Doanh nghiệp cơ khí vẫn khó tiếp cận gói thầu trong nước

Mặc dù được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ưu tiên cơ chế thí điểm cho ngành thiết kế, chế tạo trong nước tham gia vào các dự án nhiệt điện, nhưng thời gian qua doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn khó tham gia do bị “chê” năng lực còn yếu.
Doanh nghiệp cơ khí vẫn khó tiếp cận gói thầu trong nước

Mặc dù được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ưu tiên cơ chế thí điểm cho ngành thiết kế, chế tạo trong nước tham gia vào các dự án nhiệt điện, nhưng thời gian qua doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn khó tham gia do bị “chê” năng lực còn yếu.

Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước năng lực còn hạn chế nên chưa được nhiều nhà máy nhiệt điện ưu tiên lựa chọn. Ảnh: CAO THĂNG

Bị loại từ đầu

Theo đánh giá của Bộ Công thương, sau khi có cơ chế thí điểm, tỷ lệ tham gia của các DN cơ khí trong nước, bao gồm cả DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho các nhà máy nhiệt điện đã tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ giá trị thực hiện của các DN trong nước trên tổng giá trị hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC) tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 khoảng 36%, Thái Bình khoảng 37,5%, Sông Hậu 1 khoảng 40%.

Trên thực tế, Quyết định 171/QĐ-TTg ngày 29-12-2012 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện, quy định có 11 hạng mục thiết bị phụ của nhà máy nhiệt điện được thí điểm thiết kế và chế tạo trong nước. Thế nhưng, đến nay chưa có dự án nào mà DN cơ khí chế tạo trong nước được tham gia thực hiện tất cả các hạng mục này khiến họ bị thiệt thòi, không phát huy được năng lực sẵn có. Đơn cử, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang có tổng mức đầu tư 43.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm tổng thầu xây lắp. Đây là một trong 3 dự án nhiệt điện được thực hiện cơ chế đặc biệt về thiết kế, chế tạo trong nước, góp phần thúc đẩy nội địa hóa, tiến tới để các DN cơ khí trong nước làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, PVN và tổng thầu EPC LILAMA đã ký kết hợp đồng cung cấp thiết bị với nhà thầu DOOSAN (Hàn Quốc).

Trước đó, Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) đã nộp hồ sơ đề xuất tới tổng thầu EPC LILAMA cho 4 hạng mục gồm hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống cung cấp than và hệ thống khử lưu huỳnh. Tuy nhiên, phía EPC LILAMA chưa có cam kết cho NARIME làm hạng mục nào. Hay VINAINCON là một trong những đơn vị được đánh giá cao về nội địa hóa. Đơn vị đã chủ động thiết kế, chế tạo và xây dựng thành công Nhà máy Xi măng Sông Thao với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 70%. Nhưng 3 năm nay, với Dự án Sông Hậu 1, VINAINCON không được tham gia phần việc nào.

Tương tự, một số đơn vị khác như Tổng Công ty Máy và thiết bị Công nghiệp (MIE), Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh (EEMC) là các đơn vị được chỉ định tham gia thiết kế chế tạo các thiết bị phụ của các nhà máy nhiệt điện theo Quyết định 171 cũng chưa được LILAMA giao nhiệm vụ thiết kế, chế tạo các thiết bị phụ của dự án.

Đánh giá lại cơ khí nội địa

Không chỉ ở dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, VPN còn được giao làm chủ đầu tư và LILAMA làm tổng thầu các dự án như nhiệt điện Quảng Trạch 1, Quỳnh Lập 1... Trong đó, yêu cầu đặt ra theo Quyết định 171, phải đảm bảo tỷ lệ giá trị công tác tư vấn thiết kế, chế tạo và dịch vụ kỹ thuật do các đơn vị trong nước thực hiện đạt không dưới 40% - 80%, tùy dự án. Song khi triển khai dự án, hầu hết các gói thầu lớn đều rơi vào tay DN nước ngoài. Theo lý giải của một số chủ đầu tư cũng như tổng thầu nhà máy nhiệt điện, một trong những nguyên nhân chính khiến cơ khí chế tạo trong nước chưa được ưu tiên lựa chọn là do các DN cơ khí trong nước quy mô nhỏ, năng lực còn hạn chế và khó khăn trong việc thu xếp vốn lưu động.

Trước những bất cập trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí (VAMI) Đào Phan Long, cho biết, đã có kiến nghị gửi cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư, nhà thầu cần tạo điều kiện cho các DN cơ khí trong nước vào những dự án nhiệt điện nhằm tạo điều kiện cho ngành cơ khí Việt Nam phát triển. “Nếu hạng mục nào các đơn vị trong nước làm được thì nên ưu tiên để họ đảm nhiệm, tránh đi thuê nước ngoài, đồng thời cũng thực hiện đúng với tinh thần Quyết định 171 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Đào Phan Long nói.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục