Ngư dân tỉnh Bình Thuận dù đang vào cao điểm mùa khai thác vụ cá Nam trong năm, nhưng không khí vô cùng ảm đạm. Gần một tháng qua, hàng chục tàu thuyền đậu kín hai bên bờ sông Cà Ty (TP Phan Thiết) không buồn ra khơi vì hầu như chuyến biển nào cũng chỉ từ hòa tới lỗ vốn.
Đi 1 tháng, được 100.000 đồng
Bảy giờ sáng một ngày đầu tháng chín, chiếc tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Nguyễn Văn Tốt (ngụ phường Phú Hài, TP Phan Thiết) cùng nhóm bạn tàu vừa cập cảng cá Phan Thiết sau gần một tháng lênh đênh trên biển. Trên bờ, hàng chục tiểu thương “khát hàng” đang đứng chờ sẵn với hy vọng mua được đủ lượng cá để bán cho bạn hàng các tỉnh. Thế nhưng, sau cái lắc đầu của anh Tốt, các tiểu thương đành ngậm ngùi ra về. Khuân được khoảng hơn 6 tạ cá nục lên bờ để giao cho bạn hàng đã đặt trước, anh Tốt than thở: “Tôi cùng gần 10 bạn tàu vươn khơi gần cả tháng nhưng chỉ được một ít cá nục. Đợt này, trừ xong chi phí chắc chia mỗi người chỉ được khoảng 100.000 đồng”. Còn anh Trần Văn Suông, bạn đi tàu cùng anh Tốt, ngao ngán: “Chuyến này về chắc tôi lên bờ tìm kế sinh nhai khác. Chứ đi cả tháng mà không có đồng nào mang về cho vợ con thì sống sao nổi”.
Gần một tháng hành nghề trên biển, tàu của ông Nguyễn Văn Tốt chỉ bắt được 6 tạ cá nục
Tương tự, lão ngư Nguyễn Văn Hào (ngụ phường Hưng Long, TP Phan Thiết) cho biết: “Mùa cá Nam năm nay chỉ có cá cơm được mùa, còn các loại thủy hải sản khác “lặn” đâu mất tăm. Trong khi đó, thời điểm này năm ngoái, ít nhất mỗi chuyến vươn khơi chúng tôi đều thu được 4 - 5 tấn cá các loại”. Chiếc tàu có công suất 210CV của ông Hào hành nghề mành chà suốt hơn 2 tháng vụ cá Nam, nhưng chuyến biển nào cũng thất bại. Hơn chục bạn theo tàu của ông cũng lần lượt bỏ lên bờ tìm việc khác kiếm sống. Nhìn con tàu của mình đang dập dềnh bên bến cảng sông Cà Ty, ông Hào ngậm ngùi nói: “Tình hình này từ giờ đến cuối vụ cá Nam chắc cũng không có gì khả quan. Thôi đành nghỉ để tu bổ lại tàu, chờ gần cuối vụ đi thêm một chuyến nữa xem thế nào”.
Cần hỗ trợ ngư dân
Tuy có kinh nghiệm hơn 30 năm đi biển, ngư dân Nguyễn Đức (thị xã La Gi, Bình Thuận) cũng không hình dung được vì sao đang vào vụ đánh bắt cá thuận lợi nhất trong năm, nhưng tình cảnh lại trở nên bết bát như vậy. Ông Đức than thở: “Chỉ có chuyến đi biển đầu vụ cá Nam còn có đồng ra đồng vào, còn các chuyến sau đó từ hòa đến lỗ vốn, mấy bạn tàu của tôi cũng đã từ chối đi thêm chuyến nữa”. Nghề mành chà hay vây rút chì đánh cá đã ảm đạm, còn ngư dân đi nghề mành mực thất thu nghiêm trọng hơn. Chuyến đánh bắt mực kéo dài hơn 20 ngày nhưng chỉ thu được vài cân mực nhỏ khiến ngư dân Phan Văn Hoàng (thị xã La Gi) chán nản và đang nghĩ đến chuyện bán tàu.
Ông Nguyễn Vũ Nhật Quang, cán bộ phụ trách kinh tế phường Hưng Long, TP Phan Thiết, cho biết mùa đánh bắt vụ cá Nam năm nay gặp khó do thời tiết không thuận lợi. Đồng thời, cũng phải thẳng thắn thừa nhận tình trạng dùng thuốc nổ, giã cào bay gần bờ (một loại đánh bắt theo hình thức tận diệt - PV) đã khiến nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt. Còn theo ông Phan Văn Hiếu, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Hưng 3 (TP Phan Thiết), ngư dân địa phương còn gặp khó khăn về nguồn vốn để sửa chữa, mua công cụ đi biển và đóng mới tàu thuyền nên phần nào đã hạn chế năng khai thác. Việc chuyển đổi hình thức và phương thức đánh bắt thủy hải sản của ngư dân còn khá chậm, do vậy việc đánh bắt xa bờ hạn chế, nhất là trong tình hình khó khăn như hiện nay. Việc thiếu lao động biển cũng khiến các chủ tàu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm bạn tàu ra khơi.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã triển khai chương trình mở rộng cho ngư dân vay vốn theo chính sách ưu đãi của Chính phủ, đóng mới tàu lớn vươn khơi. Những ngư dân khó khăn, địa phương đã phối hợp các lực lượng vận động thành lập các “Tổ ngư dân tự quản”, “Tổ ngư dân đoàn kết” nhằm liên kết ngư dân góp vốn đóng tàu lớn, mua sắm ngư cụ mới; hỗ trợ nhau phòng, chống tai nạn; vận động, giám sát nhau để ngăn chặn việc sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản.
Nguyễn Tiến