Theo đánh giá của Bộ Công thương, những năm qua doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) có những đóng góp tích cực trong hoạt động xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, hoạt động của khối DN FDI vẫn còn không ít hạn chế, chưa xứng tầm. Do vậy, trong thời gian tới, phía DN cần có sự thay đổi, đồng thời cơ quan quản lý nhà nước nên có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời.
Cân bằng cán cân thương mại
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sau hơn 25 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời, số lượng DN FDI tăng dần qua các năm đã góp phần tích cực vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng dần qua các năm. Nếu như năm 1988, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 1,088 tỷ USD, thì đến năm 2013 là 132,135 tỷ USD. Năm 1989, khối DN FDI mới chỉ chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu cả nước, nhưng đến năm 2013, tỷ lệ này là 61,42%. Tốc độ tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI (bình quân khoảng 30%/năm) góp phần giảm bớt sự căng thẳng về cán cân thương mại chung của Việt Nam; từ chỗ cán cân thương mại thâm hụt khá lớn đến nay đã trở nên cân bằng và tạo ra thặng dư. Ví dụ, năm 2008, Việt Nam nhập siêu khoảng 18 tỷ USD nhưng đến năm 2012, Việt Nam vượt lên, lần đầu tiên xuất siêu với giá trị khoảng 749 triệu USD.
Cán cân thương mại nghiêng về xuất khẩu mà Việt Nam đã đạt được phải kể tới đóng góp đáng kể của khối DN FDI trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Năm 2012 xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD, năm 2013 là 6,48 tỷ USD. Mặt khác, các DN FDI đóng vai trò mạnh mẽ góp phần làm chuyển biến cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, đặc biệt là hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao (điện thoại di động, điện tử, máy vi tính…). Sự tham gia sản xuất của DN FDI góp phần tạo nên các trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu, phù hợp với từng vùng, địa phương (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng là hàng điện thoại di động, điện tử; Vĩnh Phúc là ô tô, xe máy…) kéo theo chuỗi các DN vệ tinh, hỗ trợ…
Bên cạnh những đóng góp trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì khối DN FDI vẫn còn những mặt hạn chế. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI tăng cao cũng gắn liền với việc tăng tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu của khối DN này. Năm 2010 nhập khẩu của khối DN FDI chiếm 43,5% thì năm 2013 là 56,71%. Xét về mặt hàng, năm 2013 điện thoại là mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch cao nhất (khoảng 21 tỷ USD) nhưng đến gần 90% nguyên vật liệu, linh kiện phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tương tự, các mặt hàng máy vi tính, hàng điện tử, hàng dệt may, giày dép… đều sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu. Do sử dụng nhiều nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu nên các DN FDI chưa tạo ra được nhiều sản phẩm có hàm lượng chế biến sâu, giá trị gia tăng cao tại Việt Nam. Một số DN FDI chưa thật sự chú trọng đến chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa như đã cam kết, đặc biệt là ngành sản xuất ô tô. Mặc dù, đã góp phần đưa Việt Nam vào mạng lưới sản xuất và tạo nên giá trị toàn cầu, nhưng DN FDI chưa góp phần phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, nhất là chưa hình thành được chuỗi cung ứng với sự tham gia của nhiều DN Việt Nam. Trong đó có nguyên nhân do các DN FDI vẫn chưa có được dự án lớn, đầu tư chiều sâu vào nông nghiệp, chế biến nông sản hoặc triển khai tại khu vực trung du, miền núi...
Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Dù có những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế đất nước nhưng hiện nay đối với các DN FDI, trong hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu, khối DN này luôn gặp những khó khăn nhất định. Mới đây, tại buổi tọa đàm với các DN FDI về hoạt động xuất nhập khẩu do Bộ Công thương tổ chức, ông Huỳnh Trọng Bình, Trưởng bộ phận xuất nhập khẩu Công ty thép Vina Kyoel (Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, sắp tới công ty lên kế hoạch mở rộng kinh doanh bằng cách nhập thép phế liệu. DN chủ động chọn và hợp đồng với công ty giám định chất lượng sản phẩm đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp giấy phép, song phía hải quan không chấp nhận công ty giám định mà phía DN đưa ra, đồng thời đề nghị một công ty khác. “Hiện nay, DN không biết tính đường nào vì đã ký hợp đồng với đối tác giám định. Hơn nữa, nếu thay đổi công ty giám định sẽ mất nhiều thời gian”, ông Bình phân trần. Ở một góc độ khác, đại diện Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) thắc mắc: “DN cùng nhập một mặt hàng nhưng không hiểu sao lại có hai kết quả giám định khác nhau. Có thể là máy không chính xác hoặc con người không chính xác”.
Trước những vướng mắc, khó khăn của phía DN, đại diện Bộ Công thương cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ nghiên cứu, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN đối với những chính sách chưa sát với thực tế hoặc có những vướng mắc trong triển khai thực hiện. Để khối DN FDI thật sự là thành phần kinh tế có đóng góp mạnh mẽ và bền vững cho tăng trưởng GDP của Việt Nam, Chính phủ và Bộ Công thương mong muốn các DN FDI tiếp tục tăng cường các dự án mới, gia hạn và mở rộng các dự án đang có tại Việt Nam. Tập trung sản xuất những mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn, tỷ lệ giá trị gia tăng tại Việt Nam cao. Đồng thời đầu tư vào các khâu sản xuất nguyên liệu trọng điểm của một số ngành; Tăng cường chuỗi liên kết với các DN hỗ trợ của Việt Nam, qua đó thực hiện chuyển giao công nghệ và tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2014 thu hút được 333,4 triệu USD vốn đầu tư, gồm cả cấp mới và điều chỉnh, đạt 60,63% kế hoạch, tăng 55,49% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 264,6 triệu USD, tăng 80,69% so với cùng kỳ. Trong thu hút vốn FDI, các nhà đầu tư nước ngoài đã có những dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực dệt may cao cấp tại các KCX-KCN. Trong năm 2014, chỉ tiêu thu hút đầu tư tại các KCX-KCN trên địa bàn là 550 triệu USD. Trong đó, TPHCM tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao. Để thu hút các nhà đầu tư vào các KCX-KCN, TPHCM đã chuẩn bị hơn 400ha đất và hơn 67.400m2 nhà xưởng tiêu chuẩn hiện đại tại KCN Tân Phú Trung, An Hạ, Hiệp Phước và KCX Tân Thuận. Đồng thời, TPHCM cũng đang triển khai nhanh Khu kỹ nghệ Việt - Nhật tại KCN Hiệp Phước, dự kiến xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác trong tháng 10-2014 để thu hút luồng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, sẽ nhân rộng mô hình phát triển khu kỹ nghệ này ra một số KCN khác. Ngoài ra, TP cũng có kế hoạch tập trung kêu gọi đầu tư vào Khu E - office Park tại KCX Tân Thuận cho các ngành công nghiệp kỹ thuật cao. |
ĐÌNH LÝ