Đổi đời nhờ… vốn ngoại

Không ít người dân nghèo đã cải thiện được cuộc sống nhờ nguồn vốn vay “không lo lãi suất” để kinh doanh, sửa chữa nhà. Các công trình hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục cũng được “thay áo mới” từ nguồn vốn này. Đó là nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Thế giới (WB). Trong 10 năm qua, WB đã hỗ trợ cho TPHCM hơn 266 triệu USD để thực hiện các dự án nâng cấp đô thị.
Đổi đời nhờ… vốn ngoại

Không ít người dân nghèo đã cải thiện được cuộc sống nhờ nguồn vốn vay “không lo lãi suất” để kinh doanh, sửa chữa nhà. Các công trình hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục cũng được “thay áo mới” từ nguồn vốn này. Đó là nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Thế giới (WB). Trong 10 năm qua, WB đã hỗ trợ cho TPHCM hơn 266 triệu USD để thực hiện các dự án nâng cấp đô thị.

Vốn vay không lo lãi

Thực hiện chương trình cải tạo, nâng cấp đô thị và tạo nguồn vốn cho người nghèo, từ năm 2004, TPHCM đã triển khai đến dân nghèo nguồn vốn của WB. Nằm ngoằn ngoèo trong con hẻm Tân Thành nối dài (phường 16, quận 11), căn nhà nhỏ do chị Tạ Kim Phượng đang thuê làm cơ sở gia công, sản xuất nến, rộn ràng tiếng cười nói của nhân công. Chị Phượng không nghĩ có một ngày mình lại trở thành chủ cơ sở, bởi từ nhỏ chị phải đi làm thuê cho một xưởng gia công nến, dù học được nghề nhưng lại không có vốn để nhận hàng gia công. Ngay căn nhà gỗ chị ở trước đây cũng nhờ chính quyền sửa giúp mới có chỗ che nắng che mưa.

Trong lúc cùng quẫn, Hội Phụ nữ báo tin có chương trình cho vay với lãi suất rất thấp từ WB. Chị vay ngay 5 triệu đồng - một số tiền rất lớn vào thời điểm đó, để trang trải chi phí nhận hàng gia công. Nhờ số tiền mượn được, hàng năm chị cứ xoay vòng tạo dần thành nguồn vốn lớn phục vụ cho việc kinh doanh. Từ đó, cuộc sống trở nên khấm khá hơn.

Nhờ nguồn vốn vay mà chị Tạ Kim Phượng (quận 11) trở thành bà chủ nhỏ cho cơ sở gia đình.

Chị Nguyễn Thị Yến Loan (quận 11) có nghề uốn tóc nhưng không có vốn mở tiệm nên phải làm thuê từ chỗ này sang chỗ khác. Nghe thông tin có vốn vay lãi suất thấp, chị Yến Loan đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị cho tiệm uốn tóc. Lấy công làm lời, lấy lời bổ sung vốn mở rộng, cứ thế, tiệm chị ngày càng khang trang, thu hút được nhiều khách. Chị Yến Loan cho biết, thời điểm khó khăn đó, nhiều nhà xung quanh cũng giống như tôi, nhờ vay được vốn mà cuộc mưu sinh trở nên khá giả hơn. Người có nghề thì mở tiệm sản xuất, gia công, người không có nghề thì vay vốn kinh doanh, buôn bán, mở quán ăn nhỏ trang trải cuộc sống. Sở dĩ chúng tôi yên tâm vì vốn vay với lãi suất rất thấp, chỉ như phí quản lý. Tôi vay 5 triệu mà một năm chỉ trả 300.000 - 400.000 đồng.

