Doanh nghiệp nội gặp khó khâu phân phối hàng

Một khảo sát do Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam thực hiện cho thấy, sản phẩm của doanh nghiệp (DN) nội đang gặp khó khăn trong khâu phân phối hàng hóa so với hàng ngoại nhập. Vấn đề này tưởng chừng là vô lý nhưng lại đang là sự thật tại nước ta. Vậy đâu là nguyên nhân?
Doanh nghiệp nội gặp khó khâu phân phối hàng

Một khảo sát do Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam thực hiện cho thấy, sản phẩm của doanh nghiệp (DN) nội đang gặp khó khăn trong khâu phân phối hàng hóa so với hàng ngoại nhập. Vấn đề này tưởng chừng là vô lý nhưng lại đang là sự thật tại nước ta. Vậy đâu là nguyên nhân?

Mua hàng nhập khẩu qua trung gian dễ hơn hàng nội địa

Kết quả điều tra cho thấy, có đến 80% DN trong số 500 DN được chọn khảo sát ý kiến cho rằng mua hàng xuất khẩu qua trung gian không gặp khó khăn nhiều. Số còn lại thì cho rằng có chút khó khăn do liên quan đến thủ tục thông quan, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, nếu so sánh những cái khó mà mua hàng ngoại qua trung gian gặp phải với việc mua hàng nội qua hệ thống trung gian thì mua hàng nội vẫn gặp khó hơn nhiều. Liên quan đến nghịch lý này, đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, đây là một yếu tố hết sức bất ngờ ngay cả với nhóm thực hiện khảo sát. Bởi trước khi tiến hành khảo sát, nhóm khảo sát đã suy đoán là việc kết nối giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ (hoặc nhà trung gian) ở trong nước thuận lợi do các yếu tố như khoảng cách địa lý, cùng môi trường kinh doanh, có tâm lý và cách thức kinh doanh tương tự…

Thế nhưng, thực tế đã ngược lại với suy đoán của nhóm nghiên cứu, khi chỉ có 23% số DN đánh giá là họ mua hàng cung nội địa qua trung gian thuận lợi. Số còn lại cho là bình thường và khó. Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương, khẳng định sự hạn chế trong lưu thông hàng hóa nội xuất phát một phần do năng lực cạnh tranh của ngành hậu cần (logistics) Việt Nam còn kém so với các nước trong khu vực. Đây là khâu không chỉ gắn liền với kho vận, giao nhận vận tải mà còn liên quan đến lập kế hoạch, sắp xếp dòng chảy nguyên vật liệu từ nhà cung ứng đến nhà sản xuất, luân chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện chi phí hậu cần của Việt Nam chiếm tới 25% GDP, cao hơn so với hầu hết các nước trong khu vực như Thái Lan 19%, Trung Quốc 18%, Nhật Bản 11%, Singapore 8% và Mỹ chỉ có 7,7%. Điều này đang dẫn đến sự lãng phí nhiều nguồn lực trong nước, gây khó khăn cho DN và kìm hãm xuất nhập khẩu nói chung.

Việc mua hàng qua trung gian khiến cho mức lợi nhuận thấp đi do phải phân bố lợi nhuận thêm cho các khâu trung gian. Thế nhưng, đây là một khâu không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường nước ta - vốn có nhiều DN sản xuất quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Các DN không có khả năng kết nối trực tiếp giữa các nhà bán lẻ. Hiện nguồn cung mua hàng qua trung gian trung bình chỉ chiếm 4% tỷ trọng. Thực tế này phần nào phản ánh những bất cập trong lưu thông hàng hóa trong các thị trường nội địa cũng như những hạn chế trong kết nối giữa nhà đơn vị sản xuất và các nhà bán lẻ trong nước.

Hoạt động mua bán tại chợ An Đông, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tăng nội lực bằng cách giảm chi phí logistics

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết thống kê của Bộ Công thương gần nhất cho thấy, cả nước đang có 9.000 chợ các loại, khoảng 830 siêu thị và 150 trung tâm thương mại. Tỷ trọng hàng hóa bán qua hệ thống thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại chỉ chiếm khoảng từ 25% - 30% tổng mức bán lẻ và đang có xu hướng tăng lên. Thị phần của chợ truyền thống vẫn đang áp đảo với khoảng 70% - 80% lượng hàng hóa. Với các nhà bán lẻ thuộc kênh hiện đại, việc cung ứng hàng hóa có thể thuận lợi hơn do có thể kết nối trực tiếp với nhà sản xuất. Thế nhưng, với những nhà bán lẻ thuộc nhóm chợ truyền thống thì không thể tự kết nối mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, nên hệ thống trung gian là rất quan trọng. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có những hỗ trợ thiết thực hơn để giảm thiểu chi phí logistics, tạo thuận lợi trong hệ thống trung chuyển nguồn cung ứng sản phẩm cho DN.

Đại diện Bộ Công thương khẳng định, cùng với việc tập đoàn đầu tư nước ngoài không ngừng mở rộng hệ thống phân phối thì sản phẩm ngoại cũng theo chân nhà phân phối đi sâu vào thị trường Việt Nam. Để có thể tăng nội lực cho DN sản xuất nội, cũng như hỗ trợ DN phân phối mở rộng quy mô, hệ thống chuỗi cung ứng, bộ đang thiết lập đề án giảm chi phí logistics. Theo đó, rà soát và bố trí lại hệ thống kho vận, tránh đầu tư tràn lan nhưng chất lượng không đảm bảo. Tuy nhiên, về phía các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics cũng được khuyến cáo phải tăng cường cải tạo hệ thống phương tiện vận chuyển. Đặc biệt, phải cập nhật thường xuyên những tiêu chuẩn và yêu cầu mới trong hoạt động vận chuyển sản phẩm. Quan trọng hơn, phải làm tốt vai trò là người kết nối trung gian, giải quyết những bất cập liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm với đối tác của DN sản xuất. Có như vậy mới giúp DN nội nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu những rủi ro trong quá trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Không những thế, đại diện các DN bán lẻ, nhất là nhóm bán lẻ truyền thống nhấn mạnh thêm, phát triển mạnh hệ thống phân phối là cách để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, phát triển cho DN. Hiện đa số các chủ cơ sở bán lẻ chỉ tận dụng nguồn lực sẵn có từ gia đình hoặc từ những người thân quen. Mặt khác, họ còn bị hạn chế do trình độ quản lý dựa trên thói quen kinh doanh và kinh nghiệm cá nhân mà không thông qua bất kỳ chương trình đào tạo chính quy nào. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang thực hiện mở cửa thông qua các hiệp định thương mại thế hệ mới, các hệ thống bán lẻ trên đang bị cạnh tranh mạnh bởi hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi do các DN có vốn nước ngoài đầu tư. Họ vốn có ưu thế tài chính mạnh, đầu tư có hệ thống và quản trị tốt. Sức cạnh tranh cũng cao hơn so với hệ thống bán lẻ truyền thống của Việt Nam. Do vậy, Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực hơn trong việc triển khai hỗ trợ vốn, địa điểm hoạt động kinh doanh cho các nhà bán lẻ trong nước nhanh chóng mở rộng hệ thống phân phối.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục