhiều bến đò hiện nay thiếu đèn chiếu sáng, cầu dẫn xuống đò không đảm bảo, thiếu phương tiện cứu sinh, PCCC…?

Ông Lê Hoàng Minh: Theo quy định của Nhà nước, để đưa phương tiện thủy vào hoạt động,  phương tiện đó phải được đăng ký hành chính và đăng kiểm kỹ thuật đạt các tiêu chí về an toàn cho phương tiện, an toàn cho hành khách …như phần vỏ, phần máy, phương tiện cứu sinh, phòng cháy chữa cháy …

- Các phương tiện thủy của 41 bến khách ngang sông đều được đăng ký, đăng kiểm kỹ thuật định kỳ theo đúng quy định.

- Hiện nay, vẫn còn một số bến đò do điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, những hộ  kinh doanh đò chưa có điều kiện để làm cầu đò có tính chất kiên cố, hoặc có quy mô lớn mà thường tận dụng những vật liệu thiên nhiên rẻ tiền để làm cầu đò.

- Năm 2008, nhằm hỗ trợ cho các bến ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, Khu Đường sông đã xin nguồn vốn của Ban An toàn giao thông thành phố để xây dựng 5 cầu dẫn cho 4 bến đò:

- Bến đò Bến Gỗ - quận 9

- Bến đò Rạch Lá – huyện Cần Giờ (2 cầu dẫn)

- Bến đò Cá Lăng – huyện Củ Chi

- Bến đò Cây Me – huyện Củ Chi

Với tổng trị giá 1,020 tỷ đồng.

 - Năm 2009, dự kiến sẽ lập chương trình hỗ trợ tiếp theo cho những hộ kinh doanh đò có hoàn cảnh khó khăn vì phục vụ những vùng dân cư xa, hoặc phục vụ học sinh.

Hải - Nam - - TPHCM
- Nhiều bến đò chở quá tải so với quy định cho phép, như vậy nguy cơ xảy ra tai nạn cho hành khách là rất cao?

Ông Lê Hoàng Minh:  Mọi hiện tượng chở quá tải đều vi phạm pháp luật vì không đảm bảo an toàn.

Người điều khiển phương tiện chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật vì để xảy ra tình trạng chở quá tải này.

Đúng như ý bạn đọc đặt câu hỏi, thời gian qua các tai nạn xảy ra đều có hàm chứa yếu tố chở quá tải. Vì vậy, Khu Đường sông yêu cầu người điều khiển phương tiện phải triệt để tuân thủ quy tắc không được chở quá tải, đồng thời nhắn gửi cùng bà con, lưu ý dù cần phải đi gấp, nhưng vẫn nên quan sát kỹ, nếu thấy có hiện tượng chở quá tải thì dứt khoát không đi.

Trên mỗi bến đò Khu Đường sông đã gắn biển báo số phương tiện, số hành khách được phép chở.

Tâm - Nam 30 tuổi - minhtamts@yahoo.com - TP.HCM
- Tôi xin hỏi ông Lê Hoàng Minh, hiện nay ở TP có gần 600 km đuờng sông và hàng trăm bến đò ngang hoạt động. Vậy công tác kiểm tra và chấn chỉnh đò ngang ở TP trong thời gian tới như thế naò? Những bến đò không phép cần phải đuợc xử lí thế nào?

- Ông Lê Hoàng Minh: Câu hỏi của bạn cũng giống như câu hỏi của hai bạn Đức Minh và Quốc Trinh (quận 2) và tôi đã trả lời ở trên. Bạn có thể xem lại. Cảm ơn.

Ông Lê Hoàng Minh (thứ hai, từ trái sang) đang trả lời các câu hỏi giao lưu trực tuyến của bán đọc.
Ông Lê Hoàng Minh (thứ hai, từ trái sang) đang trả lời các câu hỏi giao lưu trực tuyến của bán đọc.

Trần Thị Hải Hằng - Nữ 25 tuổi - grim_2811@yahoo.com - TPHCM
- Nên chăng, ngành GTVT ban hành quy định yêu cầu tất cả những nguời ngồi trên các phương tiện thủy đều phải mặc áo phao? Những vụ chìm đò thường xảy ra ở những phuơng tiện nhỏ, gia dụng. Vậy làm sao để quản lý và đảm bảo an toàn cho các loại phuơng tiện này ?

Ông Lê Hoàng Minh: Hiện nay việc mặc áo phao chủ yếu là vận động vì luật giao thông đường thủy nội địa không bắt buộc hành khách khi đi đò ngang trên sông phải mặc áo phao. Riêng tại TPHCM để hạn chế những thiệt hại do tai nạn giao thông đường thủy.

Từ năm 2006, chúng tôi đã phối hợp với các ban ngành và chính quyền địa phương tổ chức các cuộc vận động người đi đò mặc áo phao; xin nguồn kinh phí để hỗ trợ và tặng áo phao cho các bến đò. Đặc biệt chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị tổ chức "Hội thi bến đò An toàn - Tiện nghi năm 2008".

Thời gian tới, chúng tôi cũng kêu gọi sự quan tâm của xã hội, các doanh nghiệp tài trợ cho các bến đò nghèo, bến đò ở vùng sâu vùng xa có điều kiện bổ sung thêm áo phao và các phương tiện tốt hơn. Thật sự hiện TPHCM có khoảng 29 bến đò sử dụng những phương tiện nhỏ có sức chở từ 4 đến 10 người do đó việc quản lý và đảm bảo an toàn cho các bến đò này là cực kỳ phức tạp.

Bên cạnh sự kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng của thành phố như: Sở GTVT, Thanh tra GTVT, Cảnh sát giao thông đường thủy, chính quyền địa phương... còn đòi hỏi sự tham gia của người lái phương tiện và người đi đò.

Nếu người lái phương tiện và người đi đò quan tâm đến an toàn tính mạng của mình thì phải tuân thủ đúng các quy định, không được chở quá tải, không để người lái không có bằng cấp điều khiển và nên mặc áo phao khi đi đò.

Tại mỗi đầu bến khu đường sông đều có gắn bảng thông báo tải trọng của từng phương tiện, bà con đi đò nên chú ý việc này. Tránh xuống đò khi đò khi đã chở quá lượng người cho phép.

khanh Van - Nữ - Khanhvan1579@yahoo.com.vn -
- Xin hỏi ông Lê Hoàng Minh: Ông có thể nói rõ hơn về thực trạng các chuyến đò ở TP HCM và nêu các giải pháp để khắc phục những sai sót trong các chuyến đò ở TP HCM

- Ông Lê Hoàng Minh: Như trên tôi đã trả lời, thành phố hiện có 41 bến khách ngang sông với tổng số 140 phương tiện thủy đang hoạt động đã được cấp phép và đăng ký, đăng kiểm đầy đủ: Người lái phương tiện có đầy đủ bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn. Khu đường sông thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở các bến khi tới thời hạn gia hạn giấy phép hoặc đăng ký đăng kiểm.

Tuy nhiên trong 41 bến đó có 29 bến có hoàn cảnh khó khăn chủ yếu đưa bà con nghèo qua sông. Các phương tiện tại các bến này vẫn còn chưa được tiện nghi do đó chúng tôi sẽ kiến nghị ban An toàn giao thông thành phố cũng như các nhà hảo tâm hỗ trợ để nâng cấp giúp đỡ bà con thực hiện công việc này ngày càng tốt hơn.

Giải pháp:

Như chúng ta cùng biết, mức độ tin cậy của hệ thống giao thông được thiết lập bởi 3 nhóm yếu tố chính, đó là:

Nhóm 1: Mức độ nhận thức của cộng đồng về An toàn và  giữ gìn Trật tự giao thông; Đây là yếu tố hàng đầu để hạn chế tai nạn và những thiệt hại đến hoạt động kinh tế.

Xuất phát từ quan điểm đó, từ trước đến nay các Ban, Ngành đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về ATGT với nhiều hình thức:

Nhóm 2: Củng cố, hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giao thông thủy:

  - Cải tạo tuyến luồng thông thoáng, tạo những tuyến tiện lợi, nâng cấp chuẩn tắc giao thông trên tuyến, bảo vệ hành lang giao thông.

  - Sắp xếp các khu vực bến bãi hợp lý, tạo nhiều thuận lợi trong việc giao lưu vận tải.

  - Hỗ trợ nâng cấp phương tiện cho các bến đò

Nhóm 3: Duy trì trật tự kỷ cương, pháp luật, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm trên giao thông ĐTNĐ.

Nếu chúng ta cùng hợp tác để làm tốt cả 3 nội dung trên, trong đó đặc biệt làm thật tốt công tác truyên truyền vận động, chúng tôi thiết nghĩ rằng, chúng ta có thể hoàn toàn kiểm soát được tình hình tai nạn giao thông thủy trong thời gian tới.

doanlenguyenhai123@gmail.com - Nữ - -
- Thưa ông Lê Hoàng Minh, theo tôi được biết, hiện nay tại TPHCM có nhiều bến đò di chuyển cắt ngang đường tàu biển quốc tế (ở khu vực sông Sài Gòn), khi có tai nạn xảy ra thì phần lỗi do tàu lớn hay của đò. Với trường hợp này thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào?

- Ông Lê Hoàng Minh: Hiện nay có 2 bến hoạt động cắt ngang luồng hàng hải là bến An Lợi Đông nối từ cầu Tân Thuận, quận 7 sang phường An Lợi Đông, quận 2 và bến Phước Khánh nối phà Bình Khánh sang Nhơn Trạch, Đồng Nai. Khi có tai nạn xảy ra trên hai tuyến này về mặt nguyên tắc thì phương tiện nào vi phạm luật giao thông đường thủy nội địa thì sẽ bị cơ quan cảnh sát giao thông đường thủy xử lý chứ không xem xét đến yếu tố phương tiện nào lớn, phương tiện nào nhỏ.

Hải - Nam - - TPHCM
- Lo ngại lớn nhất là những bến đò hoạt động ở những khu vực gần luồng tàu biển hoặc khu vực quay mũi tàu rất nguy hiểm với phương tiện đò ngang, chắc chắn là không an toàn?.

- ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc khu quản lý đường sông Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Những tuyến luồng có nguy cơ cao cho bến đò thường là nơi giao nhau ở ngã ba, ngã tư sông, hoặc ở những nơi tuyến đò băng qua luồng hàng hải, ở những nơi tàu biển quay đầu.

Ở thành phố hiện nay có 2 bến đò: An Lợi Đông và Phước Khánh là bến có tuyến đò băng qua luồng hàng hải, tại ngã 3 sông Sài Gòn – Kênh Tẻ và tại xã Bình Khánh , huyện Cần Giờ.

Đối với 2 bến đò này, chúng tôi hết sức quan tâm, tăng cường kiểm tra an toàn của bến đò. Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị bà con khi đi đò ở 2 bến này nên thận trọng, tự giác mặc áo phao.

Đức Biên - Nam - - TPHCM
- Khu Đường sông có những biện pháp gì để ứng cứu khi xảy ra sự cố lật đò?.

- ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc khu quản lý đường sông Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Khu Đường sông chúng tôi hiểu rằng, nếu tập trung tốt các nguồn lực, các biện pháp nhằm phòng ngừa không để tai nạn xẩy ra thì giá trị hơn nhiều lần khi có tai nạn và phải ứng cứu thiệt hại.

Để mọi kế hoạch ứng cứu có hiệu quả, luôn nêu lên hàng đầu tính quan trọng của biện pháp ứng cứu tại chỗ.

Do đó, Khu Đường sông luôn nhắc nhở, vận động chủ bến đò phát đầy đủ áo phao, người đi đò tự mặc áo phao đầy đủ, đó là biện pháp tại chỗ, tự cứu mình tốt nhất.

Các lực lượng ứng cứu bên ngoài, mặc dù luôn cần thiết và cũng có hiêu quả nhất định, nhưng các lực lượng ứng cứu bên ngoài này, thường phải đi sau một bước.

Khu Đường sông hiện có 5 Trạm Quản lý Đường sông bố trí trên địa bàn thành phố, khi có sự cố và được thông báo, các Trạm Quản lý Đường sông sẽ tham gia cùng các ban, ngành ứng cứu.

Hà Huơng - Nữ - - TPHCM
- Nếu xảy ra sự cố chết người như vụ tai nạn ở Quảng Bình vừa qua, đơn vị nào chịu trách nhiệm chính?

- ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc khu quản lý đường sông Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Trước tiên, người điều khiển phương tiện, chủ bến đò chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật vì để xảy ra tai nạn

Trách nhiệm các cơ quan quản lý bến đò được quy định theo chỉ thị 04/2005/CT-UB ngày 31/1/2005. Trong đó quy định đầy đủ trách nghiệm của các Sở ngành như: Sở Giao thông Vận tải, Công an Thành phố, UBND các quận- huyện, UBND các phường- xã …

Văn Trang - Nam - - TPHCM
- Hiện nay, đã có số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh những bến hoạt động không đúng quy định chưa?

- Khu Đường sông rất hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để xây dựng việc vận tải tại các bến đò ngày càng tốt hơn.

Những điều bất cập, cũng như những điển hình tốt đề nghị bà con phản ánh đến:
      + Khu Đường sông -  số điện thoại nóng:  38 368 196
      + Đội 2 Thanh tra Giao Thông đường thủy:  39 500 809
      + Hoặc thông qua các báo đài số điện thoại nóng của báo SGGP, báo Tuổi Trẻ… thì những thông tin này cũng đều được tiếp nhận và xem xét giải quyết.

Ngọc Hiền - Nữ - - TPHCM
- Hành khách đi trên đò, phà có được mua bảo hiểm không?

-Ông Lê Hoàng Minh: Chủ phương tiện phải mua bảo hiểm cho phương tiện và hành khách đi đò;

Theo Nghị định 09/2005/NĐ-CP ngày 27/01/2005 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ: Tại Mục 2; Điều 13, Khoản 2, 3 - Phạt tiền … đối với hành vi vi phạm không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự …. cho từng loại phương tiện.

Ông Lê Thiện Hưng - GĐ TT Điện tử Công ty CP DV Phú Nhuận (MASECO) tặng các công dân dũng cảm 5 đầu máy DVD-Arirang
Ông Lê Thiện Hưng - GĐ TT Điện tử Công ty CP DV Phú Nhuận (MASECO) tặng các công dân dũng cảm 5 đầu máy DVD-Arirang

Phạm Quang - Nam - - Q.7, TPHCM
- Hiện nay, còn rất nhiều những con đò nhỏ già nua, yếu ớt hàng ngày vẫn đưa khách qua sông, tai họa luôn rình rập, Khu có những biện pháp nào để chấn chỉnh?

- ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc khu quản lý đường sông Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Hiện nay trên địa bàn thành phố còn rất nhiều bến đò nghèo, qua thống kê hiện có 29/41 bến còn gặp hoàn cảnh khó khăn; Đó là những bến đò có hoạt động kinh tế thu nhập rất thấp không đủ chi phí để bù đắp cho sự đầu tư bến.

Tuy nhiên, một phương tiện khi đưa vào hoạt động thì đều phải đảm bảo một số tiêu chí an toàn nhất định, đúng tiêu chuẩn kiểm tra an toàn kỹ thuật mới được phép hoạt động, những điều kiện an toàn cơ bản này là nhằm hạn chế tối đa rủi ro để xảy ra tai nạn.

Để tăng mức độ an toàn cho phương tiện, trang bị trên phương tiện, cũng như người điều khiển phương tiện, cơ sở vật chất đầu bến … Trong năm 2009 Khu Đường sông dự kiến chương trình xin kinh phí của Ban ATGT để hỗ trợ cho các bến nghèo, cải thiện lại các điều kiện vận tải của mình. Những phần tác động này nhằm mang tính hỗ trợ để tạo sự hợp tác của các chủ bến đò trong quá trình tự đổi mới chính mình như:

       + Tổ chức lại cách bố cục vận tải;
       + Cải thiện, nâng cấp kích thước phương tiện, gia cố và lắp đặt thêm ghế, mái che, chỗ để áo phao, lan can … tốt hơn;
       + Trang bị thêm áo phao, thiết bị PCCC …  trên phương tiện.
       + Bồi dưỡng, hoặc đào tạo lại người điều khiển phương tiện.
       + Gia cố, cải tạo các cầu đò thêm phần chắc chắn, rộng rãi …

Nguyễn Bắc - Nam - - TPHCM
- Theo ông, vì sao chuyện giao thông đường thủy gây chết người vẫn mãi tái diễn?

- Ông Lê Hoàng Minh: Chúng tôi nghĩ rằng: nếu tất cả chúng ta từ các chủ bến đò, người điều khiển phương tiện, bà con đi đò, các cơ quan quản lý cùng nhau quan tâm và phối hợp thật tốt trong việc bảo đảm an toàn thì chắc chắn sẽ không có những chuyện tang thương nào xảy ra.

