Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có những chuyển hướng sản xuất để giữ thị phần và khai thác tối đa lợi thế từ các hiệp định
thương mại tự do (FTA).
thương mại tự do (FTA).
Sản xuất giày tại Công ty Quế Bằng Ảnh: CAO THĂNG
Giữ vị thế xuất khẩu thứ 2 thế giới
Phân tích về thực tế phát triển ngành da giày Việt Nam trong thời gian tới, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam, cho biết: “Việt Nam hiện đang trong tốp 10 nước xuất khẩu và sản xuất da giày trên thế giới. Trong đó, sản xuất đứng vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Indonesia nhưng lại đứng vị trí thứ 2 về tỷ trọng xuất khẩu trên thị trường thế giới. Thị phần xuất khẩu chính của doanh nghiệp Việt Nam là Mỹ chiếm gần 36%, kế đến là EU với hơn 31%. Số còn lại ở thị trường châu Á”.
Nhìn nhận về xu hướng tăng trưởng của ngành da giày, đại diện Bộ Công thương cho rằng, sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng trong 5 năm tiếp theo. Hiện Việt Nam đang có 1.500 doanh nghiệp sản xuất da giày; trong đó, sản xuất giày dép có 950 doanh nghiệp. Hơn 1 triệu lao động Việt Nam tham gia sản xuất sản phẩm phụ trợ ngành da giày. Hầu hết nhân công hoạt động trong lĩnh vực này có kỹ năng tốt hơn so với công nhân ở những thị trường mới nổi như Campuchia, Lào, Myanmar, Bangladesh… Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, cùng với việc tham gia nhiều FTA và các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Điều đáng nói, cùng với sự đổ bộ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ cũng có sự dịch chuyển theo. Thực tế này đã giúp nâng tỷ lệ cung ứng sản phẩm phụ trợ nội địa tăng đáng kể. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực da giày, tỷ lệ cung ứng sản phẩm phụ trợ hiện đã tăng hơn 50%. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất sản phẩm phụ trợ tăng nhanh đã giúp tăng tỷ lệ cung ứng nội địa lên đến hơn 50%. Điều này không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng tối đa lợi thế giảm thuế từ các FTA mà còn tạo động lực thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này.
Về phía chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ ngành da giày phát triển đã được Chính phủ ban hành và khá tiệm cận với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Cụ thể, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ vốn, thuế, đất đai, đổi mới công nghệ… cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những chính sách hỗ trợ này cũng được các địa phương triển khai khá hiệu quả. Doanh nghiệp nói chung đã bước đầu tiếp cận được nguồn vốn và nhiều dự án đã được giải ngân để đẩy mạnh đầu tư đổi mới sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Không dừng lại đó, Việt Nam còn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại bởi quy mô thị trường lớn với gần 100 triệu dân. Trong đó, dân số vàng từ 15 - 60 tuổi chiếm hơn 67%. GDP bình quân đầu người Việt Nam hiện đạt mức trên 2.000USD/người/năm và sẽ tăng lên 6.000USD/người/năm vào năm 2038. Đại diện Bộ Công thương cũng khẳng định, hiện 2 nhãn hàng da giày lớn là Nike và Adidas đã tăng quy mô đầu tư tại Việt Nam lên 13%. Nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế gần đây cho thấy, đang có xu hướng dịch chuyển doanh nghiệp sản xuất da giày từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng lợi thế FTA mà Việt Nam đang được hưởng.
Thanh lọc thị trường
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi về mặt đầu tư sản xuất và thị trường, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải rất nhiều rào cản. Trước hết nếu năng lực sản xuất kém sẽ đặt các doanh nghiệp trước cuộc thanh lọc mạnh mẽ của thị trường. Có hơn 75% doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải chuyển đổi hoặc liên kết hoặc tìm hướng đi mới phù hợp để tồn tại hoặc “rơi đài” khỏi thị trường. 20% số doanh nghiệp có quy mô lớn hơn buộc phải chủ động thay đổi mạnh mẽ để thích ứng với các rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe hơn của các thị trường thế giới đang đặt ra. Riêng 5% số doanh nghiệp có quy mô lớn đã kịp chuyển đổi công nghệ sản xuất và bắt nhịp khá tốt với thị trường. Thế nhưng, các doanh nghiệp này cần phải tìm hiểu và tận dụng tốt hơn lợi thế mà FTA đang mang lại.
Về thị phần, ngoài thị trường Mỹ và châu Âu, các doanh nghiệp cần tính đến thị trường châu Á. Bởi đây đang được đánh giá là khu vực tiềm năng nhất cả về sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể, về sản xuất chiếm 87%, tiêu thụ chiếm 54% tổng sản lượng giày dép thế giới. Về nhập khẩu, khu vực châu Á cũng nhập khẩu da giày lớn nhất thế giới, vượt qua cả Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, đây cũng là thị trường khá dễ tính và ưa chuộng phân khúc hàng trung - cao cấp, rất phù hợp với năng lực sản xuất của đa số doanh nghiệp Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ xuất khẩu hàng qua Mỹ cần tính đến những yếu tố rào cản kỹ thuật dự kiến sẽ được Chính phủ Mỹ tăng cường áp dụng trong thời gian tới. Ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội Phân phối các nhà bán lẻ tại Mỹ (FDRA), cho biết: “Việt Nam đang chiếm 15% tỷ trọng xuất khẩu da giày vào thị trường Mỹ, dù sản xuất của Việt Nam chỉ chiếm 5% sản xuất toàn cầu. Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ tăng cường áp dụng rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, sẽ ít nhiều tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất và kim ngạch xuất khẩu da giày của doanh nghiệp Việt Nam. Hiện thuế của Chính phủ Mỹ đối với ngành da giày Việt Nam rất cao, khoảng 17% - cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Trung bình mỗi đôi giày sản xuất tại Việt Nam xuất vào Mỹ có giá 15USD/đôi, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu dùng của dân và với chính quyền Mỹ hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam còn có khả năng bị tăng thuế trong thời gian tới”.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải cải thiện thêm một số điều kiện trong hoạt động sản xuất như trách nhiệm xã hội, an toàn lao động và môi trường. Mặt khác, chủ động nâng cao năng lực để cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Về phía Chính phủ cần tăng cường thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm phụ trợ để tăng tỷ lệ cung ứng nội địa - yếu tố giữ chân doanh nghiệp thương hiệu lớn, góp phần ngăn chặn xu hướng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp thương hiệu lớn từ Việt Nam sang các nước có chi phí sản xuất cạnh tranh hơn như Campuchia, Bangladesh, Myanmar, Lào…