Đổi đời nhờ xích chi

Vĩnh Thạnh là huyện vùng sâu, cách trung tâm TP Cần Thơ gần 70km, đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Trong đó, Tổ hợp tác sản xuất nấm linh chi An Bình (xã Thạnh Tiến) là một minh chứng cho sự năng động đó. 1.
Đổi đời nhờ xích chi

Vĩnh Thạnh là huyện vùng sâu, cách trung tâm TP Cần Thơ gần 70km, đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Trong đó, Tổ hợp tác sản xuất nấm linh chi An Bình (xã Thạnh Tiến) là một minh chứng cho sự năng động đó.

1.
Nhấp ngụm nước màu đỏ nhạt, nước có vị đắng nhẹ, thoảng mùi thơm lạ, không phải là trà thường dùng. “Nước linh chi đấy”, chủ nhà, ông Hoàng Văn Tuyên, cười giới thiệu. Trong khói thơm mùi nước linh chi nóng hổi, ông chỉ người đàn ông ngồi đối diện: “Tổ hợp tác An Bình có mặt trên thị trường nấm cao cấp là nhờ bác Nguyễn Hữu Kiên đây. Bác Kiên cũng làm ruộng, có số vốn kha khá, chúng tôi rủ nhau bỏ tiền thành lập tổ hợp tác trồng nấm bào ngư. “Nhân sự” thông qua lẹ làng: ông Hoàng Văn Tuyên có mặt bằng làm tổ trưởng; ông Nguyễn Hữu Kiên, vốn là thầy giáo, có kiến thức, lo tìm hiểu kỹ thuật trồng nấm”.

Tổ hợp tác bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2012, với 10.000 phôi (bịch) nấm bào ngư, khi nó đang là một mặt hàng “nóng” trong một nhà xưởng nhỏ bé. Gần cuối năm 2013, tổ chuyển sang trồng nấm mèo. Cả hai loại nấm đều đạt năng suất cao, mang lại lợi nhuận gấp 20 lần lúa. Tuy nhiên, cái khó của việc trồng nấm bào ngư và nấm mèo là phải hái nhiều lần, liên tục, phải làm sạch mới bán được. Nhưng đưa nấm ra thị trường mới trần ai vì vận chuyển đến người mua nhỏ lẻ vất vả, tốn kém; đầu vào đầu ra bị lệ thuộc…

Ông Nguyễn Hữu Kiên trong nhà trồng nấm.

Nắm bắt thị trường, ông Kiên theo học Khoa sinh học tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, để tìm thầy học… làm nấm. Qua tìm hiểu ông Kiên được biết, linh chi trong thiên nhiên rất quý hiếm nên người ta sản xuất linh chi theo công nghệ sinh học. Đó là việc cấy tế bào mô cho ra giống nấm nguyên chủng theo ý thích (gọi là phân lập), có xuất xứ. Các nhà khoa học Nhật Bản đi đầu trong việc trồng nấm linh chi (năm 1972). Sau đó là Hàn Quốc và Trung Quốc.

Việt Nam đã trồng linh chi giống Trung Quốc thành công vào năm 1978 (Viện Dược liệu - Hà Nội). Năm 1987, các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học tự nhiên đã chọn được giống linh chi mọc hoang ở rừng núi Lâm Đồng để nhân giống và đưa vào sản xuất tại trại trồng nấm của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 24, đạt kết quả tốt vào năm 1988.

Linh chi phân loại theo màu sắc thành sáu loại, mỗi loại có công dụng chữa bệnh khác nhau. Loại màu vàng gọi hoàng chi hoặc kim chi, màu xanh gọi thanh chi, màu trắng gọi bạch chi hay ngọc chi. Loại màu đen gọi hắc chi hay huyền chi. Loại màu tím gọi tử chi. Loại màu hồng gọi hồng chi, đơn chi hay xích chi. Xích chi “dữ” nhất, ông Kiên nói vậy bởi làm tăng trí nhớ, dưỡng tim, bổ gan khí, an thần; chữa tức ngực, ích phổi, thông mũi, chữa ho nghịch hơi, ích tì khí; chữa bí tiểu, bổ thận khí; chữa đau nhức khớp xương, gân cốt… Để sử dụng, người ta dùng nấm linh chi phơi hoặc sấy khô, xắt mỏng nấu nước uống như uống trà.

