Đồi hoang “đẻ” bạc tỷ

Từ khát vọng muốn thoát nghèo làm giàu, nhiều nông dân ở một huyện trung du miền núi tỉnh Bình Định đã gầy dựng lên một “thủ phủ” cây ăn quả đa dạng bậc nhất ở miền Trung. Bây giờ, trên những khu đồi cằn cỗi vốn chỉ trồng loài cây keo tràm đã được hồi sinh trở thành vùng chuyên canh “đẻ” ra tiền cho nông dân.
Lão nông Phạm Đình Độ có cơ ngơi bạc tỷ nhờ vườn cây ăn trái ở đồi Bà Nông
Lão nông Phạm Đình Độ có cơ ngơi bạc tỷ nhờ vườn cây ăn trái ở đồi Bà Nông

Thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm 

Sâu trong núi Hóc Đắng, hộ anh Trần Đức Việt (36 tuổi, xã Ân Hòa, huyện Hoài Ân) đang sở hữu một khu vườn cây ăn quả trên 1ha. Anh Việt đưa chúng tôi đi thăm khu trồng 400 cây mít Thái, khu trồng 100 cây quýt đường, bưởi da xanh, dừa xiêm, bơ booth-7… “Tôi tự hào vì bây giờ mỗi năm, với 400 cây mít Thái tôi nhẹ nhàng lót tay trên 150 triệu đồng”, anh Việt tự tin. 

Ít ai biết, 6 năm về trước, Hóc Đắng là vùng đồi cỏ tranh cằn cỗi không trồng nổi thứ cây gì hiệu quả. Ấy thế mà từ năm 2015 đến nay, anh Trần Đức Việt đã biến mảnh đất cằn thành cây… ATM để cải thiện đời sống. Chỉ tay vào ngôi nhà mới khang trang, anh Việt nói vui: “Tất cả đều nhờ mít hết đấy. Ngoài trồng cây ăn quả, tôi còn nuôi thêm bò ở gò Hóc Đắng này để tăng thêm thu nhập. Nếu thuận lợi, vài năm nữa là khu vườn của tôi có thể thu được 300 - 400 triệu đồng/năm”. 

Ở đỉnh đồi Bà Nông, lão nông Phạm Đình Độ (57 tuổi, thôn Long Quang, xã Ân Mỹ, Hoài Ân) đang sở hữu vườn cây ăn quả lớn nhất cả huyện Hoài Ân với 7ha. Ngồi dưới tán vườn đu đủ treo lủng lẳng quả, ông Độ kể, trước thập niên 70 của thế kỷ 20, vùng gò đồi có tục danh Bà Nông này chỉ rặt những cây dại và rừng lá thấp.

Sau giải phóng, ông Độ mang phảng, cuốc lên ngày đêm cuốc đất, lấp hào khai hoang lập nghiệp. Buổi đầu trồng mì, điều, keo tràm kém hiệu quả, ông Độ quyết tâm chuyển qua trồng cây ăn quả. Bền bỉ gắn bó với đất, cuối cùng đồi Bà Nông đâm hoa kết trái.

Ban đầu, ông Độ gầy dựng được một khu vườn với 200 cây quýt, 200 cây cam sành. Trong thời gian chờ quýt và cam ra quả, ông Độ trồng xen canh đu đủ, ớt kim, nghệ để lấy ngắn nuôi dài. Ngắn nhưng cứ mỗi năm ông Độ cũng bỏ túi được 150 triệu đồng từ đu đủ, ớt kim. Năm quýt đường và cam sành được 3 tuổi thì đã sai trái trĩu cành. “2 năm sau đó (2018, 2019), tôi liên tiếp trúng đậm vụ quýt, cam mỗi năm khoảng 300 - 350 triệu đồng. Năm nay dù bị dịch Covid-19 nhưng vợ chồng tôi tiếp tục thắng lớn có thể thu được đến 400 - 500 triệu đồng”, ông Độ khoe. 

Ngoài ra, ông Độ đang trồng trên 1.200 cây bưởi da xanh sắp cho quả. Bưởi da xanh đang có giá rất cao 35.000 - 40.000 đồng/kg. “Hiện tôi đã đầu tư 1 tỷ đồng vào khu vườn này. Để duy trì việc làm vườn, tôi thuê 5 - 8 lao động. Bây giờ mỗi năm tôi thu khoảng trăm triệu”, ông Độ nhẩm tính.

Cũng ở huyện Hoài Ân còn có hộ ông Nguyễn Tiến Trung (40 tuổi, xã Ân Tường Tây) được mệnh danh là “vua bưởi” của Bình Định. Hiện ông Trung sở hữu khu vườn bưởi năm roi, bưởi da xanh tuổi 5 - 7 năm, với hàng ngàn cây. Mỗi năm khu vườn cho ra 4 - 5 tấn bưởi năm roi, 2 - 3 tấn bưởi da xanh, thu về 150 - 170 triệu đồng/năm. Hay hộ ông Tăng Doãn Ích (72 tuổi, xã Ân Thạnh) đang trồng khu đồi bưởi da xanh đã cho thu, mỗi năm đút túi trên 200 triệu đồng…

Xây dựng thủ phủ cây ăn quả

Rót chén trà Gò Loi, ông Tô Kế Thế, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, kể lại câu chuyện phát triển ồ ạt loài keo tràm từ 20 năm trước. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả một dải trung du vốn là rừng cây bản địa và rừng lá thấp, kể cả rừng tự nhiên, đất nông nghiệp đều bị người dân phát đốt để trồng keo. Cứ 3 - 4 năm, rừng keo vào mùa thu hoạch nương rẫy là làng quê ám khói loang lổ. Nhận thấy hệ lụy lớn của cây keo, nhiều nông dân ở Hoài Ân đã chủ động chuyển đổi cây trồng khác. 

Từ đó, nhiều mô hình cây ăn quả bắt đầu bén rễ. Hàng trăm khu vườn cây ăn quả nối tiếp nhau trải rộng cả huyện Hoài Ân. Nhiều hộ bắt đầu thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ trồng cây ăn quả. Có hộ chỉ vài năm đã phất lên sắm được nhà cao cửa rộng, xe cộ.

“Cây ăn quả tuổi đời dài hơn cây keo, thường kéo dài từ 20 năm trở lên. Ở đất Hoài Ân này, trồng cây ăn quả rất phù hợp, chất đất khiến cây sai quả và chất lượng cũng thơm ngon bậc nhất. Cứ cái đà ấy, Hoài Ân từ nguy cơ một vùng đất chết đã hồi sinh thành một khu rừng trồng cây ăn quả. Rừng cây ăn quả vừa đem lại kinh tế cao lại vừa có chức năng giữ đất, nước…”, ông Kế nói.

Đến năm 2015, theo lời mời của địa phương, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đến khảo sát chất đất, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu để lập quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn quả Hoài Ân. Trong thời gian ngắn, các chuyên gia đã lập được một vùng quy hoạch gần 1.600ha đất ở nhiều địa phương trong huyện Hoài Ân có tiềm lực để trồng cây ăn quả.

Bắt đầu từ năm 2016, UBND huyện Hoài Ân cho ra hàng loạt dự án với nhiều tỷ đồng để tạo hình hài, vóc dáng một thủ phủ cây ăn quả. Ngoài những cây ăn quả bản địa, chính quyền Hoài Ân còn liên kết với các viện cây ăn quả miền Nam để đưa về nhiều giống cây ăn quả mới, như: da xanh, bơ booth-7, thanh long, cam quýt, sầu riêng… 

Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, cho biết, hiện tổng diện tích cây ăn quả của huyện khoảng 1.500ha, kỳ vọng nhất là 350ha bưởi da xanh. Cùng với việc hiện thực hóa thủ phủ cây ăn quả bậc nhất miền Trung, Hoài Ân đã xúc tiến xây dựng nhãn hiệu cho các loài nông sản. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp chứng nhận nhãn hiệu “Bưởi Hoài Ân”. Trong kế hoạch đến năm 2035, Hoài Ân sẽ phát triển một vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích 2.300ha, sản lượng ước đạt 12.000 tấn/năm.

Tin cùng chuyên mục