Doanh nghiệp sản xuất cao su Việt Nam: Không đổi mới sẽ tụt hậu

Nội lực yếu nên sức cạnh tranh kém
Doanh nghiệp sản xuất cao su Việt Nam: Không đổi mới sẽ tụt hậu

Việt Nam đã và đang ký kết, đàm phán nhiều hiệp định kinh tế quốc tế. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho các ngành nghề, sản phẩm trong nước, trong đó có ngành cao su. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn cho xuất khẩu, cao su việt Nam vẫn tiềm ẩn những thách thức không hề nhỏ.

Nội lực yếu nên sức cạnh tranh kém

Một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp sản xuất cao su hiện nay là chất lượng và kỹ thuật. Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp nội quen chọn và cung ứng sản phẩm cho thị trường dễ tính là Trung Quốc. Chính vì thế, khi Việt Nam gia nhập hiệp định thương mại song phương với những thị trường khó tính hơn thì lợi thế ưu đãi về thuế xuất cao nhưng ngược lại doanh nghiệp nội lại không đáp ứng về kỹ thuật. Ông Nguyễn Thành Được, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều thách thức khi muốn xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Những thị trường này đòi hỏi các yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm rất cao. Đơn cử như công ty muốn bán được nguyên liệu SVR 10 và SVR 20 cho công ty sản xuất vỏ xe thì nhà máy phải đáp ứng được nhiều yêu cầu như nguyên liệu phải không có chất nhiễm bẩn, cao su không có sống hạt, yêu cầu chất lượng phải đồng đều và ổn định trong suốt thời gian cung cấp… Nếu đáp ứng được những yêu cầu trên, công ty phải gửi mẫu nguyên liệu cung ứng cho đối tác để xét nghiệm, sản xuất thử. Khi kết quả kiểm nghiệm và mẫu sản xuất thử đạt yêu cầu, công ty mới nhận được hợp đồng cung ứng nguyên liệu cho đối tác.

Doanh nghiệp xuất khẩu cao su thô sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... gặp nhiều thách thức về yêu cầu kỹ thuật. Ảnh: CAO THĂNG

Phân tích về vấn đề này, PGS-TS Đào Ngọc Tiến, Trường Đại học Ngoại thương TPHCM cho biết, hiện cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á - Âu… Nguyên nhân là do nguồn nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp nội rất yếu. Phần lớn doanh nghiệp cao su chưa quan tâm hoặc chưa có điều kiện xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế. Điều này khiến cho năng lực cạnh tranh doanh nghiệp nội rất kém so với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cao su có tên tuổi và lâu đời của các nước trên thế giới. Mặt khác, cơ chế quản lý và môi trường kinh doanh ngành cao su chưa đồng bộ, gây khó khăn cho ngành và doanh nghiệp. Thực tế so sánh, mặt hàng lốp cao su Trung Quốc đã được lợi 15% thuế nhập khẩu cộng với 10% thuế giá trị gia tăng. Trong khi các doanh nghiệp trong nước phải nộp ngay thuế giá trị gia tăng đầu vào và chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra. Không chỉ vậy, rào cản thương mại và kỹ thuật, kiểm soát thuế nhập khẩu để ngăn chặn nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng chưa chặt chẽ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh trong nước.

Định vị dòng sản phẩm chủ lực

Không chỉ khó khăn trong nội lực sản xuất, xu hướng cung vượt cầu có thể kéo dài trong vài năm tới, giá cao su thiên nhiên khó tăng lên, sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên sẽ trở nên gay gắt hơn về giá thành, hiệu quả đầu tư kinh doanh, nhất là về chất lượng sản phẩm và uy tín thương mại. Hiện những nguồn nguyên liệu khác cạnh tranh với cao su thiên nhiên vẫn đang phát triển nhanh như cao su nhân tạo tổng hợp từ dầu thô do giá dầu thô liên tục giảm sâu trong thời gian qua. Ông Jonathan Jonathan, Giám đốc kinh doanh cao su thiên nhiên, Công ty Chiến lược của Goodyear tại Việt Nam cho biết, ngành cao su Việt Nam cần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, các doanh nghiệp nội nên tập trung vào một sản phẩm thế mạnh nào đó chứ không nên chạy theo số lượng.

PGS-TS Đào Ngọc Tiến cũng cho biết thêm, hội nhập quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp cận thông tin thị trường, áp dụng tiêu chuẩn hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và quản lý. Đồng thời giúp Việt Nam nâng cao vị thế và tiếng nói trong cộng đồng cao su thế giới. Ngược lại, để ứng phó với tình hình này, ngành cao su Việt Nam cần tập trung tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm dần sự lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Doanh nghiệp cần đẩy nhanh nghiên cứu nhu cầu của thị trường và khách hàng để chuyển đổi cơ cấu sản phẩm và nâng cao chất lượng, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và nhà nhập khẩu. Đây cũng là giải pháp tăng năng lực cạnh tranh cho ngành cao su Việt Nam so với các nước trong khu vực. Về phía nhà nước, cần đẩy mạnh hoạt động kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức, đơn vị liên quan, tăng cường công tác xúc tiến thương mại để tăng tiêu thụ trong nước, phát triển công nghiệp chế biến và giảm xuất khẩu thô. Đồng thời cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xây dựng rào cản kỹ thuật và thương mại để bảo vệ người tiêu dùng và cạnh tranh lành mạnh.

MINH XUÂN - MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục