Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Cần hỗ trợ vốn

Khó nhất vẫn là vốn
Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Cần hỗ trợ vốn

Hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ còn gặp khó hơn khi vốn đầu tư nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, kéo theo khả năng cạnh tranh kém. Xuất phát từ thực tế đó, nhiều giải pháp hỗ trợ vốn cải thiện hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được TPHCM triển khai.

Có nguồn vốn đáp ứng đủ yêu cầu sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững. Ảnh: CAO THĂNG

Khó nhất vẫn là vốn

Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vị thế và vai trò đối với nền kinh tế khi đóng góp trên 40% GDP, thu hút hơn 50% tổng số lao động, chiếm 17,26% tổng kinh phí nộp ngân sách nhà nước. Vì vậy, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển là tái tạo động lực phát triển cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, cho biết, trong bối cảnh hiện nay, những thách thức đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là không ít. Vướng mắc lớn nhất là về mặt sản xuất, đầu tư tài sản cố định. Các doanh nghiệp này có nguồn lực tài chính yếu, chưa nhận được sự ưu đãi hỗ trợ đầu tư vào khu công nghiệp cũng như rất khó khăn để đăng ký được vào cụm công nghiệp chuyên ngành. Nhiều doanh nghiệp ngành sản xuất chế biến của hiệp hội vướng mắc về mặt bằng sản xuất, khó khăn về đầu tư tài sản cố định. Cơ sở vật chất họ đều tận dụng nhà ở, đất ở của mình ngay trong khu dân cư làm xưởng sản xuất để dễ thuê nhân công, gần làng nghề và thị trường tiêu thụ, tiết kiệm chi phí thuê xưởng… nhưng cơ bản do doanh nghiệp thiếu vốn phát triển. Mặt khác, doanh nghiệp vừa và nhỏ yếu thế về năng lực cạnh tranh do chưa có kinh nghiệm tham gia hội nhập, tư duy kinh doanh vẫn theo phương thức truyền thống. Trong thời gian dài nhà nước ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... nên doanh nghiệp vừa và nhỏ không có điều kiện thuận lợi và được hỗ trợ nhiều để phát triển.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Hoàng Văn Sơn, Trưởng Văn phòng Luật VNC, cho rằng, nhìn từ góc độ pháp luật và chính sách hiện nay, việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên các vấn đề chính gồm chính sách miễn giảm thuế trong một thời gian; hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp, ưu đãi; hỗ trợ tiền sử dụng đất, tiếp cận đất đai; tiếp cận các dự án đầu tư công; hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Thế nhưng, vấn đề cải cách thủ tục hành chính cần được ưu tiên hàng đầu vì luật hiện hành có rất nhiều quy định phức tạp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điển hình, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có bộ hồ sơ về kế toán đơn giản hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tham gia đấu thầu các dự án đầu tư, vay vốn ở các tổ chức tín dụng... Đồng thời, luật nên loại bỏ các quy định và cắt giảm những loại phí, lệ phí giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Cần lập quỹ hỗ trợ vốn

Ghi nhận thực tế tại một số doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy, hầu hết các đơn vị này chỉ mới chủ động tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thuế, hải quan... mà chưa chú trọng các khâu nghiên cứu thị trường, tiếp thị, quảng bá sản phẩm hay xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại theo từng ngành hàng... để doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không dừng lại đó, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Chi nhánh TPHCM, cho rằng, việc ban hành một đạo luật về hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ là tối cần thiết trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế đất nước. Định hướng xây dựng luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bền vững và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua kế hoạch, chương trình của hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, việc hỗ trợ phải có chọn lọc, đảm bảo công khai, minh bạch theo hướng lựa chọn doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, đổi mới sáng tạo, và việc triển khai hỗ trợ phải thực hiện thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan hỗ trợ. Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, cần thiết cho phép ra đời quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, quỹ cần quy định mục đích hoạt động, các nguồn vốn huy động cho quỹ và chi tiết hơn công tác quản lý vận hành, hướng đến sự minh bạch  trong các hoạt động hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

Các đại biểu cũng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Trung tâm xúc tiến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp để triển khai thực hiện một số chính sách, chương trình trợ giúp, là đầu mối tư vấn và thực hiện thí điểm mô hình trợ giúp kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục