Trong sân chơi toàn cầu đầy hấp dẫn này, không phải DN nào cũng chủ động thích nghi, mà điển hình thời gian gần đây vẫn tiếp tục rộ lên tình trạng các lô hàng thực phẩm, rau củ quả xuất khẩu từ Việt Nam bị một số quốc gia tiêu hủy hoặc trả về do phát hiện hàm lượng chất cấm vượt ngưỡng cho phép.
Doanh nghiệp thụ động?
Gần đây, nhiều lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang một số thị trường tên tuổi bị trả về hoặc tiêu hủy, đồng thời doanh nghiệp (DN) bị xử phạt hàng tỷ đồng, có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu… là thực tế không mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, “mở toang” cánh cửa giữa các quốc gia, các thị trường như hiện nay thì đây quả thực đáng báo động. Bởi lỗi này không chỉ riêng nông dân, nhà sản xuất gây ra, mà chính DN xuất khẩu cũng có lỗi. Do vậy, nhất thiết các DN cần phải tìm hiểu kỹ quy định về nhập khẩu nông sản tại từng quốc gia, có những nước đề ra quy định rất cao và ngược lại, có nước quy định việc sử dụng chất cấm, dư lượng thuốc trừ sâu với các tiêu chí thấp.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Úc, DN trong nước có nhu cầu tìm hiểu các quy trình, điều kiện xuất khẩu hàng hóa sang Úc đều được hỗ trợ cặn kẽ, nhiệt tình. Điển hình như năm vừa qua, trái thanh long tươi đã chính thức được Úc nhập khẩu từ Việt Nam sau trái vải và xoài. Tất nhiên, để được Úc chấp nhận, các DN Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các quy định chi tiết về nhập khẩu, mà các thông tin này đều được công bố công khai, rộng rãi trên trang thông tin điện tử của Thương vụ Việt Nam tại Úc. Ví dụ như, các quy định nhập khẩu rau quả, thảo mộc tại Úc; DN Úc cần tìm mua bột gạo, phụ gia…
Chia sẻ với phóng viên tại một ngày hội xuất khẩu nông sản ở TPHCM, ông Nguyễn Văn Tâm, giám đốc DN chuyên xuất khẩu thanh long (trụ sở tại Bình Thuận) nói thẳng, quy trình ươm trồng, chăm sóc để cho ra các sản phẩm đạt chất lượng đúng tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu cần sự đầu tư, trách nhiệm. DN chỉ cần lơ là, khoán trắng cho các hộ nông dân tự tuân thủ quy trình sẽ gặp nhiều rủi ro.
Bài học “ôm hàng” trả về được bà Mai Lam, Giám đốc Công ty L.M (quận 3, TPHCM) chuyên doanh rau củ quả kể lại và xem như đây là “học phí kinh doanh” đầy chua chát cho đầu năm 2018. Được biết, lô hàng rau quả được bà lấy từ các mối thân quen, có giám sát, kiểm định từ Lâm Đồng, sau đó xuất sang Singapore cách nay vài tuần. Thế nhưng hàng chục tấn rau củ này đều bị giữ tại cảng nước bạn, có nguy cơ tiêu hủy, thậm chí mất thị trường do nhiễm thuốc trừ sâu.
“Không những mất hàng mà doanh nghiệp còn bị mất uy tín với đối tác, chưa kể các khoản chí phí phát sinh, đền bù thiệt hại cho phía đối tác, cũng như duy trì sản xuất, kinh doanh trong nước… Sau cú ngã ngựa này, doanh nghiệp tỉnh ra rất nhiều”, bà Mai Lam nói.
Thích nghi để phát triển
Ở hầu hết các cuộc hội thảo liên quan đến việc tìm đầu ra cho các DN chuyên doanh hàng nông sản trong nước, phần lớn ý kiến đều quan tâm đến việc làm sao hỗ trợ, nâng cao nhận thức, tính tự giác của người nông dân trong chuỗi sản xuất của họ. Chẳng hạn như thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn như VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm hướng hữu cơ… Thế nhưng, thử hỏi có bao nhiêu nông dân trên khắp nước ta đảm bảo chủ động, tự nguyện đáp ứng đúng quy trình sản xuất như hướng dẫn. Hay ngược lại, họ chỉ làm qua loa để bán sản phẩm đại trà, với giá hàng chợ, vì số lượng là chính mà quên đi chất lượng sản phẩm? Hoặc như phổ biến tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng” (một luống, một chuồng để ăn; còn lại để bán). Những trăn trở này cũng liên tục được dư luận đặt ra. Mà gần đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhấn mạnh tới việc kết hợp quản lý nhà nước, với thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền để bà con nông dân không sản xuất bẩn, sản xuất ẩu…
Để có một bề dày hoạt động ổn định, trơn tru, thông qua việc các đơn hàng từ Việt Nam xuất đi không bị trả về, nhiều DN lớn từng tâm sự rằng, những lô hàng xuất khẩu đầu tiên luôn khiến họ hồi hộp, lo sợ nhất. Mà một trong những nguyên nhân chính là không đáp ứng các tiêu chí, quy định xuất khẩu của nước bạn. Riêng với các mặt hàng nông sản của nước ta, thì hàng hóa bị phát hiện chứa chất cấm vượt ngưỡng cho phép thường là nguyên nhân chính “giết” DN… Do vậy mới có câu chuyện, mặc dù đã kiểm tra rất kỹ ở Việt Nam nhưng khi qua nước bạn vẫn bị giữ lại.
Các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo, các nhà sản xuất trong nước phải chủ động nâng cao, giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm; đồng thời mời những kỹ sư, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực từ các nước phát triển qua Việt Nam để hướng dẫn. Song song đó, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng nên thường xuyên phối hợp với các địa phương, DN trong nước để thông tin kịp thời về nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng rau củ quả ở các quốc gia trên thế giới, hỗ trợ DN Việt tìm đầu ra cho sản phẩm.