Các doanh nghiệp kiến nghị nhiều nhưng đến nay chưa được tháo gỡ. Cụ thể, doanh nghiệp nhập khẩu máy móc nguyên chiếc được hưởng thuế suất bằng không. Trong khi đó, sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước phải nhập khẩu nguyên liệu và chịu thuế từ 10% - 15%. Mặc dù năng lực sản xuất cơ khí trong nước không yếu nhưng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ rất khó.
Nguyên nhân do có sự đổ bộ ồ ạt trong hệ thống chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài có sản phẩm đầu cuối. Hơn nữa, các doanh nghiệp này luôn có lợi thế tuyệt đối trong việc được ưu tiên thu mua sản phẩm ngay khi đầu tư. Mặt khác, doanh nghiệp ngoại đầu tư được hưởng mức thuế ưu đãi tốt hơn doanh nghiệp trong nước nên chiếm lợi thế về giá thành sản phẩm.
Đáng chú ý, hiện doanh nghiệp nước ngoài, nhất là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan đang rất quan tâm đến thị trường trong nước. Chỉ tính riêng số lượng doanh nghiệp tham gia Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam, sẽ diễn ra tại TPHCM từ ngày 6 đến 9-12, đã có đến 750 doanh nghiệp thuộc 16 quốc gia đăng ký tham gia, tăng 230 doanh nghiệp so với năm 2016. Thống kê của Bộ Công thương cũng cho thấy, hiện cả nước có hơn 24.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD.