Doanh nghiệp thủng thẳng về đích

Hàng năm, bước vào quý 4 các doanh nghiệp (DN) thường tăng tốc để về đích sớm cũng như chuẩn bị cho mùa sản xuất kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết DN chỉ sản xuất kinh doanh cầm chừng, chưa vội vàng đẩy mạnh nguồn hàng do lo ngại đầu ra bế tắc.
Doanh nghiệp thủng thẳng về đích

Hàng năm, bước vào quý 4 các doanh nghiệp (DN) thường tăng tốc để về đích sớm cũng như chuẩn bị cho mùa sản xuất kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết DN chỉ sản xuất kinh doanh cầm chừng, chưa vội vàng đẩy mạnh nguồn hàng do lo ngại đầu ra bế tắc.

Vừa làm vừa thăm dò thị trường

Ghi nhận thực tế cho thấy, hầu hết DN cho biết năm 2013 sản xuất kinh doanh “dễ thở” hơn những năm trước, đặc biệt từ thời điểm ngân hàng hạ lãi suất và săn đón cho vay trở lại. Dù vậy, do lượng hàng sản xuất ra hoặc mua về thời điểm trước đây chưa bán được, còn tồn kho khá nhiều nên chưa vội tăng công suất, nhập thêm hàng về.

Tại Công ty TNHH SX TM Minh Ngọc, quận Tân Phú TPHCM, gồm một phân xưởng giày dép rộng gần 500m2 với các dây chuyền được trang bị hoành tráng, mới toanh nhưng chỉ lác đác vài công nhân. Trong khi đó, tại kho chứa hàng của công ty này đầy ắp hàng hóa gồm giày dép các loại được đóng gói, xếp ngay ngắn. “Vừa rồi, ngân hàng hạ lãi suất và cho chúng tôi đáo hạn vay lại để đầu tư thêm dây chuyền mới, mở rộng quy mô sản xuất. Sau đó, chúng tôi đã tuyển công nhân cũng như tăng công suất các đơn hàng mới. Nhưng hiện nay, nhiều khách hàng dù đã ký hợp đồng và ứng trước tiền cho công ty nhưng hàng làm xong họ vẫn chưa vội lấy do bán đơn hàng cũ chưa hết. Do vậy, chúng tôi cho nghỉ bớt công nhân khi nào hàng gấp sẽ tuyển lại, còn hiện giờ chỉ giữ lại các công nhân làm việc lâu năm để thực hiện các khâu thành phẩm” - bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Công ty Minh Ngọc, chia sẻ.

Sản xuất hàng tiêu dùng tại một vài công ty có sản lượng chưa cao do sức mua thị trường còn thấp. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất hàng tiêu dùng tại một vài công ty có sản lượng chưa cao do sức mua thị trường còn thấp. Ảnh: CAO THĂNG

Tương tự, ông Phạm Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Quang Long, huyện Hóc Môn, cho biết năm 2013 công việc thuận lợi hơn trước, tính đến hết tháng 9 DN đã đạt 75% kế hoạch năm. Tuy nhiên, thời điểm này khách đặt hàng khá dè dặt, thường chỉ những đơn hàng nhỏ lẻ khiến DN khó dự báo được năng lực sản xuất từ nay đến cuối năm. “Khách hàng ký hợp đồng “mở”, làm đến đâu đặt hàng đến đó. Họ cho biết do sức mua yếu nên phải vừa sản xuất vừa thăm dò thị trường mới dám đặt thêm hàng để tránh ứ đọng không bán được như thời điểm trước đây”, ông Long cho biết.

Ở lĩnh vực vật liệu xây dựng, thông thường từ thời điểm này đến cuối năm được xem là mùa cao điểm do hàng loạt công trình phải gấp rút hoàn thành để đưa vào nghiệm thu, quyết toán và hàng loạt công trình sửa sang mới để đón tết sẽ tạo nguồn cầu lớn. Thế nhưng, hầu hết các DN sản xuất kinh doanh lĩnh vực này hiện vẫn “bình chân như vại”. “Hàng hóa còn chất đống thế này, trong khi mấy ngày qua mưa liên tục làm sao bán được. Riêng lượng hàng này, cộng với số lượng còn lại trong hợp đồng công ty đã ký kết với các nhà cung cấp, có lẽ đủ để bán từ nay đến tết, không cần nhập thêm hàng vì sức mua hiện vẫn chậm”, bà Bùi Thị Thoan, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Hoàng Sơn (quận Tân Phú) tâm sự. Theo các DN thép và xi măng, do dự báo sức mua chưa được cải thiện nên hầu hết các DN đều ngừng hoặc sản xuất cầm chừng từ cuối tháng 9-2013. Hiện một số DN chỉ bắt tay vào sản xuất hàng cuối năm nhưng dành cho xuất khẩu, riêng hàng trong nước sẽ tăng năng suất khi có tín hiệu khởi sắc.

        Đẩy mạnh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp

Theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả trong những tháng cuối năm 2013 và giai đoạn tới, ngoài việc tháo gỡ những vướng mắc, trở ngại trong giải quyết hàng tồn kho và tạo đầu ra dồi dào, cần tập trung tăng cường cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài. Trong đó, cần chú trọng các chương trình hỗ trợ phát triển DN cũng như chính sách thuế phù hợp.

Bộ Công thương cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tăng cường theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh của các ngành, phối hợp tốt với các hiệp hội trong việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục theo dõi thường xuyên mức tăng tồn kho hàng nội địa, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; làm tốt công tác thông tin, dự báo thị trường; theo dõi, đánh giá và dự báo khả năng xuất khẩu vào các thị trường.

Đối với thị trường trong nước, hướng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, triển khai các chương trình bình ổn thị trường, giá cả một cách có hiệu quả; hoàn thiện hệ thống phân phối trên thị trường, tổ chức tốt việc gắn kết giữa người sản xuất với DN nhằm giảm thiểu chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm, góp phần ổn định giá cả hàng hóa. Đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo. Tuyên truyền và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra giám sát về chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, ổn định thị trường.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục