Ảnh hưởng đầu ra lẫn đầu vào
Từ sau tết, nhiều DN sản xuất bao bì trong tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh, mức giảm lên đến 30%-50%. Trong đó, chỉ riêng ngành dệt may bị ngưng trệ khi hạn chế xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Mỹ, EU… đã ảnh hưởng đến doanh số của nhiều DN bao bì. Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Phú Nguyên Thịnh Phát, ông Nguyễn Văn Thanh, cho biết: “Đơn hàng sụt giảm khoảng 30% doanh số so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do công ty chủ yếu sản xuất bao bì cho các DN chuyên làm hàng xuất khẩu, nay hoạt động xuất khẩu gặp khó vì ảnh hưởng dịch, nhiều DN may mặc đã hủy các hợp đồng dài hạn, chỉ ký lại những hợp đồng dạng thời vụ - vài chục ngàn thùng trên mỗi hợp đồng. Còn một số DN bạn hàng khác thì ngưng hẳn do chưa có đơn hàng sản xuất tiếp”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong các DN ngành giấy. Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, hiện các nhà cung cấp giấy phế liệu cho Việt Nam hủy đơn hàng rất nhiều. “Theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay dự trữ nguyên liệu của các DN lớn rất ít, dao động khoảng 1-2 tháng. Các DN nhỏ và vừa không còn nguyên liệu dự trữ, hoặc gần cạn kiệt. Nếu không nhập khẩu được nguyên liệu, nguồn cung nội địa không đủ, kéo theo nhiều DN bắt buộc phải đóng máy, ngừng hoạt động”, TS Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA, thông tin. Cũng theo VPPA, hiện giá giấy nguyên liệu thành phẩm tăng khoảng 200.000-300.000 đồng/tấn, gây ra áp lực rất lớn cho các DN sản xuất giấy về chi phí sản xuất. Chưa kể, thị trường xuất khẩu và trong nước đang giảm do cả khâu cung ứng khó khăn, vận chuyển tăng giá và nhu cầu thị trường không cao. Vì thế, DN ngành giấy đang phải chịu ảnh hưởng cả đầu vào lẫn đầu ra. Ngoài nỗi lo không đủ nguyên liệu sản xuất, DN ngành giấy còn gặp sức ép lãi vay ngắn hạn, trả nợ gốc, nỗi lo nhân công và nguy cơ khách hàng hủy đơn hàng do ảnh hưởng nguồn cung.
Ứng phó cách nào?
Đây cũng là một bất cập mà ngành giấy phải đối mặt, khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu về dăm gỗ (để sản xuất bột giấy) khoảng 11 triệu tấn/năm, nhưng lại nhập khẩu gần 0,4 triệu tấn bột giấy/năm, chiếm tỷ trọng đến 68% tiêu dùng. Ngành công nghiệp sản xuất giấy vẫn bị lệ thuộc nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu. Trong tổng số các nguồn nguyên liệu sản xuất giấy thì có tới 70% là từ giấy loại, trong đó gần 50% số nguyên liệu này phải nhập khẩu, 50% còn lại là từ việc thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng của những đơn vị thu gom nhỏ, lẻ (do chưa có một DN nào đứng ra đảm nhận công việc này). Ngoài ra, DN giấy Việt Nam có quy mô công suất sản xuất nhỏ, chủ yếu dưới 30.000 tấn/năm, đầu tư manh mún, công nghệ, thiết bị cũ, chi phí vận hành cao, chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định, khả năng cạnh tranh kém so với DN FDI và hàng nhập khẩu. Cơ cấu sản phẩm giấy theo năng lực sản xuất không cân đối với nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước chủ yếu tập trung vào giấy làm bao bì hòm và hộp carton - chiếm tỷ trọng đến 87%. Trong khi đó, đối với giấy bao bì cấp cao tráng phủ, giấy copy cấp cao, giấy in tráng phủ, các loại giấy đặc biệt thì chưa sản xuất được, hàng năm vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn - trên 1,3 triệu tấn.
Trước diễn biến hiện nay, VPPA khuyến cáo DN trong ngành cần bình tĩnh theo dõi thị trường để nắm rõ các xu hướng cũng như có các bước đi phù hợp. Hiện VPPA đang nỗ lực hỗ trợ DN tìm nguồn cung nguyên liệu, phương thức thanh toán để ổn định sản xuất. Ngoài ra, VPPA cũng kiến nghị các bộ ngành cần có chính sách giảm thủ tục nhập khẩu, thời gian thông quan nhanh, giúp DN sớm có nguyên liệu sản xuất. VPPA cũng kiến nghị Bộ GTVT làm việc với các hãng vận tải hàng hóa đường biển xem xét, giảm chi phí logistics hàng hải, không áp dụng mức thu phụ phí đối với các DN giấy Việt Nam tại thời điểm hiện tại.
Bộ Tài chính đã có Công văn 3915/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung thêm một số ngành vào đối tượng được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất (trong gói gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng), ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy được đưa vào nhóm trong công văn này. |