Thông thường những sự cố tai nạn xảy ra đều do chủ quan của các bến đò, hoặc các cơ quan quản lý thiếu kiểm tra nhắc nhở, nếu có những biện pháp nhằm hạn chế được các chủ quan trên thì tai nạn sẽ khó xảy ra.

Bích Hằng - Nữ - - TPHCM
- Như ông Minh đã cho biết, hiện ở TPHCM chỉ có 2 bến cắt ngang đuờng Hàng Hải. Vậy xin hỏi bến đò từ thị trấn Cần Thạnh đi xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) ngang qua sông Lòng Tàu có nằm trên đuờng di chuyển cắt ngang đuờng Hàng hải không?

- Ông Lê Hoàng Minh: Bến từ thị trấn Cần Thạnh đi xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) được xếp vào loại bến thủy nội địa (không phải bến khách ngang sông). Với các bến thủy nội địa này thì yêu cầu để được cấp phép hoạt động sẽ khắc khe hơn so với bến khách ngang sông không thuộc phạm vi kiểm tra, kiểm soát của chúng tôi mà thuộc trách nhiệm của Cảng vụ đường thủy nội địa TPHCM.

Bùi Hiển - Nam - TPHCM
- Với tình hình giao thông thủy hiện nay, nguy cơ thảm họa chết người vì những chuyến đò ngang không an toàn chưa dừng lại? Sẽ còn những thảm họa tiếp tục gieo rắc kinh hoàng cho người dân hàng ngày phải qua lại bằng đò ngang?

- ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc khu quản lý đường sông Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Thực tế chúng ta có thể hạn chế tối đa tai nạn, thảm họa tại các bến đò; Nếu chúng ta hiểu rõ, quan tâm đúng mức đến những điều kiện ảnh hưởng gây mất an toàn và quyết tâm hạn chế như:

1. Chủ bến đò và người điều khiển phương tiện không được lơ là, chủ quan và chấp hành nghiêm các quy định khi điều khiển phương tiện.

2. Hành khách hợp tác chặt chẽ, không lên đò khi đò đã đủ tải, mặc áo phao đầy đủ, cùng giữ trật tự khi đò di chuyển và khi lên xuống đò.

Nhân đây chúng tôi nhắn đến bà con đi đò nên quan tâm đến việc yêu cầu chủ bến phát áo phao và mặc áo phao để tự bảo vệ chính mình, trường hợp nếu chủ đò né tránh không cung cấp, quí bà con có thể phản ánh đến các cơ quan chuyên ngành giao thông như Thanh Tra Giao Thông Vận Tải, Cảnh Sát Giao Thông Đường Thủy, hoặc Khu Đường Sông ( 314 Cô Bắc Quận 1 TP HCM, ĐT 39 205 331), để các cơ quan xem xét, giải quyết.

 3. Các cơ quan quản lý quy định thêm các biện pháp hợp lý để giảm thiểu nguy cơ đáng tiếc, như quy định người đi đò bắt buộc mặc áo phao ở một số bến có nguy cơ cao như:

+ Bến có tuyến vận tải giao cắt tuyến hàng hải;
+ Bến có vị trí tuyến trên khu vực ngã 3, ngã 4 sông, có hiện tượng nước xoáy, nước đạp, và có tình hình giao thông đan xen phức tạp;
+ Bến có phương tiện nhỏ nhưng phải đi lại trên sông lớn;
+ Bến có lượng hành khách đi lại tăng đột biến trong một thời gian ngắn như: bến phục vụ trường học, bến phục vụ bà con đi chùa, đình, lễ hộị, bến đò chợ …

doanlenguyenhai123@gmail.com - Nữ - -
- Thưa ông, với những phương tiện có giấy phép hoạt động nhưng không đáp ứng được tiêu chí an toàn thì ngành chức năng làm sao phát hiện và sẽ xử lý như thế nào đối với những phương tiện này?. .

- Ông Lê Hoàng Minh: Hiện các bến khách ngang sông ở thành phố thường xuyên được sự kiểm tra của sở GTVT (khu đường sông, thanh tra GTVT), cảnh sát giao thông đường thủy, chính quyền địa phương do đó nếu phát hiện phương tiện không đáp ứng được an toàn thì sẽ lập biên bản yêu cầu ngưng hoạt động cho đến khi đáp ứng được yêu cầu.

Về việc này chúng tôi cũng rất mong bà con đi đò khi phát hiện được các phương tiện không đáp ứng được yêu cầu nêu trên trước hết không nên lên đò, sau đó thông báo cho các cơ quan có trách nhiệm biết như: Khu đường sông, số điện thoại: 3 836 8196; đội 2 thanh tra giao thông đường thủy, số điện thoại: 3 9500 809.

Tuờng Vi - Nữ - TPHCM
- Thưa ông, Tại TPHCM theo số liệu của Ban An toàn Giao thông, trong năm 2008, xẩy ra 33 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 4 người chết và 1 người bị thương, tăng gấp 10 vụ so với năm 2007, tại sao chúng ta không kiểm soát được?

- ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc khu quản lý đường sông Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Như chúng ta cùng biết, mức độ tin cậy của hệ thống giao thông được thiết lập bởi 3 nhóm yếu tố chính, đó là:

Nhóm 1: Mức độ nhận thức của cộng đồng về An toàn và  giữ gìn Trật tự giao thông. Đây là yếu tố hàng đầu để hạn chế tai nạn và thiệt hại đến hoạt động kinh tế.

Xuất phát từ quan điểm đó, từ trước đến nay các ban, ngành đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về ATGT với các hình thức như:

- Tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đô thị nội địa nhằm tuyên truyền, vận động và giáo dục mọi người chấp hành nghiêm luật giao thông thủy và đã được phát trên truyền hình nhiều đợt.

- Tổ chức nhiều đợt vận động tuyên truyền tại các điạ phương phường, xã để tuyên truyền luật giao thông đường thủy.

- Đã tổ chức nhiều đợt vận động người đi đò mặc áo phao, với tiêu chí hàng đầu “mặc áo phao khi đi đò là bảo vệ chính mình” và tặng 500 áo phao cho các bến đò. 

- Đã tổ chức Hội thi “Bến đò an toàn, tiện nghi” năm 2008, với mục đích vận động nâng cao tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia giao thông đường thủy, tạo ra được nhận thức và bước tiến cho các điều kiện an toàn giao thông đường thủy tại các bến khách ngang sông.

Nhóm 2: Củng cố, hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giao thông thủy như:

- Cải tạo tuyến luồng thông thoáng, tạo những tuyến tiện lợi, nâng cấp chuẩn tắc giao thông trên tuyến, bảo vệ hành lang giao thông.

- Sắp xếp các khu vực bến bãi hợp lý, tạo nhiều thuận lợi trong việc giao lưu vận tải.

- Hỗ trợ nâng cấp phương tiện cho các bến đò

Nhóm 3: Duy trì trật tự kỷ cương, pháp luật, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm trên giao thông ĐTNĐ.

Nếu chúng ta cùng hợp tác để làm tốt cả 3 nội dung trên, trong đó đặc biệt làm thật tốt công tác truyên truyền vận động, chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể hoàn toàn kiểm soát được tình hình tai nạn giao thông thủy trong thời gian tới.

doanlenguyenhai123@gmail.com - Nữ - -
- Về nguyên tắc, trên các phương tiện đưa đò đều phải đảm bảo phao, áo cứu sinh. Nhưng trên thực tế, lượng phao, áo cứu sinh trên các phương tiện này không đủ so với lượng người đi. Xin cho biết, đồ bảo hộ này có được các cơ quan chức năng hỗ trợ hay chủ đò phải tự trang bị? Và nếu không có kinh phí trang bị, chủ đò có thể dùng các vật dụng rẻ tiền hơn như can nhựa, ruột lốp xe để thay thế được không?.

- Ông Lê Hoàng Minh: Đúng như bạn nói việc trang bị đầy đủ phao cứu sinh cũng như áo phao (đúng theo số lượng hành khách được phép chở) là một trong những tiêu chí để được cấp giấy phép hoạt động. Về nguyên tắc việc trang bị này là trách nhiệm của chủ phương tiện. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua ban An toàn Giao thông thành phố và các ban ngành đã hỗ trợ thêm cho các bến đò nghèo 500 áo phao. Việc sử dụng bất cứ vật dụng nào để thay thế là không được phép.

Buổi giao lưu xin được dừng ở đây. Chân thành cảm ơn sự quan tâm theo dõi của các bạn đọc.

Điều ước đầu tiên là quê hương có thật nhiều chiếc cầu ảnh 8

Tin cùng chuyên mục