Doanh nghiệp với trách nhiệm cộng đồng

Ngày 2-8, tại thủ đô Hà Nội, được bảo trợ của Bộ Công thương, Cục Xúc tiến thương mại, với sự phối hợp của Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Thương mại đã tổ chức lễ công bố kết quả cuộc bình chọn các doanh nghiệp (DN) thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc bình chọn, trao giải và tôn vinh các DN không chỉ kinh doanh giỏi mà còn thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng, thật có ý nghĩa, được dư luận xã hội và các DN quan tâm.

Ngày nay doanh nhân Việt Nam đang thực sự trở thành lực lượng xung kích trong công cuộc xây dựng đất nước. Doanh nhân không chỉ là lực lượng chủ lực làm ra của cải vật chất cho xã hội, mà họ còn có trách nhiệm đối với cộng đồng. Thực hiện trách nhiệm với cộng đồng vừa là tình cảm xuất phát từ con tim, vừa là bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ của các doanh nhân. Đó cũng chính là đạo đức của doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Ngày 13-10-1945, gửi thư cho các giới công - thương Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Đã 65 năm trôi qua, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.

Trong cuộc đua tranh làm giàu, làm ra nhiều của cải cho xã hội, các DN càng phải có trách nhiệm với cộng đồng, với nhân dân, với dân tộc. Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội; phát triển kinh tế đi liền với việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Đó cũng chính là tính ưu việt của chế độ ta, của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. DN làm tốt trách nhiệm với cộng đồng trước hết phải là một DN kinh doanh hiệu quả. Kinh doanh hiệu quả thì họ mới có đủ điều kiện về vật chất thực hiện nghĩa vụ với xã hội, thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước. DN làm tốt trách nhiệm với cộng đồng phải là DN tạo được sự đồng thuận trong các mối quan hệ giữa DN với người lao động (NLĐ), chăm sóc tốt đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe, thực hiện tốt chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho NLĐ; coi trọng chữ tín và có trách nhiệm cao với người tiêu dùng, với bạn hàng cũng như với các đối tác kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh. Sản xuất kinh doanh bất cứ chủng loại hàng hóa nào đều phải tính đến chất lượng, thị hiếu, những yêu cầu chính đáng của người tiêu dùng, trong đó vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những yếu tố phải được đặt lên hàng đầu.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cần đặc biệt lưu tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường sinh thái, không gây tác động xấu đến cuộc sống, sức khỏe của NLĐ, của cộng đồng dân cư; coi trọng việc sử dụng công nghiệp sạch, an toàn, ít phế thải. Khi thiết kế xây dựng nhà xưởng, khu vực sản xuất, DN có phương án tối ưu cho việc xử lý nước thải, chất thải rắn công nghiệp, đầu tư vốn thỏa đáng cho hệ thống xử lý môi trường. Vụ việc Công ty Vedan Việt Nam cố ý né tránh các cơ quan chức năng, không đầu tư vốn và kỹ thuật cho việc xử lý nước thải, đổ nước thải độc hại giết “chết” lưu vực sông Thị Vải thuộc 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, làm tôm cá nuôi trong ao hồ chết hàng loạt, gây tổn thất nặng nề cho sản xuất và sức khỏe của hàng vạn nông dân là hành vi vô trách nhiệm, vô cảm của DN đối với cộng đồng. Và đâu chỉ có Vedan Việt Nam gây ô nhiễm môi trường. Báo chí đã nêu đích danh hàng chục, hàng trăm DN khác trong sản xuất kinh doanh, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân chạy theo lợi nhuận đơn thuần, coi nhẹ yếu tố bảo vệ môi trường sinh thái, gây hậu quả xấu cho xã hội, thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng.

DN làm ăn giỏi, DN kinh doanh có hiệu quả, DN có trách nhiệm với cộng đồng còn là DN biết chia sẻ nỗi đau, sự nghèo khó, mất mát của cộng đồng, của xã hội, của những người sống chung quanh mình. Đó là những DN - doanh nhân nêu cao truyền thống tương thân tương ái, có ý thức tham gia (có hiệu quả) các hoạt động xã hội từ thiện. Phát huy truyền thống - đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, các DN - doanh nhân có trách nhiệm cao trong các hoạt động chăm sóc gia đình chính sách, giúp đỡ hỗ trợ người nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trách nhiệm với cộng đồng là lương tâm và trách nhiệm, là đạo đức của DN - doanh nhân Việt Nam.

Quốc Toàn

Tin cùng chuyên mục