Doanh nghiệp nội khó khởi nghiệp với rào cản công nghệ

Hơn 96% doanh nghiệp (DN) nước ta là DN vừa và nhỏ, nhược điểm là vốn đầu tư nhỏ và công nghệ sản xuất lạc hậu. Thay đổi công nghệ sản xuất là yếu tố sống còn của DN. Thế nhưng, Thông tư 23 quy định về việc nhập khẩu công nghệ, máy móc đã qua sử dụng không được quá 10 năm đã tạo ra những rào cản gây khó cho DN, thậm chí triệt tiêu những DN thuộc diện đang khởi nghiệp.
Doanh nghiệp nội khó khởi nghiệp với rào cản công nghệ

Hơn 96% doanh nghiệp (DN) nước ta là DN vừa và nhỏ, nhược điểm là vốn đầu tư nhỏ và công nghệ sản xuất lạc hậu. Thay đổi công nghệ sản xuất là yếu tố sống còn của DN. Thế nhưng, Thông tư 23 quy định về việc nhập khẩu công nghệ, máy móc đã qua sử dụng không được quá 10 năm đã tạo ra những rào cản gây khó cho DN, thậm chí triệt tiêu những DN thuộc diện đang khởi nghiệp.

95% doanh nghiệp mất khả năng cải tạo thiết bị sản xuất

Quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ khi đưa ra Thông tư 23 là nhằm ngăn chặn nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ. Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm này, nhiều DN cho rằng, quy định này sẽ biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc và Đài Loan. Ông Trương Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công cụ và Thiết bị T.A.T, cho biết nếu làm một phép so sánh chất lượng sản phẩm máy móc cũ của Nhật Bản với máy mới của Trung Quốc và Đài Loan sẽ thấy rõ hơn tại sao các DN lại có thể khẳng định điều đó. Hiện trung bình một máy cũ đã qua sử dụng hơn 10 năm của Nhật Bản có giá thành rẻ hơn đến 6 lần máy mới sản xuất. Còn về chất lượng sử dụng thì có thể đảm bảo lên đến 20 - 30 năm. Tỷ lệ lỗi sản phẩm chỉ ở mức khoảng 1/1.000 sản phẩm.

Trong khi đó, cùng dòng máy sản xuất như Nhật Bản, máy của Trung Quốc và Đài Loan có giá thành khoảng bằng 2/3 hoặc tương đương giá thành máy cũ Nhật Bản. Thế nhưng, sau 2 năm sử dụng, máy gần như bị hỏng hóc rất nhiều. Tỷ lệ lỗi sản phẩm rất cao. Thậm chí, chi phí DN phải bỏ ra để sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng còn lớn hơn chi phí mua máy cũ Nhật Bản. Cốt lõi của vấn đề được các DN chỉ rõ, đó là thép chế tạo được sử dụng để kết cấu nên máy sản xuất. Hiện kỹ thuật chế tạo thép máy của Nhật Bản và các nước thành viên G7 là nhất thế giới. Việc tập đoàn của những nước này thải hồi những máy cũ đã qua sử dụng hơn 10 năm không phải là vì máy hỏng hóc, lạc hậu mà là do họ có đủ nội lực vốn để đầu tư những loại máy được chế tạo từ nguyên vật liệu mới, cho ra sản phẩm có độ chính xác cao hơn và thời gian hoàn thành đơn hàng được rút ngắn hơn.

Sản xuất vỏ xe ô tô tại một doanh nghiệp trong nước ở tỉnh Bình Dương Ảnh: CAO THĂNG

