
Bộ Công thương phối hợp với UBND TPHCM tổ chức họp triển khai về những thách thức và cơ hội hội nhập cho doanh nghiệp khu vực phía Nam. Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, cho biết, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Thương mại tự do (WTO) sẽ thiết lập trật tự sản xuất, thương mại mới trên thế giới. Việc chậm tham gia thích ứng với trật tự này sẽ khiến doanh nghiệp có nguy cơ bị tụt hậu hoặc phá sản, sáp nhập.
Mơ hồ cả về cơ hội lẫn thách thức
Việt Nam cũng như các nước tham gia đàm phán đã kỳ vọng TPP, AEC hay WTO sẽ tạo ra một mô hình hợp tác kinh tế mới cho khu vực, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại và đầu tư. Bởi nguyên tắc chung của các hiệp định là đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với tất cả các dòng thuế. Về thuế xuất nhập khẩu, Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 90% biểu thuế xuất khẩu theo lộ trình (tương đương 500 dòng thuế), chỉ giữ lại hơn 70 dòng thuế có ý nghĩa quan trọng đối với thu ngân sách như dầu thô và các loại than đá mà Việt Nam có sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, thuận lợi không tự nhiên có nếu như doanh nghiệp Việt Nam không chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nhất là vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu sản xuất, cải tiến dây chuyền, công nghệ máy móc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động và nhanh nhạy trong việc tìm hiểu về nội dung cam kết liên quan đến mặt hàng của mình trên các khía cạnh như thuế quan, quy tắc xuất xứ, biện pháp kỹ thuật, biện pháp phòng vệ... Nếu doanh nghiệp nội không nhanh trong việc xử lý những yếu kém tồn đọng trên thì chỉ có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam mới có thể khai thác và hưởng lợi từ các FTA mà Việt Nam tham gia.
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân Pace, cho biết, vấn đề là phần lớn doanh nghiệp nước ta còn rất mơ hồ về những thông tin liên quan đến các hiệp định thương mại. Trong số gần 500 doanh nghiệp được xem là đại diện của doanh nghiệp Việt Nam được nghiên cứu, hơn 50% doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về những cơ hội cũng như thách thức mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Cụ thể, 56,8% doanh nghiệp không quan tâm đến việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), tỷ lệ này là 40,9% đối với TPP và 33,4% với WTO. Chi tiết hơn nữa, có đến 85,5% doanh nghiệp không nắm được các điều khoản cụ thể của AEC, tỷ lệ này đối với TPP là 77,8% và WTO là 66,3%. Các doanh nghiệp chỉ mơ hồ nhận thấy rằng hội nhập sẽ là cơ hội để nâng cao và mở rộng thương hiệu, khẳng định vị thế quốc gia. Ngoài ra, những yếu tố về pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển cũng sẽ được thúc đẩy để cải thiện hơn. Cuối cùng là các yếu tố nội lực của doanh nghiệp như năng lưc cạnh tranh, thị trường mở rộng ngày càng tốt hơn. Thế nhưng, bên cạnh những nhận thức về tính tích cực, thì các doanh nghiệp lo ngại cho tích tiêu cực của tác động hội nhập hơn. 35,8% ý kiến cho rằng doanh nghiệp sẽ bị mất thị phần, mất khách hàng, 29,4% ý kiến cho rằng bị cạnh tranh khốc liệt. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lo ngại cho sự mất bảo hộ, mất nguồn lao động có chất lượng, nguy cơ phá sản, sáp nhập tăng, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những yếu tố này tập trung nhiều đối với vào doanh nghiệp nhà nước nhiều hơn doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nghiệp thích ứng với TPP, AEC, WTO sẽ có nhiều thuận lợi nâng cao sản xuất, mở rộng thương hiệu (Ảnh: CAO THĂNG)
Hỗ trợ doanh nghiệpnắm bắt cơ hội
“Thay đổi tâm thế trong chiến lược kinh doanh là rất quan trọng” - ông Giản Tư Trung khẳng định. Tâm thế của doanh nghiệp Việt là đối phó với tình thế. Điều này là nguyên nhân khiến cho nội lực phát triển doanh nghiệp và cũng là nguyên nhân khiến cho sau 1/4 thế kỷ mở cửa và phát triển, doanh nghiệp Việt vẫn mạnh về… gia công - một trong những loại hình kinh doanh nằm dưới đáy của chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm. Nếu chuyển sang tâm thế chinh phục thị trường thì cho phép doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, tiến dần đến những mắt xích có giá trị gia tăng cao trong chuỗi sản phẩm như ý tưởng, thương hiệu, marketing… Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho biết, để giảm thiểu những tác động tiêu cực cũng như phát huy những lợi thế từ các hiệp định thương mại, việc chủ động nắm bắt thông tin, từ đó hoạch định chiến lược đầu tư, kinh doanh phù hợp với môi trường hội nhập mới, nắm bắt xu hướng phát triển thị trường thương mại tự do trên thế giới là rất cần thiết đối với doanh nghiệp. Trong nhiều năm qua, thành phố không ngừng nỗ lực đưa ra những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng xã hội và doanh nghiệp tăng cường hội nhập kinh tế. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiến trình hòa nhập thị trường khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, ông Trần Khánh Chung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, nhấn mạnh cần phải thấy rằng, Hiệp định thương mại có phạm vi điều chỉnh rất rộng, không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, đầu tư, dịch vụ, mà còn cả các lĩnh vực phi truyền thống như cạnh tranh thương mại và môi trường, thương mại và lao động. Đặc biệt, TPP cũng bao gồm những vấn đề lần đầu tiên xuất hiện trong khuôn khổ một FTA như doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng… Các Hiệp định Thương mại tự do tháo dỡ hàng rào thuế quan, có tác dụng gián tiếp tăng cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, nhưng cơ hội kinh doanh không tự nhiên đến và doanh nghiệp phải giữ vai trò quyết định. Bên cạnh biểu thuế, cần lưu ý tìm hiểu quy định về quy tắc xuất xứ, vì đây là một trong những hàng rào kỹ thuật kiểu mới có thể hạn chế hoặc vô hiệu hoá ưu đãi về thuế. Mặt khác, trừng phạt khi khai báo sai xuất xứ đối với doanh nghiệp và cả ngành hàng cũng là vấn đề cần được quan tâm.
ÁI VÂN