Đẩy mạnh đầu tư vào những ngành mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi thế từ hiệp định thương mại là chiến lược mà doanh nghiệp Thái Lan đang thực hiện. Trong đó, trước mắt, sẽ có 40 doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư mạnh vào các hoạt động sản xuất quần áo, nguyên phụ liệu dệt may và những hàng thời trang liên quan đến va li, túi xách, da thuộc… Đặc biệt, việc đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan được thực hiện linh động thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc tìm kiếm đối tác là doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực này để cùng liên kết, liên doanh.
Doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư mạnh vào ngành thời trang và nguyên phụ liệu dệt may, da giày tại Việt Nam
Nhận định về lợi thế đầu tư tại Việt Nam, đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại Thái Lan cho biết, hiện Thái Lan chưa là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do. Do đó, việc doanh nghiệp Thái Lan sẽ phải tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển tại Việt Nam là rất cần thiết nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, thậm chí đây còn được xem là yếu tố sống còn trong bối cảnh nhiều nước ký kết hiệp định thương mại tự do trong đó có Việt Nam và dần đưa mức thuế suất về còn 0%. Chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Thái Lan sẽ tận dụng lợi thế giảm được thuế xuất khẩu hàng hóa theo cam kết ưu đãi mà hiệp định thương mại tự do mang lại cho Việt Nam. Không chỉ vậy, Việt Nam có lợi thế hơn vì đang có nguồn lao động dồi dào, tay nghề cao, giá nhân công rẻ. Diện tích đất để thu hút hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dồi dào, nhất là khu vực Đông Nam bộ và khu vực miền Tây.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, giữa Việt Nam và Thái Lan có nhiều điểm tương đồng về trình độ khoa học kỹ thuật, thị hiếu tiêu dùng. Hơn nữa, doanh nghiệp Thái Lan vốn có lợi thế về khâu dệt và thiết kế trong khi hai khâu này lại rất thiếu và yếu với doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, sự hợp tác này sẽ giúp các nước trong khối nói chung và hai nước nói riêng tăng cường phát triển nguồn nguyên phụ liệu, hướng đến giảm dần lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, là trong bối cảnh sau khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đang có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đang dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam nhưng chỉ đầu tư khép kín mà không có sự chia sẻ cần thiết về nguồn nguyên liệu sản xuất nội địa. Ngoài ra, sự kết nối, hợp tác trong lĩnh vực dệt may, da giày giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Thái Lan là một phần trong việc chuẩn bị cho các cơ hội kinh doanh khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập vào cuối năm 2015. Đại diện Chính phủ Thái Lan cũng cho biết thêm, cùng với sự đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, Thái Lan cũng mong muốn đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan. Hiện cộng đồng người Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan đã lên đến khoảng 50.000 người. Dự kiến, trong thời gian tới, Thái Lan sẽ tăng số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này lên khoảng 500.000 người.
MINH XUÂN