Doanh nghiệp Việt khó đưa hàng vào siêu thị

Ngày 8-12, trong khuôn khổ Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa 2017, Sở Công thương đã tổ chức buổi đối thoại trực tiếp giữa hệ thống phân phối, thu mua hàng đầu tại TPHCM, các chợ đầu mối nông sản thực phẩm với các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đến từ 40 tỉnh, thành của cả nước nhằm tăng khả năng đưa hàng hóa vào các kênh phân phối của TPHCM. 
Một trong những vấn đề được các đại biểu đặt ra là khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước còn yếu vì nhiều nguyên nhân. 
Doanh nghiệp Việt khó đưa hàng vào siêu thị ảnh 1 Doanh nghiệp tỉnh Phú Yên giới thiệu sản phẩm khô bò một nắng tại hội chợ kết nối cung cầu hàng hóa.           Ảnh: Cao Thăng
 Chi phí đưa hàng vào siêu thị chiếm hơn 30% doanh thu 

Phát biểu tại hội thảo, hầu hết các đại biểu cho rằng, hiện nay mối quan hệ giữa cung cầu hàng hóa là không bình đẳng. Vấn đề này đã diễn ra từ nhiều năm qua, gây nản lòng các nhà sản xuất. Nguyên nhân chính là chúng ta đang có quá nhiều các nhà sản xuất hàng hóa ở dạng nhỏ, lẻ nên năng lực tổ chức sản xuất và cung ứng có hạn, trong khi đó hệ thống phân phối kinh doanh theo chuỗi vẫn chưa phát triển đúng tầm. Riêng tại TPHCM, mặc dù lĩnh vực bán lẻ theo hướng văn minh hiện đại phát triển mạnh mẽ, với sự có mặt của nhiều thương hiệu bán lẻ hàng đầu trong khu vực nhưng đến nay cũng mới chỉ có 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại (TTTM), 239 chợ truyền thống và hơn 1.100 cửa hàng tiện lợi. 

Trên thực tế, với quy mô dân số như TPHCM thì phải có 100 TTTM, 1.000 siêu thị và 10.000 cửa hàng tiện ích. Chính vì vậy, những nhà sản xuất nhỏ, các cơ sở sản xuất làng nghề với hạn chế về năng lực tài chính rất khó đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại. Nếu có đưa được hàng vào thì càng khó tồn tại, duy trì vị trí quầy kệ. Điều này đồng nghĩa, các DN sản xuất luôn ở thế kèo dưới, còn nhà phân phối lại có rất nhiều quyền lựa chọn.

Ông Ngô Đức Sinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình), DN hàng đầu cung ứng mặt hàng măng các loại, cho rằng, mặt yếu của công tác đặt hàng tại hầu hết các nhà phân phối là theo cảm tính, không dựa trên sự tính toán, cân đối hàng hóa một cách khoa học, không dựa theo mùa vụ. Hơn nữa, việc đặt hàng cho cả chuỗi cũng chỉ giao cho một người đảm nhiệm, đây là điều rất vô lý, tạo điều kiện cho tiêu cực nảy sinh. Theo lý giải của ông Sinh, để đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm, các DN nhỏ và vừa buộc phải có sự đầu tư rất lớn về tài chính để hoàn thiện quy trình sản xuất, quản lý. “Việc đưa công nghệ thông tin vào hệ thống quản trị đang phát triển như vũ bão, nhưng các nhà phân phối lại chưa thực hiện tốt vấn đề này. Tôi mong muốn trong thời gian tới việc đặt hàng cần phải được thực hiện một các bài bản, khoa học hơn để tránh tình trạng nơi cần bán thì không có hàng, nơi dư thừa hàng hóa vì phân phối thiếu khoa học”, ông Sinh kiến nghị. 

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hương Quê (Đà Nẵng), bức xúc cho rằng, cần phải bình đẳng mối quan hệ giữa bên mua và bán, chứ không phải là “xin - cho”. Trên thực tế, người đứng đầu tại nhiều hệ thống phân phối rất cởi mở nhưng khi xuống đến nhân viên đã không đặt sự công bằng lên hàng đầu. Cùng một sản phẩm nhưng đơn vị này có thể đưa vào nhưng DN khác thì bị áp đặt những tiêu chí rất ngặt nghèo, khiến cho họ nản lòng. Do vậy, bản thân các hệ thống phân phối phải làm việc lại với chính cấp dưới của mình nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tiếp cận bình đẳng. Trong quá trình hợp tác, các siêu thị cần chấm điểm cho các nhà cung cấp, cần cải tiến phương thức thanh toán từ ký gửi sang “mua đứt, bán đoạn” để tạo điều kiện cho DN đầu tư, nâng cấp và phát triển sản phẩm mới. 
Doanh nghiệp Việt khó đưa hàng vào siêu thị ảnh 2 Mua đặc sản khô tại gian hàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu       Ảnh: CAO THĂNG
 Liên quan đến chi phí đưa hàng vào siêu thị, nhiều DN cho rằng phí rất cao. Theo tính toán của bà Trần Thị Kim Nhung, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kim Đông Thuận (Đồng Nai), chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm, chi phí vào siêu thị chiếm hơn 30% doanh thu bán hàng. Bên cạnh chi phí cao thì phương thức thanh toán còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn, khi công ty bán hàng cho BigC hoặc Metro thì hợp đồng ghi thời gian thanh toán là 30 ngày nhưng thường kéo dài 40-50 ngày, gây rất nhiều khó khăn, làm triệt tiêu động lực phát triển của DN.
Phải gỡ bỏ các thủ tục rườm rà Trong buổi thảo luận vào buổi chiều cùng ngày, với chủ đề kết nối hàng hóa vào hệ thống phân phối truyền thống, hầu hết các đại biểu bức xúc vì việc đưa hàng hóa ra thị trường gặp nhiều cản ngại. Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Phương Khoa, Vũng Tàu (chuyên sản xuất mặt hàng jambon, xúc xích) cho biết, công ty chấp nhận sản phẩm giữ lạnh để bảo quản chứ không dùng hóa chất nên việc xâm nhập thường khó khăn. Trong suốt 20 năm mày mò để sản xuất, công ty đã trở thành đơn vị chủ lực cung ứng các mặt hàng này cho các giàn khoan, nhưng việc tiếp cận với hệ thống siêu thị lại rất khó khăn. Nguyên nhân chính là Bộ NN-PTNT yêu cầu phải kiểm dịch cho từng lô hàng, như vậy 1 lô hàng 20kg, DN phải tốn thêm 200.000 đồng để tái kiểm dịch, khiến giá cả đội lên rất cao. Theo ông Phương, người tiêu dùng hoàn toàn có thể sử dụng được các sản phẩm có chất lượng, an toàn thực phẩm với giá cạnh tranh nhưng với quy định của Bộ NN-PTNT đã khiến phí chồng phí, làm DN phải rút hàng khỏi các siêu thị; phải gỡ bỏ quy định rườm rà, bất hợp lý gây khó cho DN. Phát biểu tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, để tránh tình trạng hàng sản xuất rất tốt nhưng lại không tìm được đầu ra hoặc phải qua quá nhiều tầng nấc trung gian làm đội giá sản phẩm thì cần phải tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình kết nối cung cầu, tạo ra không gian trao đổi và mua bán cho các DN. Cách làm này hiện đã được TPHCM triển khai khá tốt nhưng tại các tỉnh thì còn nhiều hạn chế. Tại các hội chợ cũng cần hỗ trợ về chi phí cho DN ở các tỉnh, nếu cùng một lúc vừa phải lo chi phí gian hàng, vừa lo chi phí nhân công... thì vô hình trung việc tham gia hội chợ sẽ làm tăng gánh nặng cho DN.  Nếu không tạo điều kiện cho họ tham gia giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác thì các DN nhỏ mãi mãi sẽ không thể phát triển.  Theo khuyến cáo của bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, tự thân các DN, các đơn vị cũng cần tích cực trong tìm kiếm cơ hội làm ăn trên cơ sở có sự hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước với vai trò là trung gian, cầu nối. Trong quá trình hợp tác, các nhà sản xuất phải xác định được các mặt hàng chủ lực là gì, chiến lược giá và đối thủ cạnh tranh là ai để bàn bạc với nhà phân phối nhằm đảm bảo tiêu chí hai bên cùng có lợi thì việc kết nối cung cầu mới phát triển bền vững.  Ở tầm vĩ mô, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại của cả nước còn chậm, chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Nói cách khác, quy hoạch mạng lưới thương mại chưa theo kịp với tốc độ và nhu cầu thị trường. Tại nhiều vùng, miền vẫn chưa xây dựng được các chợ đầu mối về nông sản, thực phẩm để làm đầu mối trung chuyển hàng hóa về nơi tiêu thụ. Tại nhiều tỉnh, thành, số lượng các chợ, siêu thị còn quá ít so với mật độ dân số.  Để giải quyết bài toán cung cầu hàng hóa, Nhà nước cần nhanh chóng đầu tư thỏa đáng để phát triển hệ thống phân phối, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại nội địa, tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Thực tế chỉ ra rằng, thời của các DN “sống” bằng xuất khẩu đang qua đi, thay vào đó là thị trường trong nước hơn 90 triệu dân, với rất nhiều tiềm năng về sức mua, trở thành “phao cứu sinh” cho nhiều DN trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị co lại. Nếu được đầu tư và khai thác đúng mức, thị trường trong nước sẽ thúc đẩy sản xuất và phân phối phát triển toàn diện.

Tin cùng chuyên mục