Đối mặt với công an, tội phạm không cần biết "tướng hay tá"

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói: Tội phạm không cần biết đó là "tướng hay tá" mà chỉ cần biết lực lượng công an có súng hay không khi đối mặt. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn để lực lượng công an sử dụng các loại công cụ, vũ khí một cách nhanh hơn, kịp thời hơn trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Ngày 2-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Trong đó, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị, cần rà soát thêm các quy định về kéo dài tuổi phục vụ trong lực lượng công an nhân dân liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và tính đặc thù của ngành, quy mô dân số.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QUANG PHÚC

Ngoài ra, đại biểu chỉ ra, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm diễn biến rất phức tạp, manh động và liều lĩnh, băng nhóm sử dụng nhiều loại hung khí sát thương cao. Lực lượng công an đã có nhiều nỗ lực, thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ bình yên cho người dân. Trong cuộc chiến đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an đã hy sinh. Để ghi nhận sự đóng góp, hy sinh đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị xem xét thăng cấp hàm trước thời hạn cao hơn nữa cho những trường hợp này.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tội phạm không cần biết đó là "tướng hay tá" mà chỉ cần biết lực lượng công an có súng hay không khi đối mặt. Nhưng hiện nay, để sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí trấn áp tội phạm, lực lượng công an phải tuân thủ theo quy định, quy trình và cân nhắc xem xét trong nhiều trường hợp, bối cảnh. Trong khi tội phạm hiện nay rất manh động, nhanh và nguy hiểm. "Tôi đã phỏng vấn nhiều công an, họ nói sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ có vướng, phải theo quy định", đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn để lực lượng công an sử dụng các loại công cụ, vũ khí một cách nhanh hơn, kịp thời hơn trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Riêng về bậc hàm trung tướng, đại biểu cho rằng, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân và Trường Đại học An ninh nhân dân cũng có chức năng nhiệm vụ lớn, phạm vi đào tạo rộng, do vậy, cần phải xem xét bậc hàm trung tướng cho phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng tình, Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân và Trường Đại học An ninh nhân dân phải là cấp tướng. Đồng thời, dự thảo cần bổ sung thêm số lượng cấp tướng dành cho giám đốc công an tỉnh ở những địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1, địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự… Ngoài ra, đối với trưởng công an thành phố loại 1, loại 2 trực thuộc tỉnh có dân số đông cũng phải có bậc hàm cao hơn một bậc theo quy định, tức là cao nhất là đại tá thay vì thượng tá như hiện nay.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, cần đánh giá kỹ tác động về giới đối với việc điều chỉnh tăng hạn tuổi hưu đối với cán bộ giữ hàm thượng tá, đại tá là nữ.

Về quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng, đại biểu đề nghị cần phải có thời gian tối thiểu là bao nhiêu năm, tránh tình trạng vừa phong tướng xong lại nghỉ hưu. Đồng thời cũng cần làm rõ lập "thành tích xuất sắc" là thế nào để tránh bị lợi dụng khi xét thăng cấp hàm trước thời hạn.

Phó Giám đốc Công an TPHCM, Công an Hà Nội có không quá 3 thiếu tướng mỗi đơn vị

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông có số lượng thiếu tướng không quá 11.

Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Phó Giám đốc Công an TPHCM có số lượng mỗi đơn vị không quá 3 thiếu tướng.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan.

Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi. Nữ sĩ quan cấp tướng vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan Công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt.

Thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021 nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày luật này có hiệu lực thi hành.

Tin cùng chuyên mục