Đoàn Văn Cừ toàn tập - bảo tàng văn hóa đồng quê

Đoàn Văn Cừ toàn tập - bảo tàng văn hóa đồng quê

Đầu tư cho văn hóa nói chung, văn học nói riêng, hàng năm cần số tiền rất lớn. Ngân sách nhà nước đã chi ra một khoản tiền khổng lồ cho sự nghiệp này. Chính sách xã hội hóa đã mang lại hiệu quả. Riêng về lĩnh vực in sách, nhất là loại sách toàn tập, người đọc đã có được nhiều tác phẩm hay đẹp, tác giả yêu thích. Đoàn Văn Cừ toàn tập - một bộ sách như thế!
 
Giữa cái ồn ào náo nhiệt sôi động hối hả của cuộc sống đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện đại hóa… người ta thích có một vùng yên ả, người ta cần có một phút giây yên tĩnh. Đọc Đoàn Văn Cừ toàn tập mang lại mong mỏi đó, ao ước đó. Cuộc đời của một “kẻ sĩ”, “cư sĩ” chỉ gọn ghẽ trong 775 trang sách giản dị mà nặng trĩu tình quê hương, tình người. Tập sách ra đời là tâm huyết công lao, tiền bạc của con cháu nhà thơ tạo nên. Phần nhà nước, ở đây là Hội Nhà văn Việt Nam đầu tư khoảng 1/4, hoặc ít hơn. Như vậy cũng là quý. Chúng ta ghi nhận các nhà làm sách có trình độ hiểu biết đã mang đến cho người đọc một bộ sách đẹp, quý có giá trị về nhiều mặt. Trong đó phải kể đến công lao của con trai nhà thơ, họa sĩ - Nhà giáo ưu tú Đoàn Văn Nguyên. Bên cạnh đó những người trong dòng họ Đoàn, Đoàn Bá Đoàn, Đoàn Thiếu Huyền… đã làm nên một bảo tàng văn hóa dân tộc.

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ được biết đến là nhà thơ đồng quê Việt Nam. Nói đến quê hương, người ta thường cảm thấy ấm cúng vui vẻ và ước mơ. “Cây đa, bến nước, sân đình…”. Hoài Chân - Hoài Thanh từ tháng 10-1944, nghĩa là cách đây hơn 70 năm, đã từng nhận xét về thơ Đoàn Văn Cừ: Những đời sống ở đồng quê có một nhịp nhàng riêng, thể văn tiểu thuyết không diễn tả được. Phải có thơ. Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ (Thi nhân Việt Nam).

Cho đến những ngày cuối đời, nhà thơ Đoàn Văn Cừ (25-11-1913 - 27-6-2004) chỉ có một tâm niệm Trang thơ góp một đường cày/ Nước non gieo hạt mong ngày nở hoa. Ông quan niệm đơn giản, chân thực như một lão nông trên đồng ruộng giữa làng quê.

Đoàn Văn Cừ toàn tập là một tập sách có 4 phần. Phần 1 (260 trang), tập hợp các tác phẩm thơ; phần 2 gồm 76 câu đối (11 trang); phần 3: Tác phẩm và Dư luận (29 trang); phần 4 - Di cảo (146 trang). Ngoài ra là những bức ảnh, bút tích và những tranh vẽ của con trai nhà thơ. Kể ra cũng cần nói về số tranh vẽ của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên. 18 bức tranh sơn mài của họa sĩ như là sự minh họa cho chủ đề thơ Đoàn Văn Cừ về cảnh đồng quê, cũng như chứng minh cho sự gợi ý cho họa từ thơ do thơ. Quả thật, thơ Đoàn Văn Cừ là những bức tranh quê bằng chữ nghĩa và âm thanh. Ở đây, tranh quê của Đoàn Văn Nguyên vẽ bằng chất liệu sơn mài chứ không phải bằng thuốc nước, mà người thưởng ngoạn thường thấy. Điều này, họa sĩ muốn chứng tỏ và khẳng định một điều, không chỉ là truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc, mà rằng thơ Đoàn Văn Cừ có sức sống bền lâu vĩnh cửu.

Đây là những bức tranh thơ của Đoàn Văn Cừ: Làng tôi: Làng tôi mươi chục nóc nhà tranh/ Một ngọn chùa cao, một nóc đình/ Một rặng tre ngà vươn chót vót/ Một dòng sông trắng chảy vòng quanh. Thôn tôi: Thôn tôi cạnh một chiếc cầu tre/ Chiếc miếu con con, quạt gió hè/ Những buổi trưa nào cao tiếng sáo/ Trâu bò nằm nghỉ lắng tai nghe… Nhà tôi: Nhà tre, mái nứa, vách bùn non/ Cửa chắn con song mở gió vườn/ Chum nước mưa vẫn bên cạnh chái/ Dưới dàn thiên lý tỏa hương thơm… Hay cảnh chợ tết: Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ, cảnh hội làng Chiếc ô đen lẳng lặng tiến ra cầu/ Tìm đến chiếc san mầu bay trước gió, Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau…

Có thể nói, thơ Đoàn Văn Cừ là một bảo tàng văn hóa dân tộc Việt Nam!

*

Hàng năm qua từng nhiệm kỳ Hội Nhà văn Việt Nam, các hội Văn học nghệ thuật địa phương đều có những khoản đầu tư cho hoạt văn hóa nói chung và văn học nói riêng. Về sáng tác, hàng năm hội viên có một tháng đi thực tế và sáng tác; quỹ hỗ trợ sáng tác cho từng hội viên, từng đề tài, quỹ hỗ trợ việc xuất bản và phát hành các tác phẩm… Gần đây, hội có kế hoạch in Toàn tập các tác phẩm đối với các hội viên được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước. Việc đầu tư là cần thiết, đáng ghi nhận. Đã có những cách làm hay trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, quan niệm về văn hóa đọc phải được nhìn nhận một cách thực tế hơn. Hiện nay, người đọc không chỉ là đọc trên sách trên báo mà còn đọc trên internet. Khái niệm văn hóa đọc đã mở rộng. Chúng ta mong muốn sẽ có nhiều công trình, như việc phát hành Đoàn Văn Cừ  toàn tập, đã và đang mang lại những hiệu quả về nhiều mặt.

VŨ ÂN THY

Tin cùng chuyên mục