Theo đà tăng trưởng của thị trường
Theo đánh giá của Bộ Công thương, mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến khó lường, nhưng doanh thu thị trường trong nước vẫn được đánh giá là một trong những điểm sáng của kinh tế vĩ mô. Điển hình là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11-2021 ước đạt 397.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước.
Riêng TPHCM, tổng mức bán lẻ tăng từ 43.000 tỷ đồng tháng 10 lên hơn 55.000 tỷ đồng vào tháng 11-2021. Bắt nhịp theo đà tăng trưởng của thị trường, doanh nghiệp cả nước nói chung, TPHCM nói riêng, đang chủ động tăng nguồn hàng cũng như hoạt động tối đa công suất để kịp tiến độ đưa hàng ra thị trường.
Ghi nhận tại Công ty CP Dầu thực vật Tường An, các dây chuyền sản xuất luôn hoạt động tối đa công suất thiết kế để kịp cung cấp các sản phẩm dầu ăn phục vụ Tết Nguyên đán 2022.
Ông Bùi Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu thực vật Tường An, cho biết, công ty chủ động sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo cung cấp hàng hóa cho người dân; ưu tiên phát triển đồng đều cả 3 phân khúc phổ thông, trung và cao cấp, tùy thuộc vào sở thích và nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng; đặt mục tiêu sản lượng tăng 30% so với Tết Nguyên đán 2021.
Nhận định về thị trường và xu hướng tiêu dùng trong dịp tết, Công ty Bibica cũng đã công bố kế hoạch tung ra thị trường dịp tết khoảng 2.500 tấn bánh kẹo. Theo doanh nghiệp này, vừa trải qua đợt dịch kéo dài nên doanh nghiệp không có nhiều thời gian chuẩn bị như mọi năm. Tuy vậy, bánh kẹo là mặt hàng không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến nên Bibica đã khẩn trương bắt tay làm hàng tết, cơ cấu sản phẩm với khoảng 70 chủng loại từ bình dân đến cao cấp để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Thực phẩm chế biến như đồ hộp thịt heo, cá… cũng được các doanh nghiệp lớn như Vissan, C.P Việt Nam, Ba Huân tăng cường nhập nguyên liệu, tuyển thêm lao động… để kịp sản xuất hàng hóa phục vụ cho mùa tết.
“Chúng tôi có kế hoạch đầu tư hơn 754 tỷ đồng chuẩn bị hơn 2.800 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 8% và hơn 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ. Hiện công ty đang tuyển thêm nhân sự, tăng ca để sản xuất đủ nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường tết, nhất là những mặt hàng như lạp xưởng, giò chả, xúc xích và một số sản phẩm mới như thịt tẩm ướp coca…”, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, chia sẻ.
Cân đối để giữ giá ổn định
Nếu như các năm trước, thị trường tết luôn được dự báo sôi động với sức mua tăng gấp đôi, gấp ba so với tháng thường, thì năm nay, sau giai đoạn dịch bệnh kéo dài, nhiều nhà sản xuất, phân phối nhận định có thể sức mua sẽ giảm sút. Mặt khác, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết cũng gặp một số vướng mắc vì hoạt động lưu thông hàng hóa chưa hồi phục hoàn toàn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, có khả năng khiến giá thành sản phẩm tăng 20%-30% so với trước.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cho biết đang cố gắng tính toán để cân đối chi phí sao cho giá thành sản phẩm không bị đội lên quá nhiều, vượt khả năng chi trả của người lao động.
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi cho biết, đến nay, tất cả doanh nghiệp trong ngành đã trở lại sản xuất an toàn, đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch với 80%-100% công suất. Hầu hết doanh nghiệp đều tăng công suất, tăng ca để tăng lượng hàng hóa, ổn định giá cả, đảm bảo cung cấp hàng hóa đầy đủ cho người dân trong dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán.
Cùng với sức mua đang tăng trở lại ở thị trường nội địa, thì sức mua tại thị trường thế giới cũng đang tăng mạnh. Nếu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 10-2021 chỉ đạt 28,87 tỷ USD thì đến tháng 11-2021 đã đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM Nguyễn Văn Bé, cho biết, 1.500 doanh nghiệp trong KCX-KCN đã trở lại hoạt động bình thường, đa số tăng công suất 100%.
Hiện các doanh nghiệp cũng như chủ đầu tư hạ tầng KCX-KCN đang phối hợp chặt chẽ cơ quan y tế để đảm bảo xử lý kịp thời trường hợp công nhân là F0, tránh gián đoạn hoạt động sản xuất, đảm bảo cho các doanh nghiệp có thể tự tin nhận đơn hàng mới trong năm 2022.