2. Vén tấm màn trong vô số màn bao quanh khu vực trồng nấm, chúng tôi choáng ngợp trước những chiếc kệ nhiều tầng. Trên từng tầng là những bịch nấm đang nhú mầm, hoặc đã nở xòe tai nấm màu hồng. Có những tai nấm mới nhú như ngón tay con trẻ hay mới hé như những nụ hoa; những tai nấm đến kỳ thu hoạch to như chiếc quạt đẹp mắt.

Ông Kiên nói: “Trồng xích chi bao gồm việc gây bào tử trong ống nghiệm, đưa ra làm quen với môi trường, cấy cơ chất, tiệt trùng, ủ nấm, nồi hơi…”. Cơ chất là bã thực vật (xác rơm, lục bình, bắp, mía ủ rã mục) dù không có tinh dầu, độc tố nhưng cấy vào các loại linh chi khác được nhưng xích chi phát triển kém.

Mày mò tìm hiểu, ông Kiên phát hiện chỉ có mạt cưa cây cao su (ở Tây Ninh, Bình Dương…) là tác nhân thích hợp nhất với loại nấm này. Cấy trồng từ 65 đến 90 ngày thì hái đợt 1. Sáu tháng sau hái những đợt kế tiếp. Không giống các loại nấm khác, mỗi bịch cấy trồng chỉ cho ra 1 tai nấm xích chi.

Để có xích chi sạch đáp ứng yêu cầu khắt khe của đối tác thu mua, đòi hỏi nó phải được cấy trồng trong môi trường sạch, nước tưới sạch, cấy trồng theo quy trình khép kín. Đưa tay quẹt nhẹ một mặt nấm, ông Tuyên cho chúng tôi xem lớp bột mịn màu hồng sẫm.

“Đây là thứ giá trị nhất của xích chi, gọi là bào tử. Nếu bào tử bị nước phun làm trôi đi thì nó còn rất ít tinh dược dù vẫn có vị đắng nguyên thủy. Xích chi chỉ có giá trị khi còn bào tử nên việc phun nước đòi hỏi công phu, kỹ thuật phun đặc biệt hơn. Phun ít hoặc nhiều đều khiến nấm mất giá trị. Bào tử dùng làm mỹ phẩm cao cấp, nên giá của nó rất cao”, ông Tuyên nói.

Tổ hợp tác có đến 20 công nhân phụ trách nhiều công việc như vô bịch mạt cưa, cấy meo, đặt bịch meo lên kệ… Hàng tháng, Tổ hợp tác nấm An Bình cung cấp xích chi khô cho Công ty Trang Sinh 200kg, Công ty Nấm Việt 300kg, Công ty Hoàng Gia 800kg (đều ở TPHCM) với giá khoảng 500.000 đồng/kg; còn bán lẻ 1 - 2,5 triệu đồng/kg. Trong tương lai, tổ hợp tác sẽ đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ nhiều nơi với số lượng lớn.

Từ một tổ hợp tác sản xuất nấm bào ngư, nấm mèo với 7 tổ viên, nhà xưởng hạn hẹp, nay đã “nở nồi” trên tổng diện tích 5.000m2, đầu tư trang thiết bị hơn 1 tỷ đồng, với 18 tổ viên. Các tổ viên đều trở nên những người khá giả. “Xích chi làm đổi đời nhà nông, giá bán nấm xích chi gấp 30 đến 40 lần giá lúa. Chúng tôi sẽ mở rộng xưởng, trở thành hợp tác xã trong thời gian tới…”, ông Kiên phấn khởi khoe.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục