Đó là năm 1976, lãnh đạo Thái Bình giao cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức cho các em học sinh giỏi văn và có năng khiếu văn chương trong tỉnh đưa về bồi dưỡng trong những lớp đào tạo tập trung mang tên “Búp trên cành”. Trong hàng chục em ấy có Bùi Thị Biên Linh, mà như nhà thơ Kim Chuông, một người thầy trong cuộc, nhớ lại: “Đầu hè năm 1976, tôi có kỷ niệm khó quên với Bùi Thị Biên Linh, khi đạp xe về tận nhà tìm gặp và chọn Linh về lớp đào tạo, bồi dưỡng các em học sinh có năng khiếu sáng tác văn học của tỉnh. Đây là trại viết do Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình tổ chức, mang ý nghĩa đầu tiên trên cả nước”.
Đọc Bầu trời có nhiều vì sao của Bùi Thị Biên Linh, trước hết bạn đọc sẽ được gặp lại “chủ trương” này, “lớp học này”, hình ảnh thầy và trò của lớp học ươm mầm với những dòng ký ức rất xúc động, từ những kỷ niệm với những người thầy là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng cho đến những bạn bè đồng trang lứa trong lớp học của tác giả Biên Linh.
Cũng trong tập ký sự, Bùi Thị Biên Linh tiếp tục kể về chặng đường văn chương sau đó của chị, về những ngày tháng chị từ Phước Long ra Hà Nội mang theo cả trách nhiệm và niềm tin mà lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước giao phó để theo học khóa bồi dưỡng viết văn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Ở đây, một bầu trời văn học lại mở ra với chị, là những nhà văn, nhà thơ như những vì sao đầy quyến rũ trên bầu trời văn học: “Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, đã dành cho lớp bồi dưỡng sự quan tâm đặc biệt. Bằng tất cả tâm huyết của người trải nghiệm, người có kiến thức uyên thâm, ông đã đem đến lớp học “cua” giảng đầy cuốn hút và lý thú. Nhà thơ Trần Quang Quý trẻ trung, dí dỏm; nhà thơ Trần Đăng Khoa hồn hậu mà sâu sắc; nhà thơ Nguyễn Đức Mậu chất chiến sĩ vẫn ấm nồng trong mỗi trang thơ; nhà thơ Trần Ninh Hồ bình thản, hài hước mà thấm sâu. Nhưng xúc động nhất đối với tôi là bài giảng của nhà thơ Vũ Quần Phương. Ông là người tôi ngưỡng mộ từ lâu với những bài thơ tuyệt hay in trong sách giáo khoa lớp 7 và lớp 9. Dù đã ở tuổi 80 nhưng nhà thơ vẫn toát lên vẻ đẹp, hiền hậu, sang trọng của một trí thức lớn, một nhân cách lớn…”.
Sức hấp dẫn của Bầu trời có nhiều vì sao của Bùi Thị Biên Linh chính là ở đây. Chị viết về những nhà văn, nhà thơ chị yêu quý hoặc mang ơn đầy xúc cảm, thiêng liêng, kính trọng. Chị trân trọng họ, yêu mến, tôn thờ họ và tình cảm ấy hóa vào từng con chữ của chị đọc lên đầy xúc động.
Và chị viết chân dung về những người bạn thuở “Búp trên cành” của mình cũng đầy cảm xúc, thương yêu, tự hào. “Những đứa trẻ nhà quê đầu trần chân đất, suốt ngày leo trèo hái ổi, đánh chắt, đánh chuyền ngày nào”, giờ là những thầy cô giáo văn học, những nhà ngoại giao, những nhà quản lý… nhưng với tâm hồn và tri thức văn chương được đắp bồi tự ngày ấy, họ vẫn cầm bút bền bỉ sáng tác cho đến hôm nay, khi mái tóc đã điểm màu năm tháng. Thơ văn của họ ít nhất cũng đóng góp rất nhiều cho sinh hoạt văn nghệ các mái trường, cho những miền đất không chỉ riêng Thái Bình mà sau này họ gắn bó và công tác. Như Bùi Thị Biên Linh với Bình Phước là một tiêu biểu…
Đây là tập bút ký thứ 2 của Bùi Thị Biên Linh tôi từng được đọc, mà trước đó là tập Gửi lại dấu yêu của chị từng được giải thưởng của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam 2018, bao gồm những bút ký rất xúc động về những năm tháng trên bục giảng đường của một cô giáo cấp 3 ở miền Đông Nam bộ. Cả hai tập sách cùng một lối viết chân thành, mộc mạc, tinh tế, nhưng cũng rất ấn tượng, quyến rũ và giàu sức ngân vang trong lòng bạn đọc.