Một số doanh nghiệp (DN) phản ánh tình trạng hàng nhái, hàng giả mạo thương hiệu ngày càng nhiều và lộng hành. Ông Thái Tuấn, Giám đốc Công ty Tân Huê Viên, chuyên sản xuất, phân phối bánh pía Sóc Trăng, phản ánh việc thương hiệu bánh pía Sóc Trăng bị làm giả, làm nhái ở khắp các tỉnh thành, thậm chí làm giả mạo để xuất khẩu. DN bức xúc ở chỗ, có những sản phẩm bánh pía sản xuất ở miền Trung, miền Bắc… nhưng vẫn ghi rõ là “bánh pía Sóc Trăng”.
Còn lãnh đạo Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s) bức xúc khi các sản phẩm giày dép công ty bị làm nhái với các dấu hiệu nhận diện hoàn toàn giống nhau, người tiêu dùng dễ nhầm lẫn. Mặc dù Bita’s đã nộp đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng nhưng gần 6 năm qua vẫn chưa được xem xét.
Bàn về thực tế này, ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhìn nhận, để giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái là một câu chuyện dài, có khi DN phải mất nhiều năm đeo đuổi. Hiện nay, có nhiều cơ quan như như Cục Quản lý thị trường, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ… cùng hỗ trợ DN giải quyết các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. DN bị hại cần phản ánh ngay với các lực lượng chuyên trách để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Với các trường hợp chưa được giải quyết rốt ráo, ông Hồng cho biết sẽ thông tin với cấp trên rà soát lại để phản hồi tới DN.
Đại tá Hoàng Văn Trực, nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an, cảnh báo, nhiều vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái đều liên quan đến những người thân của DN bị hại. Câu chuyện đặt ra ở đây là các DN làm ăn chân chính cần nâng cao cảnh giác, không “rút gan, rút ruột” chia sẻ bí quyết kinh doanh khiến sản phẩm của DN dễ bị làm giả, làm nhái…
Phát hiện trên 360 tấn hóa chất, phân bón vi phạm quy định kinh doanh
Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, các đội quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện một số điểm kinh doanh, chứa trữ hơn 360 tấn hóa chất công nghiệp, phân bón các loại vi phạm quy định pháp luật. Các lỗi vi phạm cụ thể gồm: hàng trôi nổi, không có hóa đơn chứng từ; một số mặt hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt, hàng hóa có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc theo quy định...
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tạm giữ gần 15 tấn đường cát, bột ngọt, vải... các loại nhập lậu; trên 1.000 viên thực phẩm chức năng trôi nổi có tác dụng làm đẹp, hỗ trợ sức khỏe. Riêng lực lượng Hải quan TPHCM cũng đã kiểm tra, phát hiện khoảng 130 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Tổng trị giá hàng hóa lên tới 120 tỷ đồng.