Doanh nghiệp khó tiếp cận chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu

70 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của hàng điện tử, điện gia dụng. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng từ linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm hoàn chỉnh… chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI), chiếm gần 80%.

Chỉ có 16% sản phẩm phụ trợ được mua từ nhà sản xuất trong nước. Số còn lại là mua từ những doanh nghiệp thương mại nhập khẩu trong nước. Điều này cho thấy, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phụ trợ trong nước còn rất yếu. 

Sản xuất thiết bị điện tử tại doanh nghiệp trong nước  
Ảnh: Thành Trí
 Thiếu chủ động 


Phân tích nội lực cung ứng sản phẩm phụ trợ của doanh nghiệp trong nước, đại diện Bộ Công thương cho biết, hiện Việt Nam đang có 605 doanh nghiệp lắp ráp khâu cuối cùng với khoảng 180.000 lao động tham gia. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ lớp 2, lớp 3 trong ngành công nghiệp điện tử chưa được hình thành. Các doanh nghiệp cung ứng chủ yếu là doanh nghiệp FDI, sản xuất cơ bản dựa trên vật tư, linh kiện nhập khẩu. Các doanh cung ứng chủ yếu tham gia những khâu có giá trị gia tăng thấp như sản xuất linh kiện cơ khí, nhựa, cao su, bao bì, đóng gói, các loại sách hướng dẫn, sản xuất khuôn đúc… Riêng tại TPHCM, hiện có 1.200 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cung ứng nhưng chỉ có 80 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Tập đoàn Samsung cần 200 nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nhưng hiện ngoài 50 doanh nghiệp đã được giới thiệu thì chưa thể kiếm thêm những doanh nghiệp khác. Điều này cho thấy số lượng doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn rất ít.

TS Nguyễn Trọng Hiệu, chuyên gia dự án USAID GIG, cho rằng những doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thường vấp phải những rào cản như thiếu nguồn nhân lực do hạn chế về vốn; công nghệ lạc hậu và không thích ứng được với sự thay đổi liên tục của mặt hàng điện tử; trình độ quản trị hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Trong khi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối đều có chuỗi cung ứng của riêng mình. Do vậy, nếu không thực sự vượt trội, doanh nghiệp Việt Nam rất khó tham gia vào chuỗi cung ứng của họ. 

Ở góc độ doanh nghiệp đã tham gia lâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc Công ty Asanzo, khẳng định doanh nghiệp nội còn thiếu chủ động trong hoạt động sản xuất cũng như tìm hiểu nhu cầu thị trường. Bản thân doanh nghiệp thiếu định lượng nội lực của mình, từ chối hoặc ngại tìm kiếm khả năng liên kết với các doanh nghiệp khác để hình thành cụm chuỗi cung ứng. Và đặc biệt là chưa chủ động xây dựng nền tảng thông tin đủ để cung cấp cho nhà thu mua sản phẩm.
 
Cần loại bỏ tâm lý trông chờ hỗ trợ 

Để được chọn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nội lực của doanh nghiệp rất quan trọng. Nội lực này không đơn giản là sản xuất ra sản phẩm có chất lượng mà là sản phẩm phải có chất lượng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất đầu cuối đang cần. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đáp ứng được những đơn hàng với số lượng lớn nhất định. Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM, cho biết nhằm cải thiện nội lực của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trung tâm đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình như đào tạo doanh nghiệp phát triển bền vững (SCORE), phát triển toàn diện theo chương trình đào tạo của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp theo chuẩn của Tập đoàn Samsung, cải thiện năng suất và chất lượng doanh nghiệp. Đặc biệt, thực hiện thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) đầu tiên tại Việt Nam do Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) phối hợp Tổ chức Tài chính quốc tế và nhóm Ngân hàng Thế giới (IFC/WB) phối hợp tổ chức. Ngoài ra, trung tâm đang phối hợp với các sở ngành triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đến các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối chỉ là một phần. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ phải thể hiện tính kiên định, chiến lược phát triển thông qua những triết lý kinh doanh, lộ trình đầu tư nhất định. Bên cạnh đó, phải cải thiện năng lực quản lý, đảm bảo tính ổn định chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng... Quan trọng hơn, giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ phải liên kết để xây dựng những cụm, chuỗi liên kết đa chi tiết, từng bước hình thành những nhà cung ứng nội ở cấp cao hơn, tạo nền tảng dẫn dắt chuỗi cung ứng sản phẩm phụ trợ trong nước phát triển. Thực tế cho thấy, hiện nay sự liên kết của các doanh nghiệp nội vẫn rất lỏng lẽo. 

Một yếu tố khác, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cần thiết phải đa dạng hóa sản phẩm hạ nguồn, trung nguồn để đáp ứng nhu cầu sản phẩm phụ trợ đa dạng của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối. Còn về phía cơ quan chức năng, cần tăng hiệu quả hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng năng lực phù hợp với tiêu chuẩn của khách hàng. Song song đó, phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu để gia cố nội lực phát triển cho doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục