Vào thời điểm cuối năm, trong khi những con số xuất khẩu (XK) được các ngành cập nhật vẫn đảm bảo, giữ vững tăng trưởng ở mức hơn dự báo thì rất nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất dệt may, da giày lại đang gặp khó khăn, “hụt hơi” trong đàm phán đơn hàng, giá bán.
Thị trường không ổn định
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10-2013, dệt may XK đạt 1,75 tỷ USD, cao hơn 1,65 tỷ USD của tháng 9-2013. Tính chung 10 tháng năm 2013, dệt may XK đạt 14,83 tỷ USD, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2012. Da giày cũng đạt được những con số tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, đạt tăng trưởng 14,5% với kim ngạch 6,66 tỷ USD trong 10 tháng năm 2013.
So với mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho ngành ở thời điểm đầu năm 2013, dệt may 12%, da giày 10% thì với tăng trưởng của 10 tháng qua, những số liệu này cho thấy XK dệt may, da giày chắc chắn về đích và sẽ vượt đích!
Đó chỉ là kết quả của phép tính! Còn thực tế hiện nay, dù đang đứng trước hàng loạt cơ hội của FTA, TPP nhưng tình hình XK dệt may, da giày đang chịu sức ép lớn từ giảm sút của thị trường xuất khẩu. Hầu hết DN dệt may, da giày, ở cả DN lớn lẫn DN nhỏ đều nhìn nhận thị trường XK đang gặp khó khăn lớn, nhất là thời điểm cuối năm.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đánh giá, hiện nhiều DN dệt may đang gặp chút ít khó khăn trong đơn hàng, giá bán. Ở thời điểm cuối năm mà DN dệt may gặp khó về đơn hàng sản xuất, chắc chắn điều này cũng sẽ có tác động đến XK trong những tháng đầu năm 2014. Vì thời điểm cuối năm cũng là thời điểm mà các nhà nhập khẩu phải lên kế hoạch đơn hàng, giá bán với nhà sản xuất để chuẩn bị cho XK năm sau.
Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát, cho biết, so với cùng thời điểm này của năm ngoái, DN gặp khó khăn hơn nhiều, đơn hàng giảm sút mạnh. Tại Liên Phát, cùng thời điểm năm 2012, DN đang phải tất bật tăng ca, sản xuất cho kịp hàng, với số lượng khoảng 700-800 đôi giày thời trang nữ, chủ yếu XK đi EU. Còn thời điểm hiện tại, DN chỉ sản xuất khoảng hơn 500 đôi, đơn hàng giảm khoảng 30%.
Tuy nhiên, do thời điểm đầu năm tình hình sản xuất khả quan hơn nên mức độ giảm sút không quá lớn, nếu tính bình quân của cả năm 2013 thì sản lượng vẫn giảm 10% - 15% so với năm trước. Bà Liên hy vọng, năm 2014 sẽ tốt hơn, vì hiện nay đã có một vài nhà nhập khẩu của Mỹ đang xúc tiến, đặt hàng với DN. Đây cũng là một dấu hiệu tích cực khi mà các nhà nhập nhẩu Mỹ đã nhìn thấy lợi thế từ thị trường Việt Nam khi TPP đang cận kề thời điểm ký kết.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TPHCM (Sla) chia sẻ, đối với các DN, cơ sở sản xuất giày dép, tiêu thụ hàng nội địa tại TPHCM cũng rơi vào cảnh ế hàng. Theo ông Khánh, mọi năm, DN và các cơ sở sản xuất giày dép đã sản xuất, dự trữ hàng sẵn để bán ra vào dịp cuối năm nhưng năm nay thì không dám sản xuất, chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, sản lượng giảm mạnh đến 40%.
Chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao
Dệt may, da giày của Việt Nam đang đứng trước nhiều lợi thế để các nhà nhập khẩu lựa chọn, quyết định đặt hàng sản xuất. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu lại là những người phải cân đo đong đếm rất kỹ lưỡng trong bài toán kinh tế, làm sao cho mình được lợi nhất. Và khi đàm phán FTA Việt Nam-EU, TPP vẫn chưa đi đến hồi kết thì dệt may, da giày Việt Nam vẫn chưa được nhà nhập khẩu ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Và hiện nay, dệt may Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh về giá bán rất lớn từ các nước, như Bangladesh.
Các DN dệt may Việt Nam cho biết, giá bán đang là bài toán khó với DN khi chuẩn bị đàm phán giá cho sản xuất XK năm tới. Trên thực tế, chi phí đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam liên tục và không ngừng tăng cao trong thời gian gần đây nhưng nhà nhập khẩu và đối tác vẫn không chịu chia sẻ, thậm chí còn ép giảm giá.
Với DN sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày thì năm 2014 được chào đón với một sức ép mới khi quy định về mức lương tối thiểu vùng cho người lao động, sẽ tăng thêm 250.000 - 350.000 đồng/tháng so với hiện nay, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.
Theo tính toán của các DN, tổng quỹ lương DN sẽ trả thêm khi tăng lương tối thiểu vùng sẽ tăng khoảng 15%. Ở những DN 4.000 - 5.000 lao động thì tổng quỹ lương trả thêm cũng sẽ tăng thêm khoảng 4 - 5 tỷ đồng. Trong khi đó, giá điện dự kiến cũng sẽ tăng 22% trong thời gian tới… kéo theo hàng loạt chi phí đầu vào sản xuất cũng sẽ tăng theo.
MỸ HẠNH