Để giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đỗ Khanh, chuyên gia tư vấn chính sách kinh tế đến từ đơn vị nghiên cứu và tư vấn chính sách The Policy Lab, Anh.
° PHÓNG VIÊN: Ông có thể giải thích rõ hơn về thuật ngữ “bán phá giá” và “chống bán phá giá”?
° Ông Vũ Đỗ Khanh: Thuật ngữ “bán phá giá” (dumping) được định nghĩa một cách cơ bản là thương nhân bán hàng hóa ở một thị trường nào đó với mức giá thấp hơn giá thành sản xuất hoặc thấp hơn giá nhà sản xuất thường bán ở thị trường nội địa. Vì mục tiêu của việc “bán phá giá” thường bị xem là cạnh tranh không lành mạnh.
Ví dụ, để độc chiếm thị trường, thu ngoại tệ, hoặc đôi khi vì cả lý do chính trị nên các doanh nghiệp bị cáo buộc “bán phá giá” thường sẽ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt nhất định từ chính quyền nước sở tại. Chống bán phá giá (anti-dumping) là chính sách giá được chính phủ sử dụng nhằm ngăn chặn việc bán phá giá, cân bằng thị trường. Tuy nhiên, hiện nay chính sách chống bán phá giá thường được các nước sử dụng để bảo hộ doanh nghiệp nội địa.
° Làm cách nào để xác định doanh nghiệp đang bán phá giá?
° Ở đây tôi chỉ đề cập đến trường hợp thường xuyên diễn ra và ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp Việt Nam, đó là các cáo buộc bán phá giá trong tranh chấp thương mại quốc tế. Để có thể kết luật một doanh nghiệp có đang bán phá giá trên thị trường hay không, cần phải có pháp nhân nước sở tại của thị trường đó, như doanh nghiệp hay hiệp hội ngành nghề, đưa đơn kiện đến cơ quan có thẩm quyền để cấu thành vụ kiện. Nếu cơ quan có thẩm quyền ở nước sở tại xét thấy đơn kiện và bên khởi kiện đủ điều kiện theo quy định pháp luật, cơ quan này sẽ thụ lý vụ việc và mở một cuộc điều tra xem liệu bên bị kiện có bán phá giá hay không. Một ví dụ gần đây, các doanh nghiệp thép Việt Nam đang trong quá trình bị điều tra về bán phá giá ở thị trường Thái Lan. Pháp nhân đứng ra kiện là 5 doanh nghiệp sản xuất thép tại Thái Lan, trong đó có Cotcometalworks và Thai Metal. Cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ việc và tiến hành điều tra là Cục Ngoại thương Thái Lan.
° Quy trình để điều tra chống bán phá giá diễn ra thế nào, thưa ông?
° Mỗi quy trình điều tra khác nhau, tùy theo pháp luật từng quốc gia. Nhưng thường sẽ bao gồm bước đầu tiên là thu thập thông tin thông qua bảng hỏi từ cả 2 phía nguyên đơn và bị đơn, kết hợp với thông tin mà cơ quan điều tra tự mình thu thập được. Bước tiếp theo là xác minh thông tin và tính toán mức độ ảnh hưởng. Sau khi xác định thông tin có tính xác thực để sử dụng, cơ quan điều tra sẽ tính toán liệu bị đơn có bán phá giá hay không và biên độ phá giá là bao nhiêu. Từ đó, xác định mức thiệt hại đối với nguyên đơn cũng như ngành sản xuất tại nước của nguyên đơn.
Có 3 phương pháp thường dùng để xác định mức bán phá giá của hàng hóa trong tranh chấp thương mại. Cách thứ nhất là so sánh trực tiếp với giá thông thường (normal base value) của loại hàng hóa đó bán ở thị trường nội địa nơi xuất đi, trong các điều kiện thương mại thông thường. Hàng hóa dùng làm quy chuẩn để so sánh này có thể là hàng hóa tương tự chứ không nhất thiết phải là chính sản phẩm của nhà xuất khẩu. Cách thứ hai là so sánh với giá hàng hóa được nhà xuất khẩu bán ở nước thứ ba, trong các điều kiện thương mại thông thường. Cách thứ ba là tính giá dựa trên chi phí sản xuất, chi phí phát sinh và lợi nhuận bình thường.
° Theo ông, các doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?
° Điều cần lưu ý là sản phẩm được đem ra để làm mức giá so sánh ở cách thứ nhất, không nhất thiết phải là sản phẩm do chính công ty bị kiện sản xuất mà chỉ cần là sản phẩm tương tự bán tại cùng thị trường nội địa của công ty này và có mức doanh thu từ 5% trở lên trong tổng doanh thu của dòng sản phẩm đó trên thị trường. Quy tắc 5% này được quy định trong “Hiệp định về thực hiện Điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại” năm 1994 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ví dụ, trong quá trình điều tra về bán phá giá sản phẩm ống thép của công ty A. Cơ quan điều tra có thể lấy giá so sánh là giá sản phẩm của công ty B bán ở cùng thị trường nội địa của công ty A, với điều kiện doanh thu sản phẩm ống thép của công ty B chiếm từ 5% trở lên trong tổng doanh thu ống thép ở thị trường này. Vì quy tắc 5% này mà nhiều công ty thua kiện trong các vụ kiện chống bán phá giá do bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch mà các công ty khác cung cấp trong quá trình doanh nghiệp trả lời bảng hỏi của cơ quan điều tra.
° Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam bị kết luận bán phá giá, chuyện gì sẽ diễn ra?
° Điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (Article VI of the General Agreement on Tariffs and Trade 1994) cho phép các quốc gia tiến hành một số biện pháp trừng phạt khi phát hiện có bán phá giá. Thế nên, như tôi vừa trả lời ở câu đầu tiên thì các doanh nghiệp bị kết luận bán phá giá sẽ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt từ chính quyền nước sở tại. Biện pháp thường dùng nhất là áp thuế, giảm hoặc dừng quota, trường hợp nặng hơn có thể cưỡng ép ngưng hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp tới thị trường đó.
Do vậy, doanh nghiệp cần thận trọng, hợp tác tích cực với cơ quan điều tra và có thể tham vấn thông tin từ Bộ Công thương, các trung tâm trọng tài hoặc các chuyên gia tư vấn kinh tế, chính sách…