Doanh nghiệp tự tin hội nhập

Bình quân mỗi năm, Việt Nam có khoảng 120.000 doanh nghiệp (DN) mới được thành lập. Đây là con số ấn tượng, tạo động lực cho DN tiếp tục trên con đường phát triển, tự tin hội nhập sân chơi toàn cầu.
Doanh nghiệp trong nước sử dụng dây chuyền sản xuất tiên tiến. Ảnh: CAO THĂNG
Doanh nghiệp trong nước sử dụng dây chuyền sản xuất tiên tiến. Ảnh: CAO THĂNG

Những con số ấn tượng

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 11-2019, số lượng DN thành lập mới đạt mức cao với gần 12.300 DN, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng qua, tổng số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 163.600 DN, tăng 6,8%. Đáng chú ý, vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 11 tháng đạt mức khá cao với 12,4 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, khu vực kinh tế tư nhân nổi lên, trở thành động lực tăng trưởng trong nền kinh tế.

Với những kết quả nêu trên, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá, Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67/141 nền kinh tế được xếp hạng, tăng 10 bậc trong vòng 1 năm vừa qua. Việt Nam cũng được ghi nhận là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Việt Nam đạt được kết quả cao trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 là kết quả bước đầu minh chứng cho những nỗ lực trong công cuộc cải cách mà Chính phủ tiến hành suốt thời gian qua. Thực tiễn đã chứng minh dư địa và nguồn lực lớn nhất của tăng trưởng vẫn là cải cách thể chế và tinh thần khởi nghiệp của DN trong nước.

Điều này cho thấy quyết tâm và các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ và các bộ ngành, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, để can dự sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu rất cần hành động cụ thể và sự hợp tác, nỗ lực cao từ cả hai phía Chính phủ và DN.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, khi Việt Nam gia nhập, thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì mức độ cạnh tranh tăng rất nhanh, gây sức ép đối với mỗi DN sản xuất kinh doanh. Do đó, trong bối cảnh mới, DN phải ý thức phải cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, không chỉ thuần túy ở trong nước. Đây là vấn đề cần cảnh báo cũng như để khuyến nghị mỗi DN tự đặt câu hỏi đã tham gia được bao nhiêu phần trăm trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Đồng thời, để tiến lên công đoạn tạo giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, mỗi DN phải nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh được với DN các quốc gia khác.

Tận dụng tốt lợi thế

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, những con số nêu trên là tiền đề và đồng thời tạo ra những động lực thúc đẩy các DN tiếp tục phấn đấu sản xuất kinh doanh trong năm 2020. Tuy nhiên, để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, hiệp hội DN có những chính sách tháo gỡ những khó khăn của DN. Trong đó, qua khảo sát cho thấy, trên 80% DN mong muốn nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và cải thiện môi trường pháp lý. Bởi đây là rào cản mà nhiều DN đánh giá có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt, những nội dung còn chồng chéo, thiếu rõ ràng, phức tạp trong pháp luật về đầu tư sản xuất kinh doanh. Việc chồng chéo này sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, khiến DN phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất thời gian, chi phí giao dịch tốn kém, đình trệ hoạt động... 

Bên cạnh đó, DN cần Nhà nước tăng cường các biện pháp hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra thông qua các hình thức như hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu thị trường.

“Dù nhiều tổ chức dự báo kinh tế thế giới trong thời gian tới suy giảm, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng trong những năm tới. Việt Nam được lợi thế từ quá trình chuyển dịch vốn đầu tư và đang trở thành tâm điểm của dòng vốn đầu tư trong khu vực với các cơ hội rộng mở trên nhiều lĩnh vực như tài chính, bất động sản, thực phẩm đồ uống... Bên cạnh đó, có nhiều cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam khi vừa ký kết các hiệp định thương mại RCEP, CPTPP và EVFTA, cùng những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, nhận định.

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không chỉ cần vượt qua chính mình mà đòi hỏi phải tiến kịp và vượt qua quốc gia khác. Đây là một thách thức không nhỏ đòi hỏi nỗ lực của cả Chính phủ và bản thân các DN, từ nhận thức đến hành động cụ thể và quyết liệt.

Về phía Chính phủ, cần thực thi một cách đầy đủ và kịp thời các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Chính phủ đã đề ra trong nhiều năm qua. Cùng với tiến triển của cải cách, áp lực cạnh tranh đối với DN sẽ ngày càng cao, do rào cản pháp lý về gia nhập thị trường được gỡ bỏ, sẽ có nhiều DN mới tham gia và cạnh tranh với DN hiện tại.

Do đó, DN cần phải tự chủ động, quyết liệt nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt lưu ý là phải có chiến lược kinh doanh dài hạn, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là nâng cao quản trị DN, giữ chữ tín trong kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục