Độc đáo tranh cánh bướm Đông Hồ

Giữa trung tâm ồn ào náo nhiệt của thủ đô Hà Nội, từ hàng chục năm nay có đôi bạn già hàng ngày vẫn tỷ mẩn lắp ghép những cánh bướm để “vẽ” lên những bức tranh Đông Hồ nhằm lưu giữ, bảo tồn một dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam đang có nguy cơ mai một. Họ là GS-TS Bùi Công Hiển và kỹ sư Đặng Ngọc Anh.
Độc đáo tranh cánh bướm Đông Hồ

Giữa trung tâm ồn ào náo nhiệt của thủ đô Hà Nội, từ hàng chục năm nay có đôi bạn già hàng ngày vẫn tỷ mẩn lắp ghép những cánh bướm để “vẽ” lên những bức tranh Đông Hồ nhằm lưu giữ, bảo tồn một dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam đang có nguy cơ mai một. Họ là GS-TS Bùi Công Hiển và kỹ sư Đặng Ngọc Anh.

Tranh Đông Hồ được ghép từ những cánh bướm.

Tranh Đông Hồ được ghép từ những cánh bướm.

Trong một chuyến công tác nghiên cứu ở Thái Lan, GS-TS Bùi Công Hiển (nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng côn trùng học) bị cuốn hút bởi những bức tranh vịt làm bằng cánh bướm bán với giá 20 USD và được nhiều khách du lịch ưa thích.

Vốn là một người chuyên nghiên cứu về côn trùng học nên ngay lập tức ông đã nảy ra ý tưởng làm tranh từ những cánh bướm bán cho khách du lịch tại Việt Nam. Năm 1993, ông đem ý tưởng đó trao đổi với kỹ sư Đặng Ngọc Anh, Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để cùng nhau thực hiện “dự án” này. Ông cùng với kỹ sư Ngọc Anh lặn lội đến nhiều khu rừng trong những chuyến thực tập cùng sinh viên, sưu tập nhiều mẫu côn trùng để vừa phục vụ công tác giảng dạy tại trường đại học, vừa có chất liệu làm tranh.

Những năm gần đây, dòng tranh dân gian Đông Hồ bị mai một dần, thậm chí chính những người dân nơi đây cũng không còn mặn mà với nghề của cha ông tổ nghiệp nữa. Điều này khiến ông day dứt và quyết tâm góp một phần công sức nhỏ bé của mình để bảo tồn dòng tranh nổi tiếng với những mảng màu tươi sáng khắc họa trên nền giấy điệp.

Đối với một tác phẩm nghệ thuật bằng tranh, vẽ bằng màu, bằng sơn dầu đã khó, đằng này lại “vẽ” bằng những cánh bướm lại càng khó hơn. Bởi vậy, khâu sơ chế nguyên liệu và dùng chất liệu “phụ gia” để giữ màu sắc rực rỡ cho những cánh bướm là rất quan trọng. Để ghép thành những bức tranh với sự mềm mại của cánh bướm, màu sắc tươi tắn, cánh không bị nát, phấn bướm không bị bay, hai ông đã phải dùng một loại keo đặc biệt rồi tỉ mẩn lắp ghép rất cẩn trọng để thể hiện được hồn của bức tranh Đông Hồ đến với người xem.

Hiện nay bộ sưu tập của hai ông đã có tới vài chục bức tranh bướm Đông Hồ rất nổi tiếng như: đám cưới chuột; vinh hoa phú quý; chăn trâu thổi sáo; tranh gà, lợn... Tùy vào kích thước và độ khó, mỗi bức tranh có giá khác nhau, dao động từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng.

Những bức tranh mang hồn dân tộc này sẽ là những sản phẩm độc đáo, hướng mở cho một nghề mới đối với người dân, đặc biệt là nông dân, bởi họ sống ở những nơi có điều kiện khí hậu thuận lợi để côn trùng phát triển. Điều mà GS-TS Bùi Công Hiển và kỹ sư Ngọc Anh mong muốn là có nhiều bạn trẻ tiếp tục sự nghiệp của 2 ông để tranh Đông Hồ sẽ trở thành một món đồ lưu niệm đầy bản sắc.

Hoàng Thắng

Tin cùng chuyên mục