Đổi đời ở xã nghèo

Đổi đời ở xã nghèo

Chiếc xe U-oát đưa chúng tôi qua 20km từ thị trấn Đinh Văn - trung tâm huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) qua Đạ Đờn về xã Phi Tô. Dọc hai bên đường ẩn hiện những vườn cà phê “rô” (robusta) xanh ngát, những sân cà phê và những biệt thự to chẳng kém gì ở Đà Lạt, làm cho quãng đường như ngắn lại. Ở trụ sở UBND xã, chúng tôi gặp Bí thư Đảng ủy xã Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch UBND Lò Minh Quốc, Chủ tịch Hội Nông dân Lương Hùng Cường.

Mùa cà phê bội thu. Thiếu sân phơi, bà con phải phơi nhờ trong sân của UBND xã Đông Thanh.

Mùa cà phê bội thu. Thiếu sân phơi, bà con phải phơi nhờ trong sân của UBND xã Đông Thanh.

Các anh cho biết, năm nay, cà phê được giá, bà con phấn khởi lắm. Xã này thành lập 30 năm rồi nhưng những năm đầu, cuộc sống vất vả, thiếu thốn, phải đưa vào diện đặc biệt khó khăn. Hầu hết bà con là người dân tộc thiểu số. Có 2 thôn dân tộc gốc Tây Nguyên (thôn Phi Sour và Riong Tô toàn dân tộc K’Ho và Cill), các thôn khác phần lớn bà con các dân tộc phía Bắc, như Tày, Nùng, Thái đến lập nghiệp.

Thông qua các nguồn vốn 135, 167, 134 và bây giờ có thêm vốn 30a (dành cho vùng đặc biệt khó khăn), xã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm. Bà con được cấp đất sản xuất, được hỗ trợ làm nhà, được hướng dẫn cách làm ăn, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất… Từ đó đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm, từ 6 triệu đồng/người/năm vào năm 2008, lên 8 triệu đồng năm 2009 và năm 2010 vừa qua tăng lên 14 triệu đồng. Có những hộ xây nhà vài trăm triệu đồng. Nhiều nhà chưa xây nhưng trong nhà có vài trăm bao cà phê là chuyện thường. Với giá 38.000 – 40.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi nhà cũng có mấy trăm triệu đồng.

Chúng tôi đến nhà già làng K’Rong ở thôn Riong Tô. Ở đây chúng tôi gặp cả K’Siêng, Bí thư chi bộ thôn. Thôn có 213 hộ dân tộc K’Ho và làm ăn rất khá. Vụ cà phê vừa rồi có hộ thu tiền tỷ như nhà ông K Đinh, K Đồng, K Rèm. Các hộ thu trăm triệu có gần đến nửa thôn. Như già làng K’Rong, năm nay thu được 4.000 bao, lời gần 200 triệu đồng. K’Siêng cho biết, so với chục năm trước thì Riong Tô khác nhiều lắm. Bây giờ, bà con biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt để đạt năng suất cao. Mọi người còn có ý thức tự vươn lên, không muốn ỷ lại Nhà nước, không muốn xếp loại hộ nghèo. Trong thôn đã có 50 - 60 máy cày để cày xới, vận chuyển. Đời sống khấm khá, con cháu được ăn học. Nhiều cháu học xong trung cấp, cao đẳng, đại học về làm việc ngay tại xã, huyện. Hiện vẫn còn khoảng 30 cháu đang học các trường Y, Nông Lâm, Sư phạm… Đây chính là nguồn cán bộ về lâu về dài của địa phương.

Trên đường từ Phi Tô về huyện, chúng tôi ghé qua xã Đông Thanh, xã đang xây dựng nông thôn mới. Trên 1.150 hộ với gần 5.200 khẩu gốc Đông Anh, Thanh Trì (Hà Nội) vào xây dựng khu kinh tế mới từ những năm 1976 - 1977, giờ đã thực sự vững chãi trên quê hương Lâm Đồng. Cây cà phê, cây dâu, con tằm bấy lâu gắn bó, đã đem lại cho các hộ gia đình ở Đông Thanh cuộc sống ấm no. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Trần Hồng Ngọc cho biết: “Năm qua, thời tiết thuận hòa nên cả xã thu trên 100 tỷ đồng từ cà phê. Bình quân đầu người trong xã đạt đến 20 triệu đồng/năm. Thu nhập khá, chuyện đóng góp làm đường sá, công trình công cộng cũng dễ dàng. Đến nay, đường làng ngõ xóm đều rộng rãi, phong quang, sạch sẽ. An ninh trật tự ở đây hoàn toàn yên tâm”. Anh Ngọc còn cho biết, năm nay xã sẽ nhựa hóa con đường liên xã, bê tông đường thôn, hoàn thành trường mẫu giáo…

Một ngày đi về xã, về thôn, những đổi thay cho chúng tôi niềm vui. Những xã nghèo đang thoát nghèo, những xã giàu đang giàu thêm. Cán bộ xã, cán bộ thôn, người Kinh, người dân tộc thiểu số, ai cũng nói nhờ có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, dân mới có ngày hôm nay.

BÌNH NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục