Việt Nam đang bước vào giai đoạn “nóng” của sự dịch chuyển đơn hàng sản xuất, xuất khẩu (XK) da giày từ các nhà nhập khẩu nước ngoài. Ngay từ đầu năm 2014, đơn hàng XK da giày tại nhiều doanh nghiệp (DN) đã tăng mạnh. Tại thời điểm cùng kỳ năm trước, ở các DN lớn, đơn hàng XK chỉ có đến tháng 4-2013, còn hiện nay, đơn hàng sản xuất tại hầu hết DN da giày đến hết quý 3-2014; nhiều DN có kế hoạch sản xuất cho cả năm và đang lên kế hoạch mở rộng, tăng sản lượng hàng cung ứng.
Đơn hàng tấp nập chuyển đến Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng (Bình Dương), cho biết, cơ hội của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU đã thấy rõ, so với cùng thời điểm năm 2013, năm nay đơn hàng XK của DN khá tốt, đã có đến quý 3-2014. Ngoài những khách hàng lâu năm, hiện có rất nhiều nhà nhập khẩu mới đến từ Mỹ, EU đặt vấn đề sản xuất cho họ. DN đang có 3 nhà máy sản xuất giày, chủ yếu là các loại giày thể thao, với khoảng 10.000 lao động.
Để tận dụng tốt cơ hội này, DN đang tập trung đầu tư để tăng năng suất sản xuất cho các nhà máy hiện tại. Hiện DN đã đầu tư thêm cho khâu cung ứng nguyên liệu để có thể tạo thành chuỗi cung ứng khép kín trong sản xuất, XK; 90% đế giày dùng cho XK tại DN đều sử dụng nguyên liệu tại thị trường nội địa. Để tăng khả năng cung ứng cho khách hàng nước ngoài, DN đang có kế hoạch mở rộng sản xuất, xây dựng thêm một nhà máy mới với khoảng 2.000 lao động trong năm nay.
Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát, cũng chia sẻ dự định mở rộng sản xuất trong năm nay khi đơn hàng XK khá dồi dào, thị trường XK thuận lợi hơn. Theo bà Liên, da giày Việt Nam đang có sức hút lớn đối với các nhà nhập khẩu không chỉ vì lợi thế ưu đãi thuế suất từ các hiệp định thương mại sẽ được ký kết với 2 thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Mỹ, EU mà thực tế, chi phí và điều kiện sản xuất tại Việt Nam cũng có cạnh tranh hơn đối với nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Campuchia, Philippines…
Trước khi đặt hàng, các nhà nhập khẩu cũng phải khảo sát, tìm hiểu thị trường rất kỹ mới quyết định đặt hàng ở đâu. Thời điểm hiện tại, đơn hàng sản xuất tại Giày Liên Phát tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2013. DN này cũng đang tuyển thêm lao động, tăng sản xuất từ 3 chuyền lên 4 chuyền (1.500 lao động) để đáp ứng XK giày thời trang nữ.
Theo tính toán của các DN lớn, mức thu nhập để DN có thể thu hút được lao động có tay nghề làm việc hiện nay phải ở mức 5 - 5,5 triệu đồng/tháng; với việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới cho năm 2014 thì nhiều DN cũng phải điều chỉnh tăng lên mức 6-6,5 triệu đồng/tháng.
Kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), Trung Quốc - nước XK da giày số 1 thế giới đang đối mặt với chi phí lao động gia tăng khiến cho chi phí sản xuất tăng cao, điều này cũng làm nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quyết định chuyển đơn hàng sản xuất qua các nước khác.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nước nắm giữ phần quan trọng trong XK đối với các chủng loại giày thời trang nữ, hàng giá rẻ, còn các chủng loại giày thể thao và giày dùng ngoài trời tại Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển nhiều hơn sang nước khác và Việt Nam đang là điểm đến của sự dịch chuyển này.
Hơn nữa, sự dịch chuyển này cũng nhằm tận dụng ưu đãi thuế suất khi Việt Nam đang ở giai đoạn “tiền” TPP, FTA Việt Nam - EU, nhiều khả năng sẽ được ký kết, thực hiện vào quý 2 và quý 3-2014.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, cho biết, để tận dụng cơ hội trong tương lai, hiện nay, nhiều công ty không phải là thành viên của TPP, FTA cũng đã đầu tư, phát triển sản xuất ngành phụ trợ vào Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế khi những hiệp định này chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Hiện có nhiều thương hiệu giày, túi xách lớn của thế giới, có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, Indonesia mong muốn tìm kiếm nhà sản xuất tại Việt Nam để sản xuất hàng cho họ, đặc biệt là hàng da thuộc.
Các thương hiệu giày thể thao lớn như Nike, Adidas, Puma... đã gia tăng đơn hàng tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về nhân công và thuế.
Trong năm 2013 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày - túi xách đạt 10,32 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2012; trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 8,4 tỷ USD tăng 15% và túi xách, vali đạt 1,92 tỷ USD tăng 26% so cùng kỳ năm 2012. Dù đứng vị trí thứ tư trong nhóm ngành hàng XK chủ lực, sau điện tử, dầu khí, dệt may nhưng ngành da giày vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi chiếm tỷ trọng 11% trong nhóm hàng công nghiệp chế biến và chiếm 8 % trong tổng kim ngạch XK của cả nước.
Với đơn hàng XK dồi dào cùng những tín hiệu tốt từ thị trường, chắc chắn tăng trưởng XK của ngành da giày - túi xách trong năm nay sẽ đạt cao hơn mức dự kiến 15%-20%, hơn 12 tỷ USD.
MỸ HẠNH