Định danh gạo Việt

Không ai có thể phủ nhận kỳ tích của hạt gạo Việt Nam qua 30 năm đổi mới. Từ một nước thiếu đói ở thập niên 80 thế kỷ trước, Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu gạo. Năng suất, sản lượng lúa gạo liên tục tăng trưởng nhanh. Những thành công đó không chỉ góp phần quan trọng ổn định xã hội, tạo nền tảng vững chắc phát triển nông thôn mà còn “cứu nguy” kinh tế đất nước ở những giai đoạn khó khăn.

Nhưng đó là kỳ tích đã qua. Thành tích trong quá khứ không phải là một đảm bảo chắc chắn cho thành công trong tương lai. Hạt gạo Việt với chính sách và đối sách xuất khẩu phập phù đang đứng trước nhiều thách thức mới. Thách thức không chỉ là mối đe dọa do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mà trực tiếp là từ tư duy hoạch định chính sách, do kết nối cung - cầu yếu kém; người trồng lúa ngày càng nghèo đi, tạo ra bất công trong phân công lao động xã hội.

Việc nhiều người dân của “vựa lúa quốc gia” miền Tây Nam bộ thích ăn gạo sóc từ Campuchia, ngon cơm, giá cao hơn gạo Việt Nam là có thật. Gần đây, lại có thêm thông tin giá gạo 5% xuất của nước láng giềng này cao hơn gạo cùng loại của nước ta 75 USD/tấn.

Thực trạng đó đang đặt ra nhiều vấn đề về thiết kế “hệ điều hành mới”, “định vị, định danh gạo Việt” trước thách thức mới. 10 năm trước, ai cũng nghĩ, Campuchia chỉ đủ sức trồng lúa để ăn, nhưng trong 3 - 4 năm tham gia xuất khẩu gạo, nước này đã có hệ thống khách hàng ở 34 quốc gia từ Á sang Âu. Trong khi Việt Nam vướng “bẫy thu nhập trung bình”, thì “người bạn hàng mới” này, tuy xếp vào nhóm nước kém phát triển, nhưng được hưởng nhiều ưu đãi về thuế. Chỉ riêng khoản này, đã “tiết kiệm” cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của họ khoảng 195 USD/tấn.

Nhưng quan trọng hơn, trong khi Việt Nam loay hoay thì Campuchia và Myanmar đã “âm thầm tiến” với những bước đi vững chắc, có chiến lược và nhanh chóng thâm nhập các thị trường khó tính. Những “anh lính mới” này đang trở thành đối thủ rất đáng được kính trọng, ít nhất là ở phân khúc thị trường gạo ngon mà việc dân miền Tây thích ăn; gạo sóc và giá gạo xuất khẩu hơn hẳn gạo Việt là một thí dụ.

Có thể người ta cho rằng, việc giá gạo xuất khẩu của các quốc gia hơn thua nhau từng thời điểm là chuyện thường ngày của thị trường. Gạo Việt có lúc cũng bán giá cao hơn gạo Thái, nhưng đâu có qua được người Thái. Và, cho dù Campuchia và cả Myanmar có nổi lên như một hiện tượng, thì với vài trăm ngàn đến hơn một triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm, khó sánh với cường quốc xuất khẩu gạo Việt Nam, luôn trong “tốp 3” suốt hơn một phần tư thế kỷ qua với 7 - 8 triệu tấn gạo xuất khẩu/năm, chiếm hơn 20% thị phần xuất khẩu gạo thế giới, nên so sánh là khập khiễng!

Thách thức ngay trong việc định danh hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu gạo mạnh. Nhiều mặt hàng gạo xuất khẩu chỉ mang tên gọi chung là gạo 5%, 25% tấm. Càng nghịch lý hơn, khi gạo Việt vẫn còn phải “mặc áo” các loại gạo nước ngoài.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) “gạo Việt Nam có số lượng nhiều, chất lượng thấp, giá thành cao, hình ảnh xuất khẩu thấp, chưa hấp dẫn các nhà nhập khẩu và thu hút đầu tư”. Có thể thấy rất rõ điều này khi hiện nay bà con nông dân do tập quán canh tác nên việc sử dụng giống xác nhận chỉ đạt 30%, phần còn lại đa số là giống của vụ mùa trước để lại; tổn thất sau thu hoạch là hơn 30%; 70% lượng gạo xuất khẩu là phẩm cấp thấp (25% tấm).

Những “hục hặc”, thậm chí “choảng nhau” giữa các thành viên giữ vai trò quyết định trong chuỗi sản xuất lúa gạo vừa qua đã làm cho hạt gạo xuất khẩu vừa chịu sự cạnh tranh sân nhà, vừa gồng mình trước sự lấn lướt của các đối thủ. Thương hiệu gạo của địa phương, vùng miền và quốc gia cần được định danh và phát triển, bắt đầu từ doanh nghiệp. Sự hợp tác của doanh nghiệp và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn. Doanh nghiệp là mắt xích cuối cùng trong chuỗi đầu ra của xuất khẩu gạo, hơn ai hết, họ “biết mình, biết ta” trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế.

Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có kết luận về đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề án theo hướng xây dựng và phát triển thương hiệu ở cả ba cấp độ: quốc gia, vùng và địa phương. Phát triển thương hiệu gạo Việt không chỉ là việc đăng ký nhãn hiệu hay thương hiệu, mà là một quá trình liên tục duy trì và phát triển những giá trị vật chất, phi vật chất gắn liền hạt gạo.

Vì vậy, rất cần sự vào cuộc và phối hợp của nhiều bộ ngành, địa phương liên quan, các giải pháp phải đồng bộ, từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu để xây dựng và phát triển hình ảnh, tăng cường sự nhận biết về mặt hàng gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới, góp phần tăng giá trị và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, thúc đẩy tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng hiệu quả, bền vững.

TRẦN HỮU HIỆP

Tin cùng chuyên mục