Định danh để minh bạch

Giải pháp quản lý không gian mạng, trong đó mạng xã hội là bài toán đau đầu ở nhiều quốc gia. Ở nước ta, không ít lần các cơ quan chức năng phản ánh rằng rất khó khăn để xác thực các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Định danh để minh bạch

Vì thế, theo đại diện Bộ TT-TT, nghị định thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đang được điều chỉnh, sẽ ban hành trong năm 2023 có thay đổi rất quan trọng. Theo đó, tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok… và mạng xã hội trong nước. Các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau.

Trước thông tin này, không ít doanh nghiệp cũng như cá nhân đã bày tỏ sự ủng hộ. Hầu hết các ý kiến gửi về Báo SGGP đều cho rằng việc sớm thực hiện, xác định người dùng thật là điều rất tích cực và cần thiết, vì một môi trường thông tin lành mạnh và hợp pháp. Việc tích cực này có thể được nhìn thấy qua đợt chuẩn hóa mạnh mẽ thuê bao di động vừa qua với kết quả 1,2 triệu thuê bao không xác thực chính chủ. Xác định được con số này sẽ giúp hạn chế được vấn nạn lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao qua SIM điện thoại… Còn thống kê từ báo cáo thực trạng thị trường Digital Việt Nam 2023 cho thấy số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam vào tháng 1-2023 là 70 triệu người, trong đó 5 nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất gồm: Facebook (91,6%), Zalo (90,1%), TikTok (77,5%), Facebook Messenger (77%) và Instagram (55,4%)… Từ thống kê này, nếu định danh tài khoản mạng xã hội, dự báo con số thực sẽ rất khác - khi đó sẽ biết rõ hơn tài khoản chính chủ và tài khoản ảo.

Cũng có ý kiến cho rằng nếu định danh tài khoản mạng xã hội sẽ làm giới hạn nhu cầu của người dùng, nhất là một người muốn dùng nhiều tài khoản xã hội để phục vụ những nhu cầu riêng biệt như gia đình, công việc, giải trí. Thực ra, việc này không đáng lo ngại, tương tự như việc một người có thể sở hữu nhiều SIM điện thoại, miễn là được xác định tính chính chủ đầy đủ. Gần đây, cơ quan chức năng của Bộ TT-TT đã thường xuyên làm việc với các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và luôn thể hiện coi trọng sự phát triển của các doanh nghiệp này, cũng như khẳng định sự cần thiết trong những điều chỉnh của pháp luật, đảm bảo phù hợp với sự phát triển. Do vậy, chúng ta kỳ vọng sẽ có những giải pháp vừa đáp ứng nhu cầu của người dùng mạng xã hội, vừa đảm bảo việc thực thi các chính sách của pháp luật.

Trong đời sống số, định danh rõ ràng mang nhiều giá trị và giá trị lớn nhất là sự minh bạch, thuận tiện trong giao tiếp, hướng đến sự phát triển của xã hội số. Điều này được thể hiện khá rõ khi gần đây các cơ quan nhà nước với nhiều nỗ lực để xây dựng môi trường số, công dân số. Điển hình như VNeID, sẽ thay thế những giấy tờ truyền thống, đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân…

Tin cùng chuyên mục