Vụ chìm tàu Khu du lịch Dìn Ký (Bình Dương)

Đình chỉ hoạt động bến tàu và nhà hàng Dìn Ký

Cũng trong chiều nay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam cho biết
Đình chỉ hoạt động bến tàu và nhà hàng Dìn Ký

* Bến tàu du lịch Dìn Ký hoạt động bất chấp quy định của nhà nước
* Vớt được thi thể nạn nhân cuối cùng

(SGGPO).- Khoảng 4 giờ sáng nay 23-5, các thợ lặn trục vớt du thuyền Du lịch xanh Dìn Ký mang ký hiệu BD 0943 đã phát hiện thi thể của Phạm Xuân Khánh (9 tuổi), nạn nhân cuối cùng của vụ chìm tàu. Hiện cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể cháu Khánh cho gia đình an táng.

Du thuyền nhà hàng Dìn Ký được trục vớt sáng 22-5. Phía trong khoang máy chiếc tàu nơi cháu Phạm Xuân Khánh được tìm thấy vào sáng nay 23-5. Ảnh: Hoài Nam

Du thuyền nhà hàng Dìn Ký được trục vớt sáng 22-5. Phía trong khoang máy chiếc tàu nơi cháu Phạm Xuân Khánh được tìm thấy vào sáng nay 23-5. Ảnh: Hoài Nam

Theo Đại tá Võ Đức Thành, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương, sau khi thủy triều rút, các thợ lặn đã vào sâu trong khoang máy của chiếc du thuyền và phát hiện xác cháu Khánh kẹt bên trong khoang máy – đúng như dự đoán trước đó. Dự kiến trong ngày hôm nay mới có thể trục vớt tàu Dìn Ký nổi lên mặt nước hoàn toàn để đưa vể cảng Bà Lụa (Bình Dương) để các cơ quan chức năng khám nghiệm con tàu để điều tra nguyên nhân.

Anh Sỹ, thợ lặn trục vớt tàu cho biết, nguyên nhân có thể do lúc tàu chìm, phần nắp khoang máy bị vỡ ra, làm cháu Khánh rơi vào trong khoang máy và kẹt luôn bên trong.

Cũng trong chiều nay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam cho biết: Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đình chỉ mọi hoạt động của Khu du lịch Dìn Ký tại xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An để phục vụ cho công tác điều tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Trước đó, gần hai ngày qua, 10 thợ lặn của lực lượng cảnh sát PCCC- Công an TPHCM đã huy động tập trung vào trục vớt con tàu và tìm thi thể còn lại. Theo các thợ lặn, do lượng nước tràn vào khoang quá lớn, tàu cẩu cứu hộ của Công ty Bạch Đằng (TPHCM) dùng cáp để neo vào đầu tàu Dìn Ký và dùng cẩu kéo đầu tàu (phần còn chìm dưới nước) vào bờ nhưng bất thành. Cáp liên tục bị đứt do căng quá lực. Trong khi đó, dòng nước chảy ngược và dâng cao theo thủy triều nên suốt hàng chục giờ liền không thể nào đưa tàu nổi lên mặt nước hoàn toàn.

Cũng trong sáng nay, 23-5, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Trọng Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương về trách nhiệm quản lý hoạt động của du thuyền Dìn Ký tại bến sông xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An. Ông Cường cho biết: Ngay trong sáng nay, các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Dương đã thực hiện chuyến thị sát kiểm tra việc neo đậu, hoạt động của các tàu thuyền trên các bến sông, cảng, bến du thuyền trên sông Sài Gòn.

Về thông tin bến du thuyền của Khu du lịch Xanh Dìn Ký chưa được cấp phép hoạt động như thông tin báo chí mấy ngày qua đăng tải, ông Cường cho biết: Chủ phương tiện đã nộp hồ sơ xin mở cảng du lịch, nhưng chưa được Cảng vụ 3 (Cục Đường sông) cấp vì thiếu bảng thiết kế. Nhưng Khu du lịch Xanh Dìn Ký vẫn cho du thuyền vào hoạt động hàng ngày. Lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải Bình Dương đã chỉ đạo Thanh tra giao thông, các cơ quan hữu quan nhiều lần lập biên bản xử lý vi phạm và yêu cầu đình chỉ hoạt động của cảng du thuyền này, song chủ phương tiện không chấp hành.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm quản lý Nhà nước về trường hợp này, ông Cường nói: “Chúng tôi nhiều lần lập biên bản và xử lý rất kiên quyết, song khi chúng tôi quay về thì họ lại hoạt động tiếp. Chúng tôi không thể nằm ở bến sông để canh họ được”.

Ông Cường cho biết thêm, tuyến sông Sài Gòn thuộc quản lý của Trung ương-mà trực tiếp là Chi cục Đường sông nội địa phía Nam. Đơn vị này giao cho Đoạn đường sông 10 quản lý tuyến sông đi qua tỉnh Bình Dương. Về đăng kiểm phương tiện thì thuộc Chi cục Đăng kiểm 6 (Cục Đăng kiểm Việt Nam). Đơn vị này cũng chưa cấp phép gia hạn đăng kiểm phương tiện cho chiếc du thuyền Dìn Ký kể từ cuối tháng 1-2011. Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông vận tải và hậu kiểm.

Sở dĩ  Chi cục Đăng kiểm số 6 không cấp giấy phép gia hạn đăng kiểm hoạt động của nhà hàng du thuyền Dìn Ký là do chủ phương tiện không chứng minh được độ cao và số tầng của con tàu. Theo thiết kế, du thuyền này chỉ được phép có độ cao 4m từ mặt nước lên (một tầng). Trên thực tế, có nhiều khả năng chủ phương tiện đã tự ý nâng chiều cao và nâng thêm một tầng để tăng lượng thực khách phục vụ trên tàu.

Chiều 23-5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bình Dương có cuộc họp để đánh giá lại toàn bộ tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác điều tra vụ án.

Theo kế hoạch, trong chiều 23-5 lực lượng trục vớt sẽ đưa chiếc thuyền lên khỏi mặt nước, sau đó kéo về cảng Bà Lụa để phục vụ công tác giám định, điều tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan.

Ngày 24-5 sẽ làm rõ trách nhiệm ngành giao thông

Ngày 23-5, trao đổi với báo chí về vụ tàu Khu du lịch Dìn Ký (Bình Dương) bị chìm làm 16 người thiệt mạng, ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cho biết, theo quy định hiện hành, tàu này thuộc trách nhiệm quản lý của hai ngành giao thông vận tải và du lịch. Ngày 24-5, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải dự kiến vào Bình Dương làm việc để xác định trách nhiệm ngành giao thông trong việc quản lý tàu này trong thời gian qua.

B.QUYÊN


******

                                           Hoài Nam – Chí Thịnh

  • Thông tin liên quan:

>> Chủ doanh nghiệp tư nhân Dìn Ký Châu Hoàn Tâm: Tôi xin nhận trách nhiệm vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký

>> Khởi tố vụ án chìm tàu du lịch nhà hàng Dìn Ký

>> Mở rộng điều tra vụ án chìm nhà hàng du thuyền Dìn Ký (Bình Dương)

Tin cùng chuyên mục