Các DN trong nước không phải là không mong muốn đầu tư những sản phẩm dây chuyền sản xuất hiện đại, nhưng phải dựa trên cơ sở tài chính của mình. Ông Nguyễn Ngọc Nhuận, Tổng giám đốc Công ty Nhuận Tiến, cho biết công ty có quy mô DN sản xuất nhỏ, chuyên gia công sản phẩm cơ khí chính xác cho 15 DN Nhật Bản. Với số vốn khởi nghiệp hơn 10 tỷ đồng, công ty chỉ đủ khả năng nhập khẩu 2 máy cũ của Nhật Bản đã qua sử dụng hơn 10 năm. Tuy nhiên, với quy định của Thông tư 23, công ty không đủ chi phí để mua máy mới của Nhật Bản và chỉ phù hợp để mua máy mới của Trung Quốc, Đài Loan. Và nếu phải bị buộc mua máy mới của Trung Quốc, Đài Loan thì thà không đầu tư còn hơn vì trước sau gì cũng phải đóng cửa sớm. Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Trịnh Xuân Kỳ, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam, khẳng định ngay cả những DN Trung Quốc còn từ chối mua và sử dụng máy sản xuất do chính nước họ sản xuất và vẫn mua máy cũ của Nhật Bản để sử dụng. Vậy thì, với cách đưa ra quy định trên khác nào làm khó DN.

Nương theo sức cho DN

Đó là khẳng định của nhiều DN khi bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Ông Đỗ Duy Tống bức xúc dẫn chứng thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 5% DN tại khu vực phía Nam là có khả năng nhập mua sản phẩm máy mới từ các nước Nhật Bản, G7 hoặc đạt tiêu chuẩn tương tự; 1% DN mua lại máy cũ của Nhật Bản có tuổi thọ hoạt động dưới 10 năm; 5% mua máy Nhật Bản có tuổi thọ dưới 20 năm. Tỷ lệ DN còn lại chỉ đủ năng lực trang bị những máy móc, thiết bị Nhật Bản, Đức, châu Âu có tuổi thọ hoạt động trên 20 năm. Riêng với những DN nhỏ, đang khởi nghiệp trong bối cảnh Chính phủ phát động Năm Khởi nghiệp quốc gia, chắc chắn chỉ có đủ năng lực trang bị máy móc thiết bị Nhật Bản, G7, Mỹ… có tuổi thọ ít nhất là trên 10 năm trở lên. Các cơ quan chức năng cần thiết phải căn cứ vào nội lực thực tại của DN để đưa ra lộ trình áp dụng phù hợp.

Cách tốt nhất là nên để thị trường tự điều tiết bởi DN sẽ tự biết lượng sức mình, cũng như sẽ có kiến thức đủ để nhập khẩu những loại máy móc phù hợp với mình. Ông Trương Quốc Tuấn nhấn mạnh, công ty đã có kinh nghiệm hơn 30 năm nhập khẩu và xuất nhập khẩu trang thiết bị, máy móc cũ đã qua sử dụng. Hơn 40% sản phẩm máy móc cũ sau khi đã sửa chữa lại được công ty xuất sang các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan và Ấn Độ. Tuy nhiên, sản phẩm của công ty luôn được tiếp nhận mà không có bất kỳ quy định rào cản nào. Vấn đề quan trọng là ở chỗ đối tác đồng ý thực hiện giao dịch thương mại trên. Điều này cho thấy, tại những nước tiên tiến, họ vẫn sử dụng những sản phẩm máy cũ, đặc biệt là những sản phẩm máy cái, máy chế tạo đòi hỏi độ chính xác cao.

Nhiều DN cho rằng, cơ quan chức năng cần phải tham khảo thêm ý kiến của DN về vấn đề này. Đặc biệt, với những DN nhỏ, khởi nghiệp với số vốn khoảng 3 - 5 tỷ đồng để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho DN khởi nghiệp và phát triển, nhất là trong bối cảnh DN nội đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi những DN ngoại như hiện nay.

ÁI VÂN

Một lý do khác được Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra là việc hạn chế nhập khẩu máy cũ để tránh giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng. Thế nhưng, trên thực tế nếu phải buộc sử dụng máy móc sản xuất từ Trung Quốc, Đài Loan như hiện nay thì mức độ ô nhiễm môi trường còn cao hơn rất nhiều. Ông Đỗ Duy Tống, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Cơ khí, điện TPHCM, dẫn chứng ví dụ máy dập của Nhật Bản, 80 tấn sử dụng 80 lít dầu, còn máy mới của Trung Quốc sử dụng 130 lít dầu. Vậy thì máy mới liệu có giảm thiểu ô nhiễm và tiết kiệm nhiên liệu hay không (!?).

Tin cùng chuyên mục