Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương không có Mỹ tham gia, những biến động chính trị tại châu Âu đang khiến nhu cầu tiêu thụ tại khu vực này liên tục sụt giảm. Thị trường Á - Âu rộng lớn nhưng khó khăn trong hệ thống logistics kết nối giao thương đang gây khó cho hàng Việt xuất khẩu. Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đã tìm hướng trở lại thị trường nội địa.
Sản phẩm cặp học sinh sản xuất trong nước được bán tại cửa hàng của doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG
Hấp dẫn phân khúc thị phần trung cao
Phân tích tiềm năng thị trường do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) thực hiện cho thấy, thị trường nội địa Việt Nam vẫn đang thiếu nguồn hàng cung ứng cho phân khúc trung - cao cấp, nhất là ngành hàng tiêu dùng nhanh. Hiện thị trường Việt Nam đang chia 2 phân khúc tiêu dùng rất rõ ràng; đó là phân khúc sản phẩm bình dân, chủ yếu là hàng của Trung Quốc và Việt Nam. Ở phân khúc thị phần sản phẩm cao cấp, chủ yếu sản phẩm đến từ những thương hiệu nổi tiếng của châu Âu. Còn phân khúc hàng trung cấp, có tính tiện lợi cao chưa được chú trọng khai thác. Đây cũng chính là lý do lý giải cho xu hướng đầu tư mới của DN Nhật Bản trong năm 2017 khi tập trung cung ứng sản phẩm có chất lượng cao và tiện lợi phục vụ phân khúc thị trường trung cấp tại Việt Nam. Hơn 60% DN (trong số hơn 1.000 DN Nhật Bản được khảo sát) khẳng định sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Ngành hàng DN Nhật Bản tập trung đầu tư sản xuất và phân phối là thực phẩm chế biến phân khúc trung cấp, có tính tiện lợi cao.
Cũng nhìn nhận về tiềm năng thị trường nội địa trong phân khúc trung cấp này, có đến 28,7% DN chuyên xuất khẩu đã bắt đầu chuyển hướng thị trường. Đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, tính đến nay, tỷ trọng hàng hóa bán qua hệ thống thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích chiếm 25% tổng mức bán lẻ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngoài ra, cả nước còn có 8.546 chợ các loại và khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình. Con số này tăng trưởng bình quân 20% - 21%/năm, từ năm 2016 - 2020. Theo quy hoạch của Bộ Công thương, dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ có thêm khoảng 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại. Đại diện Jetro cũng nhấn mạnh thêm, trong năm 2017, hệ thống cửa hàng tiện lợi Eleven của Nhật Bản cũng chính thức có mặt tại Việt Nam. Chưa kể, hàng loạt chuỗi hệ thống bán lẻ khác như Aeon mall. Lotte, Big C, Co.opmart, Family mart, B’mart, Robinson... đang trong tiến trình đẩy mạnh đầu tư hệ thống phân phối bán lẻ khác tại Việt Nam. Điều này cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam đang là tiềm năng lớn cho DN nội lẫn ngoại.
Rào cản ở kênh phân phối nội địa
Dồn sức chiếm lĩnh thị phần nội địa là cần thiết. Tuy nhiên, sau thời gian dài chỉ tập trung chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu, thiếu ưu tiên đầu tư hệ thống phân phối tại thị trường nội địa nên việc quay đầu về thị trường trong nước của nhiều DN không mấy thuận lợi. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nước ta đang có khoảng 6.000 DN may đang hoạt động. Trước đây, phần lớn sản phẩm chủ yếu xuất khẩu nên rất ít DN có hệ thống chuỗi phân phối trong nước. Các cửa hàng bán sản phẩm may mặc trong nước đa phần là cửa hàng tư nhân, nhỏ lẻ và chủ yếu bán sản phẩm rẻ tiền nhập từ Trung Quốc. Số ít sản phẩm dệt may phân phối dựa trên hệ thống kênh bán hàng hiện đại nhưng chưa ưu tiên cho hàng Việt nên cũng bị yếu thế và có nguy cơ thu hẹp.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM, cho biết thời gian qua việc phát triển hệ thống kênh bán hàng hiện đại thuần Việt đã được nhà nước quan tâm và chú trọng. Tuy nhiên, chiến lược đầu tư chưa thực sự rõ ràng. Giữa các DN nội thiếu sự liên kết cần thiết để thâm nhập và giữ thị phần tiêu thụ.
Phân tích chiến lược đầu tư của các hệ thống phân phối hiện đại của nước ngoài tại Việt Nam, ông Diệp Dũng nhấn mạnh, khi vào thị trường Việt Nam, họ liên kết chặt chẽ giữa DN phân phối và DN cung ứng. Sự liên kết này không chỉ thể hiện việc cung ứng sản phẩm chất lượng ổn định, uy tín mà còn có cả sự chia sẻ chi phí quảng bá thương hiệu, thâm nhập để chiếm giữ thị phần tiêu thụ. Kế đến, họ đánh bật thương hiệu nội địa bằng hình thức tăng chiết khấu.
Một vấn đề vốn tồn tại cố hữu trong tâm lý tiêu dùng của người Việt là ưa chuộng hàng ngoại hơn hàng nội. Tâm lý này đã vô tình ngày càng thu hẹp thị phần hàng nội ngay trên chính sân nhà. Trong khi đó, nếu so sánh về chất lượng, hàng Việt Nam không thua kém chất lượng so với hàng ngoại. Thậm chí, hàng nội của nhiều DN sản xuất đạt chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế tại những thị trường khó tính trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bà Lê Thanh Lâm, Tổng giám đốc Saigon Food, chia sẻ: “Công ty đã sản xuất loại cháo tươi đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường Nhật Bản. Thế nhưng khâu phân phối trong nước hết sức khó khăn do người tiêu dùng không chuộng sử dụng hàng nội chất lượng cao”.
Để hàng nội có thể chiếm lĩnh ưu thế trên sân nhà, nhiều DN cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng hợp nhất bộ tiêu chuẩn chất lượng cho từng loại ngành hàng, sản phẩm. Bộ tiêu chuẩn này phải đáp ứng yêu cầu trong nước và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Kế đến, cần minh bạch bộ tiêu chuẩn và đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng người dân để nhận biết và ưu tiên sử dụng hàng Việt. Riêng về hệ thống phân phối, đây là nút thắt khó cho từng DN. Do vậy, ngoài những nỗ lực bằng cách DN nội phải chủ động liên kết với nhau thì Chính phủ cần có chiến lược, chính sách để hỗ trợ hệ thống phân phối nội địa phát triển. Tránh tình trạng như hiện nay là các địa phương chỉ tập trung ưu tiên vị trí, thuế, giá thuê đất… và các chính sách ưu đãi liên quan khác cho hệ thống phân phối ngoại nên làm khó hệ thống phân phối nội địa. “DN chưa cần nhà nước hỗ trợ vốn, công nghệ mà chỉ cần hỗ trợ thiết lập cơ chế chính sách, thủ tục hành chính minh bạch và công bằng hơn giữa DN nội với DN ngoại”, đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM khẳng định.
Minh Xuân