Có thể hiểu đây chính là quyết tâm của Hội Xuất bản nhằm tạo cho các em thói quen đọc sách, hướng đến về lâu dài chúng ta sẽ có một nền văn hóa đọc phát triển, xây dựng một xã hội học tập.
Cần có khung giờ cho việc đọc sách
Em Lê Ngọc Phương Trinh (học sinh lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 7), phát biểu: Việc đọc sách gần như không hề có trong suy nghĩ, mà iPad, smartphone, game online, Facebook… đang chiếm hết suy nghĩ của em và bạn bè.
Tuy nhiên, theo Phương Trinh, việc các em không đọc sách không phải hoàn toàn là do lỗi ở thiết bị số, mà còn đến từ rất nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như giá sách cao, đặc biệt là khoảng thời gian eo hẹp, từ 6 giờ sáng các em phải dành cho việc học trên lớp, học thêm rồi làm bài tập đến tận 23 giờ mới được đi ngủ.
“Không có tiền mua sách, không có nhiều nơi đọc sách miễn phí gần chỗ ở và việc học đã chiếm hết thời gian trong ngày là một trong những hạn chế việc đọc sách của chúng em”, Phương Trinh bày tỏ.
Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (quận 7) là một trong những trường học hiếm hoi hiện nay áp dụng khung thời gian 20 phút đầu giờ cho việc đọc sách. Cô Nguyễn Thị Mỹ, giáo viên Ngữ văn của trường, chia sẻ: “Có thể gia đình nhiều khi không quan tâm đầu tư đến việc đọc sách mà chỉ quan tâm đến việc con mình được bao nhiêu điểm, sẽ đi du học ở đâu… Nhiều trường học cũng thiếu khung thời gian cho việc đọc sách. Việc tạo thói quen đọc sách cho các em không khó, quan trọng là mình có tạo ra khung giờ cho các em hay không”.
Từ kinh nghiệm cá nhân cũng như qua tiếp xúc và trao đổi với một số đồng nghiệp, cô Đỗ Hoàng Mai (giáo viên Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận 11) cho rằng, hầu hết các thầy cô đều thấy học sinh của mình có sự thay đổi về các thói quen, sau khi nhà trường triển khai tiết dạy đọc sách thành tiết chính thức.
“Thói quen đọc sách đã hình thành cho con trẻ chúng ta những hành vi, nhận thức, suy nghĩ tích cực trong cuộc sống. Là nền tảng để các em phát triển về nhân cách sau này. Vì sao chúng ta chưa vào cuộc cùng nhà trường xây dựng thói quen tốt đẹp này?”, cô Mai đặt vấn đề.
Cũng theo cô Hoàng Mai, cần đưa môn học Đọc sách vào chương trình giảng dạy chính thức của Bộ GD-ĐT. Và trong khi bộ chưa có quyết định chính thức thì sở vẫn có thể cho phép các trường vận dụng điều phối chương trình dạy và học để mỗi tuần học sinh có được ít nhất một tiết đọc sách, đó là chia sẻ của Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn trên báo chí gần đây.
Xây dựng danh mục sách phù hợp
Cô Nguyễn Thị Mỹ cho rằng, với những học sinh cấp 2, cấp 3 vốn đã quen với những trò chơi, thú vui bên ngoài nên các em thường không thích đọc sách. Tuy nhiên, ngay khi nhà trường có khung giờ đọc sách 20 phút hàng ngày, các em bắt đầu yêu thích việc đọc sách, thường tranh thủ thời gian để có thể đọc sách. Từ đó, các em đã có những thay đổi tích cực.
“Tôi không đo lường được là nhân cách của các em có sự thay đổi như thế nào, nhưng có một điều mà tôi nhận thấy ở các em khi đến với sách, là các em có sự gần gũi với mình hơn, thay vì sợ cô giáo thì các em bây giờ mạnh dạn đến trao đổi, chia sẻ về những cuốn sách mới đọc”, cô Mỹ tiết lộ.
Theo cô Trần Thị Ánh Ngọc (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận 10), trường tiểu học có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng thói quen đọc sách tích cực cho học sinh. Để duy trì và phát triển niềm đam mê cùng thói quen đọc sách tích cực cho học sinh tiểu học, đòi hỏi nhà trường cần quan tâm thật nhiều đến các hoạt động đọc của học sinh, giúp các em luôn cảm thấy vui thích đối với việc đọc và luôn nhận ra điều bổ ích ẩn chứa đằng sau những trang sách.
Cũng theo cô Ánh Ngọc, bên cạnh sách giáo khoa, các dòng xuất bản phẩm hiện nay đang góp phần tích cực cho việc thực hiện mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các trường tiểu học quan tâm phát triển thói quen đọc cho học sinh, cùng với đó là tiếp sức cho công tác giảng dạy thêm hiệu quả.
“Sách đối với học sinh tiểu học không chỉ là nguồn tài liệu bổ trợ giúp học sinh mở mang kiến thức, mà còn là món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn, gieo mầm nhân cách tích cực”, cô Ngọc chia sẻ.
Một vấn đề quan trọng không kém trong việc hình thành thói quen đọc sách cho học sinh chính là phải có những đầu sách phù hợp với các em. Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho rằng, trách nhiệm của các NXB là phải có nhiều đầu sách, đa dạng về đề tài và phong phú về nội dung.
Tuy nhiên có một thiếu sót được ông Lê Hoàng chỉ ra từ thực tế của một người làm việc lâu năm trong ngành xuất bản: “Không phải chúng ta đang thiếu về nội dung hay đề tài nhưng có một việc là phải chọn cho được những quyển sách phù hợp để đi vào nhà trường thông qua danh mục sách phù hợp với từng cấp lớp, thậm chí là từng độ tuổi của các em. Đó là việc mà chúng ta chưa làm được. Chúng ta phải tiến cử được một danh mục sách với niềm tin là những quyển sách này góp phần đồng hành với chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT thì lúc đó chúng ta mới thành công”.