Cho đến thời điểm này, sau nửa năm trễ hẹn, vẫn chưa có thông tin chính thức về việc tổ chức đại hội LĐBĐ Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 8. Những ồn ào liên quan đến công tác nhân sự hồi đầu năm cũng đã lắng xuống sau khi một loạt ứng cử viên chủ chốt tuyên bố rút lui.
Hoàn cảnh bất đắc dĩ này vô tình lại cho thấy một thực tế đáng suy nghĩ về vai trò và tính cần thiết của bộ máy quản lý VFF. Bóng đá Việt Nam vẫn đang được vận hành trong một năm được xem là bận rộn nhất với 6 đội tuyển tham gia các vòng chung kết châu lục. Nếu không xem là tốt thì cũng chưa thấy có gì đáng lo ngại. Điều này nói lên công tác điều hành không phải là vấn đề chính của bóng đá Việt Nam nói chung hay bộ máy VFF nói riêng.
Xét trong 3 nhiệm kỳ gần đây, kể từ khi không còn tổ chức các giải đấu nội địa, thì bộ phận điều hành của VFF, đứng đầu là Tổng thư ký, có rất ít sự thay đổi. Ngoại trừ công tác trọng tài có tính khu biệt, thì những phần việc liên quan đến truyền thông, tài trợ… đều tốt hơn trước.
Chính sự ổn định của bộ phận bên dưới, lại càng phải xem lại cơ cấu và những tiêu chí cho bộ phận bên trên, tức các ông chủ tịch, phó chủ tịch của VFF. Lấy ví dụ: Nếu VFF đang làm truyền thông tốt, thì một ông phó chủ tịch phụ trách truyền thông nếu được bầu sẽ phải có công việc đặc biệt ra sao chứ không thể chỉ là “người phát ngôn” như ở nhiệm kỳ 7. Tương tự, khi công tác tài chính, tài trợ của VFF hiện đang ổn, đã giao cho một công ty nước ngoài đảm trách, thì tân phó chủ tịch tài chính phải có các hoạt động cụ thể gì, chứ không thể chỉ làm sao đạt được các con số đề ra, hay “bù bằng tiền của mình”. Nếu các tiêu chí cho cấp phó khác biệt, thì vai trò của Chủ tịch VFF chắc chắn còn phải nâng cao hơn nhiều, không thể chỉ đóng khung với các yêu cầu chung chung như “quen thuộc”, “uy tín”... đối với cộng đồng bóng đá.
Những thất bại của các đội U.16, U.19 hiện nay hay việc ngày càng ít doanh nghiệp tham gia tài trợ, đầu tư vào V-League cho thấy vấn đề rất nghiêm trọng của bóng đá Việt Nam là thiếu những nguồn lực xã hội “đi” đường dài với nền bóng đá. Để có lứa U.23 xuất sắc, cần cảm ơn những bầu Đức, bầu Hiển hay Vingroup đã xây dựng các trung tâm đào tạo trẻ từ 10 năm trước, lúc VFF rất mạnh về tổ chức. Họ đều có một điểm chung, đó là đam mê bóng đá, nguồn lực tài chính rất lớn và chấp nhận rủi ro khi đầu tư. Nhưng con số này quá ít, không đủ để tạo ra nhiều lứa cầu thủ tốt ổn định. Như vậy, để có thêm những con người hay tổ chức tương tự, cần phải có sự bảo đảm mang tính chiến lược đến từ VFF, hay cụ thể là từ ông chủ tịch.
Trong khi đó, VFF hiện nay chỉ hoạt động theo nhiệm kỳ 4 năm, cứ sắp đến đại hội lại ồn ào chuyện “lên - xuống - đi - ở”, khiến cho người ngoài cảm thấy bất an, nhất là ở khía cạnh chính sách hay chiến lược hỗ trợ cho việc đầu tư của họ. Ngay ở quá trình chuẩn bị cho đại hội 8 vừa qua, các ứng cử viên cho chức danh chủ tịch đều không đủ tầm để “nói chuyện” với những doanh nghiệp tầm cỡ, làm sao đủ năng lực để bảo đảm cũng như vận động họ tham gia lâu dài? Nên, giả sử có được bầu thì cũng khó mà thay đổi tình hình bóng đá Việt.
Nếu xem VFF như một tập đoàn, thì hiện đang có một nghịch lý là bộ phận quản lý lại ổn định hơn các cấp quản trị chiến lược thay vì ngược lại. Nên chăng, cần cải tổ VFF theo hướng tăng thời gian nhiệm kỳ, bỏ bớt các tiêu chí nghề nghiệp ở cấp quản lý, đặt ra những yêu cầu cao cho từng vị trí lãnh đạo để tránh giẫm chân lên bộ phận điều hành. Quan trọng hơn nữa, với cơ chế lãnh đạo theo “chế độ thủ trưởng” hiện nay, khi các phó chủ tịch chỉ mang tính chất giúp việc, thì phải tìm được một ông chủ tịch có đủ các yếu tố mang tính dài hạn cả về năng lực, vị thế xã hội, uy tín cá nhân…