Đổ xô săn “thần dược” cà gai leo

Cả làng đi săn
Đổ xô săn “thần dược” cà gai leo

Vốn dĩ là cây dại mọc khắp trong vườn, rẫy, đồi… chẳng mấy ai để ý đến, thậm chí người dân vùng nông thôn, miền núi xem như là loại cây gây hại phải chặt bỏ, đốt cho khỏi phát tán. Bỗng nhiên cây cà gai leo (hay còn gọi cà quánh, cà vạnh, cà cườm…) được thương lái khắp nơi tìm đến tranh nhau mua với giá cao và  truyền tai nhau là có thể chữa được bệnh ung thư gan, khiến người dân ở Quảng Nam đổ xô đi săn lùng loại “thần dược” này theo kiểu tận diệt.

Bị săn lùng ráo riết nên đến nay cây cà gai leo hầu như bị xóa sổ ở Quảng Nam.

Bị săn lùng ráo riết nên đến nay cây cà gai leo hầu như bị xóa sổ ở Quảng Nam.

Cả làng đi săn

Đến thôn Tú Mỹ (Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam) trong những ngày này chúng tôi thấy nhà nào cũng đóng cửa kín mít, cả làng vắng hoe. Khó khăn lắm mới tìm được một nhà đang mở cửa để vào hỏi thăm. Chị Nguyễn Thị Sen, đang phơi một đống cây cà gai leo trên khoảng sân rộng hơn 20m2, cho biết: “Họ đi tìm cây cà gai leo hết rồi. Bữa ni tôi ở nhà phơi đống cà gai leo mới chặt về hôm qua để cho khô, kịp bán cho thương lái đã dặn từ trước chứ không cũng đi với ông chồng tôi rồi”. Theo lời chị Sen, chồng chị cùng mấy người đàn ông trong xóm thức dậy từ 4 giờ sáng, chạy xe máy hơn 70km vào các khu đồi núi ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam) để tìm cây cà gai leo. Bởi ở quanh khu vực của xã Bình Tú, thậm chí cả huyện Thăng Bình loại cây này đã bị nhiều người tìm chặt sạch cách đây hơn 1 tháng rồi. 

Tìm đến nhà Trưởng thôn Tú Mỹ Nguyễn Văn Thân cũng chỉ gặp được vợ anh là chị Nguyễn Thị Nhàn. Qua điện thoại, anh Thân xin lỗi vì không thể tiếp chuyện chúng tôi bởi… đang ở tận vùng núi của huyện Quế Sơn tìm cây cà gai leo. Chị Nhàn cho biết: “Lúc đầu còn ít người đi tìm nên mỗi ngày 2 vợ chồng cũng kiếm được khoảng 40 - 50kg bán với giá khoảng 8.000 đồng/kg khô, kiếm được 300.000 - 400.000 đồng. Sau nhiều người biết tin, cả làng đổ xô đi tìm cây để chặt nên giá bán cứ hạ dần xuống, có lúc chỉ bán được 5.000 đồng/kg. Nhưng khoảng nửa tháng trở lại đây, khi số lượng cây cà gai leo cạn kiệt dần thì thương lái thu mua với giá 17.000 đồng/kg làm nhiều người tiếp tục đi tìm chặt về bán”.

Hiện các vùng cao ở Thăng Bình, Tam Kỳ, Duy Xuyên… loại cây “thần dược” này đã hết nên nhiều người phải lên tận các vùng đồi núi của huyện Quế Sơn, Tiên Phước, thậm chí vào tận Quảng Ngãi hay ra Đà Nẵng để săn lùng.

Phó thôn Phú Mỹ Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Hầu hết người dân ở các xã trong huyện Thăng Bình, thậm chí ở Tam Kỳ cũng đi săn tìm loại cây này. Nhưng tôi tin chắc số người đi tìm cây cà gai leo đông nhất phải nói đến thôn Phú Mỹ chúng tôi. Thôn có 70 hộ dân thì hơn một nửa đi tìm cà gai leo. Số còn lại do tuổi già sức yếu hay đi làm công nhân không thể bỏ việc nên không theo mà thôi. Bởi với giá thu mua 17.000 đồng/kg khô như hiện nay thì đây quả là nguồn thu nhập lớn đối với người dân nông thôn”. Cũng theo lời ông Tiến, trong thôn có gia đình ông Nguyễn Văn Cư được xem là “vua săn lùng cây cà gai leo”. Chỉ tính từ đầu năm đến nay ông Cư đã chặt về bán được khoảng hơn 2 tấn cây khô, thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Ông Tiến nhẩm tính, mỗi ký cà gai leo được bán với giá 17.000 đồng thì đã bằng 3kg lúa. Chính vì vậy nhiều hộ dân bỏ cả ruộng vườn để dốc tâm sức đi săn tìm loại cây “thần dược” này.

Có phải thần dược?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lúc cao điểm, nhiều thương lái đổ về các xã của huyện Thăng Bình để tranh nhau mua. Vì vậy, hồi tháng 5, tháng 6-2013, giá được đẩy lên hơn 20.000 đồng/kg khô. Một số người dân bản địa thấy dễ kiếm tiền nên tìm cách không cho thương lái nơi khác đến gom hàng mà trực tiếp đến từng nhà dân thu mua, sau đó thuê xe chở vào Tam Kỳ bán lại cho các đầu mối để kiếm lời từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng thôn Phú Mỹ đã có đến 3 - 4 điểm thu mua cà gai leo.

Còn thông tin từ một đầu mối thu mua cây cà gai leo ở thành phố Tam Kỳ, mỗi ngày địa điểm này thu mua khoảng 4 tấn cây cà gai leo. Toàn bộ số này được vận chuyển ra miền Bắc để tiêu thụ. Mặc dù trực tiếp xuất bán ra miền Bắc, nhưng các chủ đầu mối thu mua cũng chỉ nghe loáng thoáng loại cây này được xuất sang Trung Quốc để chế biến thành các loại biệt dược, thần dược. Cũng có thông tin cho rằng, họ mua để trộn vào các loại trà uống giải nhiệt, thanh nhiệt…

Không chỉ thương lái ngoài Bắc thu gom mua cây cà gai leo mà cả những tiểu thương chuyên bán cây thuốc Nam ở các chợ khu vực Tam Kỳ cũng thu mua cây này, cắt nhỏ và phơi khô đóng túi bán cùng lời quảng cáo “Có thể chữa được bệnh ung thư gan” (!?)

Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho rằng, cây cà gai leo có tên trong danh mục cây thuốc cổ truyền. Nhưng về dược liệu thì không có tên trong danh mục quản lý của Bộ Y tế nên đến nay không thể đánh giá cây cà gai leo có tác dụng chữa được loại bệnh gì. Vì vậy, Sở Y tế Quảng Nam không quản lý loại cây cà gai leo trước việc mua bán của thương lái và người dân được.

Còn theo GS-TS Nguyễn Văn Mùi, nguyên Phó giám đốc, kiêm Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện 103, người từng nghiên cứu về cây cà gai leo, cho rằng: Thuốc Nam có tiềm năng rất to lớn nhưng chưa phát huy cũng chỉ vì thói quen sử dụng theo tin đồn của người dân. Đã có rất nhiều cây thuốc bị săn tìm theo kiểu tận diệt rồi bị rơi vào quên lãng. Cà gai leo là một cây thuốc từng được nghiên cứu bởi một số nhà khoa học dược Việt Nam. Những tác dụng trên bệnh viêm gan B, xơ gan, men gan cao, giải rượu đã được khẳng định qua kinh nghiệm dân gian cũng như qua một số công trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có bất kỳ công trình nào được nghiên cứu và chứng minh rằng cà gai leo chữa được bệnh ung thư gan.

Trước đây, tại Quảng Nam cũng rộ lên chuyện mua cây mật nhân để chữa bệnh ung thư. Người dân đã đổ xô lên núi đào bới, chặt lấy cây mật nhân về phơi khô để bán cho thương lái. Tuy nhiên, sau đó thương lái lặn mất tăm khiến hàng tấn mật nhân được người dân phơi khô phải  đem làm… củi!

  • GS-TS Nguyễn Văn Mùi

"Cây cà gai leo rất giống với cây cà độc dược vốn chứa nhiều độc tố có thể gây tử vong. Vì vậy, mọi người cần đặc biệt chú ý phân biệt để tránh nhầm lẫn. Ngoài ra, nếu muốn sử dụng thuốc nói chung cũng như thuốc Nam nói riêng, cần có sự tư vấn của các nhà chuyên môn, không nên tự ý dùng"

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục