Vấn đề ở lại hay ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang làm xáo trộn chính trường Anh bởi nỗ lực tìm kiếm thêm quyền hạn từ Brussels mà Thủ tướng David Cameron đang triển khai có nguy cơ lâm vào bế tắc. Trước khi Quốc hội Anh chính thức thảo luận dự luật trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của nước này trong tháng 7, ngày 19-5, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn và nổi tiếng của xứ sở sương mù đã gửi một bức thư kêu gọi chính phủ, người dân nên tỉnh táo để tiếp tục ở lại EU.
Trong bức thư gửi báo Independent, 19 nhà lãnh đạo hàng đầu nước Anh đã chỉ trích các nghị sĩ có thành kiến với EU (gọi là Eurosceptic MPs) khi đặt lợi ích chính trị cao hơn lợi ích kinh tế và từ bỏ các lợi ích quốc gia khi gây áp lực buộc Thủ tướng Cameroon đưa nước Anh ra khỏi EU. Họ kêu gọi Thủ tướng Cameron đẩy mạnh tăng cường sâu sắc hơn vào thị trường chung châu Âu để thúc đẩy nền kinh tế 110 tỷ bảng của nước Anh. Đây được xem là lần phản pháo mạnh mẽ nhất của giới doanh nhân đến các chính trị gia, những người quả quyết rằng lợi ích của kinh tế Anh sẽ tốt hơn nếu ra khỏi EU.
Các doanh nhân cho rằng xét ra khỏi EU sẽ khiến nước Anh chịu thiệt hại nặng. Đối với Anh, vị trí hiện nay ước tính có thể đang mang lại mức thu nhập bình quân mỗi năm từ 31 - 92 tỷ bảng, hay thu nhập mỗi hộ gia đình có thể kiếm được mỗi năm từ 1.200 - 3.500 bảng. Điều nước Anh nên làm hiện nay là chiến đấu cật lực để chiếm ưu thế cạnh tranh hơn trong EU, nên đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa vào thị trường chung châu Âu, trong đó bao gồm các lĩnh vực như kỹ thuật số, năng lượng, vận tải, viễn thông…
Nước Anh nên chiến đấu vì lợi ích quốc gia trong EU hơn là nỗ lực để tự đi một mình. London là trung tâm tài chính của châu Âu. Điều này không những mang lại cơ hội lớn để thúc đẩy các thị trường tài chính của London mà còn giúp đỡ giải quyết các vấn đề của hệ thống ngân hàng châu Âu.
Nhiều doanh nghiệp còn lo lắng rằng, nếu nước Anh thoát ly khỏi EU và áp đặt các hạn chế đối với lao động nước ngoài, các nước châu Âu khác sẽ trả đũa và sẽ đẩy người Anh vào thế khó khăn hơn khi kiếm việc và làm việc trong thị trường EU. Quyết định rút khỏi EU cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các ngân hàng khắp thế giới, nơi đã từng xem London như trung tâm tài chính của châu Âu, có thể buộc nhiều tập đoàn đa quốc gia di chuyển trụ sở của họ.
Kết quả một cuộc khảo sát do Liên đoàn Các phòng thương mại Anh (BCC) tiến hành và công bố vào tháng trước cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp ở xứ sở sương mù ủng hộ nước này tiếp tục ở lại trong EU nhưng với điều kiện liên minh gồm 27 quốc gia này phải trao cho London một số thẩm quyền nhất định.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy các công ty ở Anh ngày càng nhận thức được rằng sự thay đổi trong mối quan hệ giữa Anh và EU là cần thiết để thúc đẩy các triển vọng kinh doanh. Họ tin tưởng vào phát biểu mới đây của Thủ tướng Cameron tại một hội nghị đầu tư rằng “hoàn toàn có thể thay đổi và cải cách thể chế EU và từ đó có thể thay đổi mối quan hệ của nước Anh với tổ chức này. Lợi ích của Anh là phải kết nối với thế giới”.
HẠNH CHI