Sáng 7-5, hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15-5-1941 – 15-5-2011), tại Nhà Thiếu nhi TPHCM, Hội đồng Đội TP đã tổ chức họp mặt phụ trách Đội và đội viên tiêu biểu các thời kỳ với chủ đề “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi thành phố anh hùng”.
- Ngọn lửa trái tim tuổi thơ
Ngày 19-5-1975, có 50 đội viên đầu tiên của một TP vừa giải phóng đã được kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (TNTP), chi đội đầu tiên mang tên Lê Văn Tám và đến năm 1977, tổ chức Đội đã phát triển rộng khắp các phường, xã tại TPHCM.
Cùng chia sẻ về những năm tháng đầy ắp kỷ niệm khi khoác lên vai chiếc khăn quàng đỏ thắm, chị Đỗ Ngọc Đức, nguyên Chi đội trưởng Chi đội Lê Văn Tám, tâm sự: “Là một trong những đội viên đầu tiên được kết nạp vào Đội TNTP tôi rất vinh dự, tự hào và tự hứa phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống của Đội, ra sức học tập, rèn luyện, làm thật nhiều việc tốt… đưa chi đội đi lên”.
Sau 1975, tuổi nhỏ TP hăng hái tham gia các chiến dịch với mong muốn được góp bàn tay bé nhỏ của mình vào công cuộc kiến thiết TP sau những năm bị chiến tranh tàn phá. Các đội viên, thiếu nhi TP nô nức, phấn khởi tham gia các phong trào phù hợp với tuổi nhỏ và đầy ý nghĩa: dọn vệ sinh đường phố, xóm ấp; giữ gìn trật tự giao thông, đi lạc quyên giúp đồng bào bị lũ lụt, tham gia các phong trào kế hoạch nhỏ, tiết kiệm…
Ngày ấy, tại quận 6 có một cô bé gầy gò, vóc dáng nhỏ bé sau giờ học chăm chỉ đi khắp nơi nhặt nhạnh từng tờ giấy vụn, bao ni lông, vỏ chai thủy tinh... để tham gia đóng góp cho phong trào Đội với mong ước góp sức của mình xây dựng đoàn tàu thiếu nhi, để cùng các bạn nhỏ miền Nam ra Bắc viếng Lăng Bác.
Sự cần mẫn đó đã mang đến cho cô bé đội viên Lê Thị Trang (hiện là Hiệu phó Trường THPT Phú Lâm, quận 6) danh hiệu Dũng sĩ vô địch kế hoạch nhỏ toàn quốc và chuyến tham gia trại hè thiếu nhi năm 1981.
Chị Lê Thị Trang nhớ lại: “Khi phong trào kế hoạch nhỏ xây dựng đoàn tàu Thống Nhất được phát động, tôi và các bạn đã hưởng ứng nhiệt tình. Đối với mỗi thiếu nhi lúc bấy giờ, việc được ra Bắc để thăm Lăng Bác, gặp gỡ các bạn miền Bắc sau bao năm đất nước bị chia cắt là một niềm mong mỏi, vinh dự lớn lao…”.
- Lớn lên cùng đất nước
Trong ký ức tuổi thơ của chị Vương Ngọc Lan, nguyên Liên đội trưởng Trường Trần Hưng Đạo, quận 1, tiếng còi xe cấp cứu giục giã mẹ (Anh hùng lao động, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng) mau đến bệnh viện để giải quyết những ca sinh khó là những kỷ niệm không bao giờ quên. Tuy mẹ không kề cận thường xuyên, nhưng chị em luôn tự bảo nhau phải học thật giỏi, đỡ đần việc nhà để mẹ yên tâm công tác.
Chị kể: “Môi trường và những hoạt động Đội đã rèn luyện cho tôi tính tự lập, tinh thần trách nhiệm… Lần đầu tiên chúng tôi nghe những khái niệm như mình vì mọi người, rồi nghe ý nghĩa của chiếc khăn quàng đỏ là màu cờ Tổ quốc, tượng trưng cho sự hy sinh để giải phóng dân tộc; lần đầu tiên tôi nghe nói rằng trẻ con cũng có thể đóng góp cho xã hội, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, phụ giúp bố mẹ, tham gia tiết kiệm… cũng là thi đua, cũng là đóng góp cho xã hội”.
Sự góp sức của những măng non từ Phong trào Kế hoạch nhỏ đến Chiến dịch Nụ cười hồng, từ cuộc vận động Nói lời hay, làm việc tốt đến Cổng trường em sạch đẹp an toàn rồi Hành trình đến với những địa chỉ đỏ, Vòng tay bè bạn cho đến các câu lạc bộ khoa học, đôi bạn cùng tiến và hàng trăm công trình măng non từ cấp liên đội đến cấp thành… thực sự đã tạo ra môi trường giúp các em tham gia nhiều hoạt động xã hội, tự phấn đấu và rèn luyện để chung tay xây dựng và bảo vệ TP.
THANH AN
|