Kiềm chế và kéo giảm tai nạn
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM, trong 11 tháng đầu năm 2020, trật tự ATGT trên địa bàn thành phố cơ bản được đảm bảo. Toàn thành phố có 516 người chết do tai nạn giao thông, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm (số vụ tai nạn giao thông giảm 13,8%, số người chết giảm hơn 14% và số người bị thương giảm 12,4%).
Để có những kết quả này, các đơn vị, sở ban ngành đã triển khai tổ chức đồng bộ nhiều mô hình hoạt động tuần tra, kiểm soát kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người khi tham gia giao thông. Song song đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực giao thông để kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông trên địa bàn.
Những ngày này, ở trung tâm thành phố, chúng ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh các chiến sĩ CSGT đi tuần tra trên đường để xử lý nghiêm các trường hợp cố tình gây mất trật tự ATGT, xe đậu sai quy định. Không chỉ cắm chốt tại các “điểm nóng” về ùn tắc giao thông, “điểm đen” về khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông, các chiến sĩ CSGT còn thực hiện đi quay camera trên các tuyến đường để tiến hành phạt nguội các hành vi vi phạm trật tự giao thông.
Lực lượng CSGT sẽ áp dụng biện pháp 3 trong 1, là vừa kiểm tra hành chính để phòng ngừa thanh niên tụ tập đua xe, vừa phát hiện các đối tượng phạm tội để phòng ngừa tội phạm và xử lý người tham gia giao thông có nồng độ cồn nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Nhiều người dân chia sẻ, lực lượng CSGT luôn túc trực 24/24h để làm nhiệm vụ.
Sự quyết tâm, quyết liệt của thành phố trong việc đảm bảo trật tự ATGT làm cho người dân cảm thấy an tâm hơn khi lưu thông trên đường. Người dân cũng mong muốn thành phố cần tăng cường hơn nữa các hoạt động tuần tra, xử phạt nghiêm các hành vi gây rối trật tự đô thị, trật tự ATGT để đảm bảo ATGT cho cộng đồng.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM, để tiếp tục kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông trong những tháng cuối năm và sắp tới, Ban ATGT thành phố sẽ đồng loạt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho tất cả mọi người các vấn đề về kiểm soát tốc độ, kiểm soát tải trọng xe, kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe.
Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra tình hình trật tự ATGT trên đường cũng sẽ quyết liệt hơn. Đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM cũng cho biết, nhằm chủ động phòng ngừa ùn tắc giao thông, kéo giảm và đảm bảo trật tự ATGT, trong những tháng cuối năm 2020, đơn vị sẽ tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự ATGT, tăng cường xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người quy định, vận chuyển chất cháy nổ, hàng nguy hiểm, chở hàng quá tải, quá khổ; chở vật liệu để rơi vãi; lưu thông vào đường cấm, khu vực cấm; lưu thông không đúng phần đường, làn đường; dừng, đỗ không đúng quy định.
Tiếp tục duy trì các nhóm phản ứng nhanh Viber, tổ điều hành giao thông thực hiện tốt công tác nắm bắt thông tin, giải quyết nhanh các sự cố, phối hợp với các lực lượng công an quận huyện, thanh niên xung phong, đoàn thanh niên để tăng cường bố trí lực lượng điều hòa giao thông tại các điểm có nguy cơ ùn tắc. Đồng thời, bố trí lực lượng tại các chốt giao lộ trọng điểm, phức tạp để đảm bảo tình hình trật tự ATGT trên địa bàn thành phố.
Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018-2020” và phát động thực hiện năm ATGT trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, kéo giảm cả về số vụ lẫn số người chết do tai nạn giao thông gây ra.
Theo đó, cần phải nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự giao thông; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng xây dựng hạ tầng kết nối, tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, đầu tư mới phương tiện, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông. Hạn chế phương tiện cá nhân, xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại… phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.