Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống. Tuy nhiên, việc phòng chống và ứng phó với BĐKH lại chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các doanh nghiệp.
Nhiều hậu quả nghiêm trọng
Bà Nguyễn Thái Thúy Hoa, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ TPHCM, cho biết, hầu hết các doanh nghiệp (DN) vẫn chưa quan tâm đến việc lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai, thiếu những ví dụ điển hình và những bài học thực tế của DN phù hợp với tình huống hiện tại. Hầu hết các kế hoạch của DN thường vẫn chung chung, thiếu cụ thể và thậm chí chưa bao giờ được kiểm tra để áp dụng phù hợp với thực tế. Theo khảo sát, có 6% DN không quan tâm đến phòng chống thiên tai hoặc không nhận thức được lợi ích của việc phòng chống thiên tai; 46% DN có quan tâm nhưng chưa có kế hoạch phòng chống và ứng phó với thiên tai; 59% DN chưa có hoạt động duy trì dọn dẹp đường sá… Vì thế, mức độ rủi ro đối với các DN là rất cao. Khoảng 85% DN bị bão tấn công, bị lũ lụt; 12% DN bị lốc xoáy. Có 60% DN bị thiệt hại, trong đó có 5% DN chịu thiệt hại rất nặng nề. Thiệt hại chủ yếu ở nhà xưởng (52%), thiết bị (41%) và hàng hóa (47%). Nguyên nhân gây lũ lụt ở TPHCM có thể kể đến như khai thác nước ngầm, xây dựng nhà cao tầng, phát triển đô thị không được kiểm soát.
Bà Phạm Kim Ngân, Văn phòng biến đổi khí hậu TPHCM, cho biết, theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TPHCM nằm trong danh sách 10 thành phố bị đe dọa nhiều nhất bởi BĐKH. Từ năm 1960 đến 2005, nhiệt độ tăng lên khoảng 0,020C, riêng từ năm 1991 đến 2005 tăng lên khoảng 0,0330C. Hiện tại, có 154 xã, phường của TPHCM thường xuyên bị ngập úng. Đến năm 2050, dự báo con số này sẽ lên đến 177 điểm, chiếm 61% diện tích của thành phố. Không dừng lại ở đó, các khu vực nông nghiệp ngoại thành và các tỉnh lân cận do nằm trong vùng thấp nên chịu ảnh hưởng bởi hệ thống nước sông khi triều cường và mưa lớn cùng việc xả lũ của các hồ chứa nước trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, đã làm vỡ đê bao, tạo nên ngập úng sâu và kéo dài gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư. Những cơn mưa lớn trên 100mm xuất hiện nhiều hơn, kết hợp với triều cường làm cho những điểm ngập lụt tại các khu vực, đường phố trở nên phổ biến hơn.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo ông Bảo Thạch, Phân viện trưởng Phân viện khí tượng thủy văn và Môi trường phía Nam, BĐKH là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu. Để chủ động ứng phó với BĐKH, phải tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ. Trong đó, thích ứng với BĐKH là trọng tâm, coi giảm nhẹ khí nhà kính là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Theo ông Bảo Thạch, thích ứng với BĐKH cần được lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các quy mô, với quan điểm chủ đạo là một quá trình liên tục, trải qua nhiều thập kỷ với những nhu cầu riêng biệt, nhưng liên quan với nhau ở các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đầu tư cho các biện pháp thích ứng với BĐKH, cụ thể là đầu tư cho những cơ sở hạ tầng ven biển, giao thông, năng lượng, nông nghiệp có khả năng chống chịu các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ giảm được những chi phí lớn trong tương lai. Ngoài ra, việc giảm phát thải khí nhà kính, khí các-bon cũng cần được coi là hướng tiếp cận quan trọng. Để thực hiện được điều đó, chúng ta nên làm theo mô hình tăng trưởng xanh – các-bon thấp. Trong đó, cần đặt mục tiêu giảm nhẹ phát thải để bảo đảm an ninh năng lượng và đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng. Trong lĩnh vực tài chính, chúng ta cần có một chiến lược đầu tư cho cả thích ứng và giảm nhẹ BĐKH, khuyến khích các cơ chế sáng tạo, bao gồm cải cách tài chính để cạnh tranh và bảo đảm đầu tư quy mô lớn, kết hợp giữa các nguồn tài chính khác nhau, nhất là tận dụng các nguồn hỗ trợ tài chính từ những tổ chức quốc tế.
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Đào Anh Kiệt nhìn nhận, sự phát triển nhanh chóng của TPHCM đã tạo áp lực đối với việc cải thiện nâng cao điều kiện môi trường sống cho người dân. Nhiều ngành công nghiệp chậm đổi mới công nghệ và thiết bị hiện đại, quản lý ô nhiễm môi trường của chủ nguồn thải công nghiệp còn yếu kém, nước thải, khói bụi chưa được xử lý. Việc ngập lụt sẽ gây khó khăn và tốn kém nhiều hơn cho việc phát triển thành phố sang các đô thị vệ tinh mới. Một thách thức nữa là nhận thức của mọi người về ảnh hưởng của BĐKH diễn biến một cách chậm rãi nên khó thấy ngay nguy cơ trước mắt. Trước thực trạng này, thành phố đã xây dựng một chiến lược hành động thích ứng với BĐKH hướng đến mục tiêu một thành phố phát triển xanh - sạch - đẹp và bền vững. Đồng thời, phải tăng cường, đẩy mạnh hợp tác quốc tế đặc biệt đối với các thành phố, khu vực trên thế giới có nhiều kinh nghiệm ứng phó và khả năng thích ứng cao với BĐKH. Nâng cao nhận thức cho người dân, DN về những hậu quả của BĐKH để mọi người cùng chung tay giảm nhẹ và thích ứng.
MINH HẢI