Đường - trường - trạm… đều thay “áo” mới

Với hơn 17 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới, Trường Mầm non 14 (quận Tân Bình) trở nên thân thiện với môi trường xanh - sạch - đẹp cho trẻ em, điều mà người dân nghèo nơi đây không dám mong đợi đã trở thành sự thật. Cô Lê Thị Thiếu Hoa, Hiệu trưởng trường chia sẻ, những năm trước đó, trường cứ chờ kinh phí xây dựng mới nên hàng năm phải sửa chữa nhỏ (dây điện, thay tôn…) tốn rất nhiều tiền nhưng chỉ che nắng, che mưa. Còn ngoài sân trường cứ mưa là ngập nước, dễ gây mầm bệnh cho trẻ. Có được nguồn vốn đầu tư, mơ ước một mái trường sạch sẽ trở thành hiện thực. Có trường mới, phòng học được lót ốp gỗ thay cho vải simili (dùng lâu ngày thường phát sinh côn trùng bên dưới), các cô vừa yên tâm sức khỏe cho trẻ lại không lo trẻ bị té ngã. Sân trường không còn ẩm ướt, lại còn đầu tư thêm mảng xanh.

Hướng đến chăm sóc sức khỏe cho người dân, Trạm Y tế phường 11 (quận 6) được đầu tư xây dựng mới cũng từ nguồn vốn WB, đã tạo được sự yên tâm của người bệnh. Dẫn đứa con trai vào tiêm ngừa, anh Hồ Hoài Nhơn nói, nhìn trạm y tế thoáng mát, thiết bị máy móc mới nên an tâm hơn. Trước kia thấy trạm y tế cũ kỹ, xập xệ, người dân không dám đưa người nhà vào cấp cứu dù là cấp cứu ban đầu.

Cũng từ nguồn vốn vay của WB mà người dân hẻm 128 Đinh Tiên Hoàng (phường 1, quận Bình Thạnh) đã được “lên đời”. Từ một con hẻm chỉ có xe máy di chuyển vào được, người dân hiến đất mở rộng hẻm và nhờ có tiền xây dựng, con hẻm giờ đây không bị ngập mà xe hơi có thể vào tận nhà. Tương tự, bà Lê Thị Thu (hẻm 270 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận) hiến gần 1/3 căn nhà để mở con hẻm thông với đường Hoàng Văn Thụ, xe hơi có thể qua lại được. Không chỉ người dân trong hẻm được thoáng đãng mà nhờ vậy bà con thêm thuận lợi trong kinh doanh.

Ở Tân Phú, con kênh Tân Hóa bốc mùi hôi thối đã được cải tạo, bộ mặt mới của tuyến kênh là nhà cửa sầm uất, nhộn nhịp với nhiều cửa hàng kinh doanh và các công ty bắt đầu mọc lên. Cuộc sống người dân đã thay đổi khi trở thành mặt tiền đường có thể kinh doanh, không lo dịch bệnh vì ô nhiễm môi trường như trước. Cứ như vậy, nguồn vốn của WB đã giúp thay đổi đời sống người dân nghèo…

Ông Trần Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thạnh (quận Tân Phú) chia sẻ, từ khi có dự án xây dựng cống hộp trở thành con đường, cuộc sống bà con đã đổi đời. Trước đây, phần lớn người dân xung quanh kênh là dân nhập cư, phải sống trong ô nhiễm, bệnh tật, dịch bệnh tiềm ẩn dưới dòng nước đen ngòm, rác thải nổi lềnh bềnh. Bà con lúc nào cũng lo sợ trẻ em rớt xuống kênh. Chỉ cần mặt trời xuống là tất cả sinh hoạt người dân phải vào mùng như xem phim, ăn cơm vì sợ muỗi. Nhưng nay, nhờ nguồn vốn tài trợ từ WB, tuyến kênh đã được đổi thay, từ đó người dân cũng được… đổi đời!

Ngoài việc nâng cấp 1.438 hẻm, lắp đặt mới 71.718 đường ống nước, 13.529 đồng hồ nước và 142.077m cống thoát nước và xây mới 14 cây cầu; cải tạo 19 công trình y tế, 47 công trình giáo dục và xây mới 5 trường học, WB còn cho 63.831 lượt hộ có thu nhập thấp vay vốn với tổng số tiền 560 tỷ đồng.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục